Từ người nghiện trở thành linh mục
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả ở TP.Vinh, Nghệ An, ngay từ nhỏ Trần An đã có điều kiện sống tốt. Thời mà xe đạp là niềm ao ước của nhiều người thì An đã vi vu trên chiếc mô tô phân khối lớn.
Do mẹ buôn bán vàng nên từ khá sớm An đã thuần thục việc chế tác vàng vụn, vàng móp méo thành những chiếc nhẫn, dây chuyền, vòng tay... Tiền bạc dễ kiếm lại thêm tính cách bốc đồng của tuổi trẻ khiến An nhanh chóng tập tành ăn chơi. Ban đầu là cờ bạc, rượu chè rồi cũng đến ma túy. Mặc cho người mẹ khóc hết nước mắt nhưng An vẫn chứng nào tật nấy, với nhiều lần vào tù ra khám.
Để chiều lòng mẹ, một thời gian sau đó, An chấp nhận đến sống cùng một linh mục ở một xứ đạo hẻo lánh để tránh xa môi trường xấu. Dù chưa bỏ hẳn, nhưng ít ra đó cũng là khoảng thời gian quý báu giúp anh suy nghĩ nhiều điều. Sau cùng chàng trai Trần An quyết tâm đến sống ở Đan viện Thiên An (một dòng tu chiêm niệm ở Huế) với ước mong làm lại cuộc đời sau những tháng ngày lầm lỡ.
"Chính phong cảnh của đan viện cùng đời sống khắc khổ làm cho tôi suy nghĩ thấu đáo hơn. Trước đây mình đã làm quá nhiều điều xấu rồi thì bây giờ mình phải làm điều tích cực hơn. Động lực nữa là nghĩ đến người mẹ đã quá đau khổ vì tôi", cha Trần An nhớ lại.
Trải qua gần 10 năm với bao gian nan, thử thách, những nỗ lực của thầy Trần An đã được những người có trách nhiệm ở đan viện nhìn nhận một cách công tâm, xứng đáng. Ngày 1.1.2008, thầy Trần An được truyền chức linh mục trong sự ngỡ ngàng, thán phục của mọi người.
Mái nhà cưu mang người lạc lối
Biết tin thầy Trần An trở thành linh mục, nhiều phụ huynh đến đan viện xin gửi con em nghiện ma túy để được cha hướng dẫn tinh thần và giúp cai nghiện. Đó cũng là lúc cuộc sống ở đan viện ít nhiều bị xáo trộn với sự hiện diện ngày thêm đông của những thanh niên nghiện ngập. Vì lẽ đó, cha An càng đau đáu về một ngôi nhà dành riêng để tĩnh tâm cho những người nghiện. Một nơi để họ nương thân, tránh xa môi trường xấu, tách biệt bạn bè cũ.
Khi trình bày với cha bề trên đan viện, với người có trách nhiệm của giáo phận địa phương về việc lập nhà tĩnh tâm cho người từng nghiện ma túy, cha An đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Có người cho rằng ý tưởng đó quá mạo hiểm, thậm chí là ngông cuồng đối với một linh mục. Nhưng bằng sự chân thành, khiêm tốn của mình, cha đã thuyết phục được các đấng bậc bề trên.
Được sự chấp nhận của chính quyền, các cơ quan chức năng, ngày 15.9.2011, Nhà Tĩnh tâm hướng thiện La Vang (gọi tắt là Nhà Hướng thiện La Vang) được chính thức thành lập tại xã Hải Phú, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Theo lời cha An, đó cũng là thời điểm khởi đầu cho hành trình mới đầy gian nan, thử thách. Họ tìm đến vùng đất bỏ hoang, đầy mồ mả làm chốn an cư, tự tay dựng lên những mái nhà tranh che nắng, che mưa trước sự nghi ngờ, cảnh giác của nhiều người.
"Tôi vẫn luôn nói với các em rằng người khác nghĩ gì về mình không quan trọng bằng việc bản thân mình phải cố gắng thay đổi, trở thành người có ích. Đến lúc đó họ sẽ nhìn mình bằng ánh mắt tích cực hơn", cha An quả quyết.
Bằng quyết tâm và sức lực của những người khao khát hoàn lương, vùng đất sỏi đá, cằn cỗi hôm nào đã từng ngày đổi thay trong sự ngạc nhiên của mọi người. Họ tự tay đóng gạch xây nhà, dỡ mái tranh ra để lợp tôn, đào ao thả cá, trồng trọt, chăn nuôi…
Mỗi ngày cả nhà cùng thức dậy vào lúc 5 giờ sáng; 5 giờ 30 vào nhà nguyện để đọc kinh, tham dự thánh lễ. Sau đó ăn sáng rồi đi lao động. Mỗi người đảm nhận một công việc tùy theo khả năng.
11 giờ các em vào nhà nguyện lần chuỗi; 11 giờ 30 ăn cơm trưa rồi nghỉ ngơi; 14 giờ thức dậy đọc kinh chiều; 15 giờ làm việc buổi chiều; 17 - 17 giờ 30 là thời gian chơi thể thao với nhiều môn khác nhau.
Sau bữa cơm chiều là giờ kinh tối. Mỗi buổi tối đều có giờ báo hiếu để cầu nguyện cho cha mẹ và thời gian hồi tâm để nhìn lại những lỗi lầm đã qua và từng ngày cố gắng sống tốt hơn. Sau đó, cha An tập hát, khuyên nhủ những điều cần thiết trước khi đi ngủ.
"Nhiều người đã bật khóc khi có dịp tham dự giờ kinh của các em. Họ bảo dù trái tim có chai cứng đến mấy cũng mềm chảy khi chứng kiến những bàn tay xăm trổ từng tiêm chích ma túy, trộm cắp, đâm thuê chém mướn… giờ cầm sách đọc kinh, lần chuỗi hàng ngày", cha An chia sẻ.
Nơi thắp lên niềm tin và hy vọng
Hiện có hơn 80 người đang sống trong Nhà Hướng thiện. Nhỏ nhất là lứa 13 - 14 tuổi, còn người cao niên nhất cũng đã 70. Nơi đây giống như một xã hội thu nhỏ với nhiều mảnh đời khác biệt nhưng giống nhau ở chỗ đều muốn phục thiện và trở thành người có ích.
Hai cánh cổng lớn ở Nhà Hướng thiện La Vang không hề đóng kín hay khóa chặt mà luôn rộng mở với tất cả mọi người. Khi vào đây sống, mỗi người phải tự nguyện không giữ điện thoại, không giữ tiền riêng và tham gia đầy đủ các sinh hoạt chung. Vậy mà chừng ấy năm qua, hiếm có trường hợp nào bỏ trốn. Có em ở lại đến 5, 7 năm, dù được cho về nhà nhưng vẫn xin ở lại. Hỏi lý do, có em kể mới về hôm trước, hôm sau trong nhà lại hô hoán mất mát cái này, cái nọ. Và đương nhiên, cái đứa từng nghiện ngập luôn bị nghi ngờ đầu tiên. Điều đó làm các em dễ buồn chán, bất mãn và tái nghiện.
Cha An bộc bạch: "Tôi vẫn nói nếu không còn nơi nào đón tiếp thì các em cứ quay về đây. Vì tôi nghĩ khi họ đã cùng đường mà mình không đón nhận thì họ sẽ đi về đâu, trong khi ngoài kia cạm bẫy chực chờ".
Khoảng 50% các phụ huynh gửi con em ở đây có khả năng đóng góp, số còn lại phần lớn đều có gia cảnh khó khăn. Chỉ lượng gạo tiêu thụ mỗi tháng thôi đã là 1,5 tấn. Để thấy rằng chi phí duy trì hoạt động nơi này luôn là bài toán khó đối với cha An. Cũng may mắn là đến nay, Nhà Hướng thiện La Vang đã tự túc được phần nào nhu cầu thực phẩm thông qua các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất.
"Mặc dù đây là nơi cưu mang và góp phần cai nghiện cho các em nhưng từ lúc thành lập cho đến tận bây giờ tôi luôn nói với các em đây là nhà chứ không phải là trường trại, trung tâm hay bệnh viện. Tôi luôn dùng tình thương, những bài học ý nghĩa, những lời hay ý đẹp và cả kinh nghiệm từ chính cuộc đời mình để hướng thiện cho các em", cha An như nói với chính mình.
Đến với Nhà Hướng thiện La Vang, những người từng có quá khứ tối tăm đã tìm được sự an ủi, nâng đỡ và bình an. Bởi chính nơi đây, họ được tin tưởng, được tôn trọng và được phục hồi giá trị của một con người. Những ai học hành dang dở vào đây đều được cha khuyến khích đi học trở lại, dù ở bất cứ độ tuổi nào.
Cha Trần An vẫn đang từng ngày dùng tình thương, lòng bao dung và sự kiên nhẫn mà cảm hóa, làm tỉnh thức bản năng thiện lương nơi những mảnh đời lầm lỡ. Để rồi họ đang cố gắng thay đổi cuộc đời mình, mưu sinh bằng những công việc chân chính, sống có ích cho gia đình và những người xung quanh.
Bình luận (0)