Cây trên đồng không cần làm dấu
Mật thốt nốt có thể thu hoạch quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vào mùa khô, vì thời điểm này mật không bị lẫn nước, nấu đường lời hơn. Với thâm niên trong nghề, ông Nguyễn Bá Tòng (55 tuổi, ngụ P.An Phú, TX.Tịnh Biên, An Giang) cho biết, công việc lấy mật và hái trái thốt rất nhọc nhằn, gian nan. Đong đưa ở độ cao hàng chục mét, nếu lơ đễnh một chút sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Gia đình ông Tòng thuê 50 cây thốt nốt trên cánh đồng của một hộ dân để lấy mật, giá thuê 20.000 - 50.000 đồng/cây/năm. Tuy không làm dấu nhưng cây của người nào thì người đó thu hoạch, không có tình trạng tranh chấp hoặc lấy trộm. Cao điểm mùa vụ, mỗi ngày, ông Tòng lấy gần 200 lít mật thốt nốt, nấu được 25 - 30 kg đường, thu nhập hơn 600.000 đồng/ngày. Nếu ngày "trúng mánh", ông dễ dàng bỏ túi tiền triệu.
Thông thường, khoảng 6 lít nước mật thốt nốt nấu được 1 kg đường, nếu mùa mưa thì cỡ 8 - 9 lít mới nấu được 1kg đường. Ngoài ra, chất lượng mật còn phụ thuộc vào độ tuổi của cây, cây càng lâu năm, mật càng chất lượng.
Chứng kiến ông leo cây lấy mật, chúng tôi thật sự nể phục. Đeo can nhựa và con dao nhỏ ở thắt lưng, ông thoăn thoắt trèo lên ngọn thốt nốt qua cây tre được cố định từ gốc đến ngọn cây (làm từ cây tre già, để nguyên mắt, buộc chặt vào thân cây - PV). Chỉ trong vài chục giây, người đàn ông miền Tây này đã leo tới ngọn, đánh đu ở độ cao hàng chục mét mà không có bất kỳ thiết bị bảo hộ nào.
"Nghề này chỉ làm nhiều vào mùa nắng nên phải chịu được nhiệt độ cao. Người không quen dễ say nắng, sơ sẩy một chút là đánh đổi cả tính mạng", ông Tòng cho biết.
Nghề đầy nguy hiểm nhưng mang lại thu nhập
Cách đó không xa, anh Nguyễn Ngọc Cẩn (40 tuổi, ngụ P.An Phú, TX.Tịnh Biên) cho biết, lúc còn nhỏ anh thường theo người lớn đi lấy mật thốt nốt, dần dần được chỉ dạy thành thục và theo nghề cho đến nay. Để lấy mật thì gọt lớp mặt ở đầu bông, cho mật rỉ ra sau đó đặt can nhựa hứng. Mỗi ngày, người thợ phải trèo cây 2 lần, sáng và chiều để cắt mặt bông.
Theo anh Cẩn, nghề này lắm vất vả và đầy nguy hiểm. Nếu không kiểm tra và thay thế những cây thang bằng đoạn tre gãy mắt thì té ngã xuống gãy tay, chân; leo lên gặp phải tổ ong chỉ biết ngồi chịu trận; đôi lúc đối mặt với rắn độc, thậm chí có người đã mất mạng vì rơi từ độ cao hàng chục mét xuống đất. Vì thế, nghề này ai đủ can đảm mới làm được. Mặc dù nguy hiểm nhưng bà con tại đây đều chấp nhận đánh đổi để mưu sinh, kiếm tiền lo cho gia đình.
Gia đình có 2 thế hệ theo nghề, ông Nguyễn Thanh Tuấn (50 tuổi, ngụ P.An Phú, TX.Tịnh Biên) cho biết, từ khi lên 10 tuổi ông đã theo cha rong ruổi trên các cánh đồng thốt nốt kiếm sống. Lúc đầu, ông phụ cha xách mật, sau đó học leo trèo. Dù công việc dễ kiếm tiền nhưng cha của ông lo lắng vì sợ con trai theo nghề này dễ gặp tai nạn, nhẹ thì gãy tay, gãy chân, nặng thì bỏ mạng.
"Lý do tôi gắng sức bám trụ với nghề vì thu nhập khá cao. Vào vụ như những ngày qua, tôi có thể kiếm hơn 1 triệu đồng/ngày từ việc bán mật thốt nốt tươi và nấu đường thốt nốt", ông Tuấn chia sẻ.
Hiện, cây thốt nốt không chỉ nổi tiếng với mật ngọt để nấu đường mà còn được chế biến thành nhiều sản phẩm như: nước thốt nốt, chè, thạch thốt nốt, tranh lá thốt nốt, bánh bò thốt nốt, thốt nốt rim, mứt thốt nốt, nước màu thốt nốt… được hỗ trợ phát triển thành sản phẩm OCOP. Nhờ đó, người dân nơi đây vẫn sống được với nghề lấy mật.
Bình luận (0)