Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi gặp nhiều trường hợp, nhiều mảnh đời cơ cực, thậm chí bế tắc vì không còn kế mưu sinh lẫn tiền bạc. Họ có thể làm nhiều nghề khác nhau như: công nhân, shipper, lao động tự do, bán vé số hoặc nhặt ve chai, nhưng họ giống nhau về hoàn cảnh.
Trong suốt 3 - 4 tháng không thể đi làm nhưng cũng không thể rời TP.HCM để hồi hương, cuộc sống của người lao động nghèo chỉ quanh quẩn tại các khu trọ và chờ đợi sự hỗ trợ từ chính quyền, nhà hảo tâm. Trong thời gian này, họ lại đau đáu lo nghĩ về các khoản phí sinh hoạt lẫn tiền phòng mỗi tháng, cứ thế gánh nặng lại đè nặng lên vai người trụ cột chính trong gia đình.
Tôi gặp chị H. (30 tuổi, quê Trà Vinh) cũng ở trong hoàn cảnh tương tự khi chị cùng 27 người trong dãy trọ tại ấp Bàu Tre 2, xã Tân An Hội (H.Củ Chi) có nguy cơ phải ra đường ở vì không đủ tiền đóng nhà trọ. Khi tâm sự, chị không kìm nổi nước mắt vì suốt 3 tháng nghỉ việc đến nay đối với chị như tảng đá đè nặng lên vai.
Chị khóc vì không còn tiền đóng trọ, chị khóc vì thương đứa con nhỏ, chị cũng khóc vì đây là quãng thời gian cơ cực nhất trong suốt 11 năm mưu sinh tại TP.HCM. Tôi hỏi họ (12 phòng trọ) mong muốn điều gì? Họ trả lời: Điều họ mong muốn chỉ là có chỗ trú ngụ cho đến hết giãn cách.
Ẩn sâu trong đôi mắt họ là nỗi buồn miên man, thêm vào đó là sự mệt mỏi vì quãng thời gian giãn cách dài đằng đẵng. Họ chỉ mong trọ được đến hết dịch rồi đi làm trả lại tiền thuê chứ không xin.
Bình luận (0)