Người mắc bệnh tâm thần gây án mạng: Quy định nào để quản lý?

16/08/2022 18:11 GMT+7

Theo chuyên gia, cần có biện pháp quản lý người mắc bệnh tâm thần, có biểu hiện mắc bệnh tâm thần trong xã hội để tránh những hậu quả đau lòng.

Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 15.8, một nữ nhân viên y tế của Trạm y tế xã Đức Chánh, H.Mộ Đức (Quảng Ngãi) bị ông Nguyễn Thành Sơn (người mắc bệnh tâm thần) dùng cây gỗ đánh tử vong khi đang trên đường đi làm về nhà.

Cũng trong ngày 15.8, trong lúc bà N.N.L.(48 tuổi, ngụ Tiền Giang) đang bưng hủ tiếu cho khách thì bất ngờ bị nghi phạm Mai Văn Sáng (35 tuổi, hàng xóm đối diện nhà bà L.) cầm búa đập vào đầu. Lúc xảy ra vụ việc, Sáng có biểu hiện không bình thường.

Liên tiếp 2 vụ án liên quan người mắc bệnh tâm thần, hoặc có biểu hiện của bệnh tâm thần sinh sống trong các khu dân cư xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có biện pháp quản lý bệnh nhân tâm thần, có biểu hiện mắc bệnh tâm thần sống trong cộng đồng dân cư.

Trường hợp buộc người mắc bệnh tâm thần phải vào bệnh viện, trung tâm để chữa trị

Theo luật sư (LS) Trần Minh Hùng (Đoàn LS TP.HCM), Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi khi phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với người mắc bệnh tâm thần bị mất năng lực hành vi dân sự, căn cứ Khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người giám hộ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trường hợp người giám hộ chứng minh mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải bồi thường.

Hiện trường nữ nhân viên y tế bị người mắc bệnh tâm thần đánh tử vong

HẢI PHONG

LS Hùng cũng cho biết thêm, tại Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với người phạm tội khi đang mắc bệnh tâm thần, Viện KSND hoặc tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

Đối với người có năng lực trách nhiệm hình sự trong khi phạm tội nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với người đang chấp hành hình phạt tù nhưng bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do miễn chấp hành hình phạt, người này phải tiếp tục chấp hành hình phạt. Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

"Thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần chỉ áp dụng khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần chữa trị trước khi có những chuyện đáng tiếc xảy ra vẫn phụ thuộc phần lớn vào sự tự nguyện của gia đình", LS Hùng nhận định.

Cần siết chặt việc quản lý người mắc bệnh tâm thần

Theo LS Hùng, pháp luật chưa có quy định cụ thể quản lý người có bệnh án tâm thần khi trở về xã hội. Bộ LĐ-TB-XH đã có Thông tư Dự thảo Hướng dẫn quy trình quản lý trường hợp với người bệnh tâm thần tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó, bao gồm một số quy định về việc quản lý người có bệnh án tâm thần khi hòa nhập cộng đồng, nhưng đến nay, hướng dẫn này chưa được ban hành.

“Nhà nước cần ban hành các quy định để quản lý người mắc bệnh tâm thần, người từng có bệnh án tâm thần khi trở về hòa nhập cộng đồng để bảo đảm an toàn cho những người xung quanh. Ngoài ra, cần có một chế tài, quy định để bảo vệ bác sĩ tránh bị người mắc bệnh tâm thần đánh đập khi đang khám chữa bệnh", LS Hùng nói.

Theo LS Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) đã có nhiều hệ lụy và câu chuyện đau lòng khi người mắc bệnh tâm thần thực hiện các hành vi phạm tội ngoài xã hội. Điều này đặt ra trách nhiệm quản lý quan trọng đối với cơ sở khám chữa bệnh, gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần và chính quyền địa phương.

LS Hậu cũng cho biết thêm, Bộ Y tế cần phải rà soát các bệnh án tâm thần. Qua đó, điều trị bắt buộc đối với những người mắc bệnh tâm thần và đấu tranh loại bỏ đối tượng giả tâm thần để được đi điều trị nhằm trốn tội, các cán bộ y tế vì lợi ích mà tiếp tay cho tội phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.