Nhỏ bé mưu sinh giữa chợ Đà Lạt
Giữa khu chợ đêm Đà Lạt đông đúc, trước một cửa tiệm sáng trưng đèn có một người phụ nữ gần như lọt thỏm giữa vô vàn khách du lịch qua lại.
Chị Hồ Thị Thương (42 tuổi) đang đứng cạnh sạp hàng nhỏ bán móc chìa khóa và quà lưu niệm của mình. Chị bị tật bẩm sinh, chỉ cao tầm 1m. Phần chân bị biến dạng phải di chuyển trực tiếp trên đầu gối còn ngón tay dính liền lại với nhau mà theo chị, phần ngón cái chỉ mới được tách ra vài năm trước sau khi làm phẫu thuật ở Hà Nội. Tự miêu tả bản thân, chị cười đùa: “So với cái thùng rác công cộng, chị thậm chí còn nhỏ hơn nhiều”.
|
Chị Thương quê ở Nghệ An, nghe lời bạn bè đưa con vào Đà Lạt để mưu sinh từ năm 2018. Ở đây, sáng sáng chị đi bán vé số, chiều tối lại bày sạp móc khóa bán ở chợ đêm. Người chị nhỏ, nhỏ hơn hẳn sạp hàng của chính mình.
Chị kể, những ngày đầu, chị vẫn siêng năng đẩy sạp đi liên tục xung quanh chợ để chào khách. Bởi “đẩy vậy thì mình mới mời được nhiều khách mua hàng”. Tuy nhiên, đi nhiều, phần đầu gối sưng phù, chảy dịch. Lúc này, chị phải đi đến bác sĩ để hút dịch ra, sau đó liền nghỉ bán suốt 1 tuần.
Đau và mỏi là “hậu quả” của sự cần cù, chăm chỉ, nhưng điều đó không khiến chị lo sợ. Thứ duy nhất làm chị nao núng là “nghỉ lâu vậy rồi mình lại chẳng có thu nhập gì mà nuôi con”. Thế nên sau này, chị quyết định dựng sạp đứng một chỗ bán hàng, dù thực chất làm vậy chỉ giúp nỗi đau đến chậm hơn một chút chứ chẳng vơi bớt là bao.
|
|
Khiếm khuyết cơ thể dường như chẳng thể làm khó được chị. Những người xung quanh, từ bạn bè, đồng nghiệp đến hàng xóm, ai cũng bảo chị là một người cần cù, chăm chỉ.
Cô Nga (59 tuổi, quản lý trưởng khu ngân hàng nơi chị Thương sống) khẳng định: “Thương bị vậy nhưng chịu khó, một mình chăm chỉ đi làm nuôi con từ sớm đến khuya không một ngày nghỉ mà chẳng nề hà gì”.
Lại được cái tình tình niềm nở, vui vẻ, gặp ai cũng nhiệt tình chào hỏi, giúp đỡ nên chị Thương được nhiều người yêu mến. Đứng nói chuyện với chị chỉ gần 1 tiếng, tôi thấy biết bao chủ sạp khác trong chợ tới hỏi thăm, giúp chào mời khách hay gửi gắm chút đồ ăn.
Chị kể: “Chợ xô bồ, đông đúc nên hồi đầu chị không tránh khỏi những ganh ghét, xích mích. Nhưng rồi mình cứ kiên trì bám trụ, mọi người quen dần rồi lại thương. Đến nay thì chị được chia sẻ, giúp đỡ nhiều lắm, công việc cũng bớt phần nào khó khăn”.
Vì con là lẽ sống duy nhất
Được quan tâm, giúp đỡ là thế nhưng động lực lớn nhất giúp mỗi ngày của chị Thương bớt đi mệt nhoài chính người phụ tá nhỏ Bảo An - cô con gái 6 tuổi của chị.
Bé Bảo An lanh lợi, thông minh, thường ra phụ mẹ bán hàng vào dịp cuối tuần. Mỗi lần ra đây, bé thích lắm, vì bé sẽ được đội trên đầu chiếc vòng hoa có đèn nhấp nháy hệt vương miện để thu hút khách. Nếu trời mưa thì được nấp trong cửa hàng của người khác.
Chợ đêm náo nhiệt như một khu vui chơi khiến đứa trẻ thích thú. Và niềm vui thích đó giúp chị Thương thêm phần phấn khởi, quên đi mọi muộn phiền. “Ở một mình, mình dễ suy tư. Nhưng có con ở bên ríu rít, mình cũng trở nên khuây khỏa", chị chia sẻ.
|
|
Bảo An giống như nguồn sinh lực của mẹ. Nhắc về Bảo An, khuôn mặt chị Thương sáng rạng, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc và đôi môi nở nụ cười. Chị ít nói về chuyện riêng của bản thân nhưng lại ríu rít không ngừng kể về con.
Chị kể rằng con gái chị rất hài hước nhưng thường ngại ngùng trước người lạ. Bé thích ăn kẹo, ăn hoài đến sâu răng nhưng vẫn năn nỉ mẹ mua thêm cho mình. Chị còn kể về ước mơ của Bảo An mai sau này sẽ xây cho mẹ một tòa lâu đài thật lớn lớn.
“Mỗi lần đi xe trên đường, bé đều nhìn những ngôi nhà xung quanh và hỏi chị thích căn nào, sơn tường màu xanh hay màu trắng. Bé thắc mắc mãi bên trong những căn biệt thự lớn có gì để có thể bắt chước theo. Như vậy, mai sau mẹ sẽ không còn phải sống trong căn trọ một trệt một gác nữa", chị kể. Ước mơ đầy ngây thơ ấy chính là điều khiến chị Thương hạnh phúc nhất đến bây giờ.
|
|
Trải qua hơn 40 năm với một cơ thể đầy khiếm khuyết, chị Thương đã dần quen với cuộc sống khác hẳn so với người bình thường. Sinh hoạt, làm việc đều dần đi vào quỹ đạo. Nhưng từng ngày, từng ngày nuôi con đều là một thách thức mới với chị. Vì chị vẫn luôn lo lắng về khả năng làm mẹ của bản thân. Nhưng trong căn nhà trọ nhỏ có phần cũ kỹ, sự gắn kết của hai mẹ con đã tạo nên một bức tranh vô cùng đẹp đẽ. Trong bức tranh đó, cô bé nhờ sự chăm sóc cẩn thận của mẹ mà không ngừng nói cười vui vẻ, còn người mẹ nhờ con mà thấy cuộc đời thêm phần ý nghĩa.
Mong con sẽ luôn hạnh phúc
Bảo An vào lớp 1, chị Thương gửi bé ở lại nội trú tại nhà dòng, cuối tuần mới đón về ở với mẹ. Hai mẹ con trước đây quấn quýt như hình với bóng giờ phải xa nhau khiến ai cũng buồn. Căn nhà trống vắng tiếng con nói cười, những buổi đi làm cũng chẳng còn ai phụ giúp làm chị Thương nhớ con tha thiết.
Bé Bảo An mỗi tối gọi về đều khóc, đòi gặp mẹ. Thực chất, chi phí ở lại nội trú so với thu nhập của chị cũng không rẻ. Chính chị cũng không biết bản thân có thể xoay xở tiền nong đủ để chu cấp cho bé đến hết 5 năm như dự định hay không. Nhưng chị Thương vẫn kiên định với quyết định này. Bởi lẽ chị nhận thức rất rõ, với khiếm khuyết cơ thể cũng như công việc đi sớm về khuya, chị khó có thể chăm sóc, quan tâm con một cách vẹn tròn.
|
Hơn cả thế, chị mong rằng, Bảo An dưới sự chỉ dạy của các sơ sẽ trở nên ngoan ngoãn, độc lập và mạnh mẽ. Sâu trong tiềm thức, chị Thương không ngừng lo lắng về sự thiếu sót trong khả năng nuôi dạy, bảo vệ con, luôn sợ hãi về một ngày nếu không còn mẹ ở bên nữa, Bảo An sẽ sống như thế nào.
“Đừng trở nên hư hỏng, cũng đừng khổ như mẹ. Chỉ cần bé trưởng thành hạnh phúc, vui vẻ là chị mãn nguyện lắm rồi", chị nói.
Bình luận (0)