Trẻ mồ côi vì Covid-19: ‘Ưu tiên giải pháp chăm sóc thay thế cho các em’

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
20/09/2021 12:50 GMT+7

Nhiều ý kiến tin rằng, trẻ mồ côi vì Covid-19 cần được quan tâm, hỗ trợ dựa trên quyền và hoàn cảnh riêng từng em. Đồng thời, trong mọi biện pháp khả dĩ, việc chăm sóc thay thế cho các em phải là giải pháp ưu tiên.

Hỗ trợ đặc thù trẻ mồ côi vì Covid-19, dựa trên từng hoàn cảnh

Ông Trần Công Bình, Chuyên gia Quan hệ Đối tác, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam, cho biết nhóm trẻ mồ côi vì Covid-19 có thể được xem như là nhóm trẻ có nhu cầu cần bảo vệ đặc biệt. Ngoài nhu cầu như bao trẻ em khác, các em có những nhu cầu đặc thù dựa trên hoàn cảnh hiện tại của các em.
Các em cần được hỗ trợ khẩn cấp, các nhu cầu về vật chất, cảm xúc cần được đáp ứng kịp thời. Trước mắt có thể kể đến như tham vấn tâm lý, tăng cường khả năng chống chịu, dần chấp nhận hoàn cảnh bằng cách thiết lập, củng cố các mối quan hệ, khả năng thích nghi…  
Các can thiệp, trợ giúp đặc thù cho nhóm trẻ này cần đảm bảo tính thống nhất, bên cạnh việc linh hoạt thích ứng, hỗ trợ xuyên suốt, đặt trong hệ thống tổng thể về an sinh và bảo vệ trẻ em.
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cũng cho biết trên hết, bây giờ các cơ quan chức năng cần tập trung không chỉ rà soát về số lượng mà còn thống kê chi tiết, cập nhật chính xác hoàn cảnh, điều kiện của từng trẻ.
“Trên thực tế, mỗi trẻ sẽ có các vấn đề, nhu cầu khác nhau. Chẳng hạn, có trẻ cần hỗ trợ, can thiệp nhiều mặt nhưng có trẻ chỉ cần hỗ trợ về tâm lý; có trẻ có thể bố trí chăm sóc tại cộng đồng nhưng có trẻ cần phải đưa vào các cơ sở nuôi dưỡng và chăm sóc tạm thời...”, ông Nghinh dẫn chứng.

4 chị em ngơ ngác khi mất mẹ vì Covid-19: ‘Ước mơ của mẹ là gì?’

Ưu tiên giải pháp chăm sóc thay thế 

Dưới góc độ chuyên môn, ông Trần Công Bình nhận định, đối với trẻ mồ côi cha, mẹ vì Covid-19, về lâu dài, các biện pháp hỗ trợ cần đảm bảo quá trình phát triển và hòa nhập của các em. Theo đó, các hình thức chăm sóc thay thế là biện pháp cần thực hiện để đảm bảo các em vẫn tiếp tục phát triển trong môi trường gia đình hay tương tự gia đình, với nguyên tắc vì quyền lợi tốt nhất cho trẻ theo quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em (Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này vào năm 1990) và hướng dẫn của Liên hợp quốc về chăm sóc thay thế cho trẻ.
Ông Bình nhấn mạnh: "Lưu ý, cần tránh các cách thức trợ giúp mang tính tức thời hay cảm tính như cách ly hoặc tập trung các em vào các cơ sở chăm sóc, dưỡng dục tập trung (ví dụ như các mái ấm, cơ sở bảo trợ... - PV). Một là vì các biện pháp tập trung này rất tốn kém, hai là rất có thể sẽ tước đi mối quan hệ, sợi dây tình cảm tinh thần của các em, chưa kể còn nhiều rủi ro khác như quyền của trẻ bị xâm hại, trẻ bị dán nhãn như trẻ mồ côi, trẻ là nạn nhân của Covid-19... Thời gian qua, UNICEF đã và đang vận động chính phủ giảm dần việc phát triển hình thức chăm sóc tập trung, đồng thời chuyển đổi công năng các cơ sở này sang phương thức chăm sóc dựa vào cộng đồng (tức mô hình gia đình/cá nhân nhận nuôi các em hoặc trẻ vẫn ở với gia đình, nhưng cộng đồng, các tổ chức xã hội, nhà nước.. có các chương trình đồng hành hỗ trợ - PV)", ông Bình nói.
Ông Phạm Đình Nghinh cũng cho hay, việc cần làm ngay lúc này chính là tìm giải pháp chăm sóc thay thế tại cộng đồng cho các em, đồng thời để các em thụ hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước như bảo trợ xã hội hàng tháng cho trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ theo Nghị định 20/2021 của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, giáo dục; chính sách hỗ trợ của Bộ LĐ-TB-XH...
“Trẻ em dù trong hoàn cảnh nào, ngay cả các em mồ côi cả cha lẫn mẹ thì việc chăm sóc thay thế tại cộng đồng là giải pháp tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Và biện pháp này cần lưu ý điều kiện thực tế và năng lực của người/gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các em nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn, tránh đi các nguy cơ bạo lực, xâm hại và bóc lột sức lao động các em”, ông Nghinh nói và nhấn mạnh: “Việc chăm sóc trẻ em tập trung chỉ nên được áp dụng khi chúng ta không còn giải pháp nào khác. Tại TP.HCM hiện nay có hơn 50 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, hoàn toàn có thể tiếp nhận, chăm sóc các em. Tuy nhiên, cần phải tính cơ sở nào phù hợp với từng đối tượng, không để phát sinh lây nhiễm Covid-19 giữa các em, cơ sở tiếp nhận...”.
Các chuyên gia cũng cho biết cơ quan nhà nước giữ vai trò chính yếu trong việc rà soát, nắm bắt thực trạng tình hình, đánh giá nhu cầu của các em. Từ đó, có những chính sách đáp ứng kịp thời, hiệu quả. Cơ quan nhà nước còn giữ vai trò điều phối, huy động sự tham gia của các cá nhân, đơn vị, tổ chức xã hội để định hướng, tránh trùng lặp đối tượng thụ hưởng.
“Các cá nhân tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ cần có sự chủ động liên kết, phối hợp với nhau cũng như với các cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em ở địa phương để biết được chính sách hiện nay thế nào, đâu là nhóm trẻ em đang gặp khó khăn nhất, khó khăn đó là gì, nhóm nào đã được hỗ trợ, nhóm nào chưa... Từ đó, tính toán, phân bổ nguồn lực hợp lý. Đối với các hoạt động can thiệp và hỗ trợ khẩn cấp thì nhà nước sẽ đóng vai trò chính và trực tiếp, nhưng hỗ trợ phục hồi hậu Covid-19 thì các tổ chức xã hội lại đóng vai trò quan trọng”, ông Nghinh cho hay.

Báo Thanh Niên kêu gọi bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19

Hệ lụy của đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những hệ lụy về kinh tế, đời sống xã hội. Nhóm người lao động nghèo, nhóm yếu thế... bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, một hậu quả đau lòng nhất là khi nhóm trẻ em mồ côi do cha, mẹ các em qua đời vì nhiễm Covid-19.
Tại TP.HCM, tình hình dịch diễn biến vẫn phức tạp và đã hơn 4 tháng trải qua các cấp độ phong tỏa, giãn cách kéo dài. UBND TP.HCM cho biết, tại TP.HCM đã có hơn 1.500 trẻ em mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa. UBND TP.HCM chỉ đạo khẩn, yêu cầu các quận huyện và TP.Thủ Đức tổ chức rà soát, lập danh sách các trẻ em mồ côi cha mẹ vì Covid-19, đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên và nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng các em để tham mưu xây dựng chính sách trước mắt và lâu dài cho từng nhóm, cụ thể các nhóm gồm: Gia đình tự nuôi dưỡng; Gửi Trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em, mái ấm tình thương quận, huyện và TP.Thủ Đức; Gửi đến các tổ chức có tâm nguyện nuôi dưỡng hay Nguyện vọng khác.
Ngày 19.9, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, các đơn vị, địa phương đã và đang chăm lo, hỗ trợ cho các em, cũng như tiến hành xây dựng chính sách hỗ trợ từng trường hợp cụ thể dựa trên quyền và nhu cầu của các em như hỗ trợ dinh dưỡng, pháp lý, trị liệu khủng hoảng, người chăm sóc thay thế, các nguồn lực để các em đi học...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.