Người nghèo, doanh nghiệp bị phá sản sẽ được xóa nợ

20/05/2021 06:23 GMT+7

Hôm qua 19.5, Quyết định 08/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội chính thức có hiệu lực.

Từ đây, nhiều người nghèo, mất khả năng lao động vĩnh viễn hay doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản sẽ được xóa nợ.

Đã xóa nợ hơn 4.600 tỉ đồng

Theo quy định mới, nguyên nhân khách quan để người đi vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được xem xét khoanh nợ, xóa nợ được bổ sung chi tiết hơn so với Quyết định 50/2010. Chẳng hạn, quy định mới nêu rõ, khách hàng vay vốn là cá nhân hoặc có thành viên khác trong hộ gia đình mắc bệnh tâm thần; mắc bệnh hiểm nghèo; mắc bệnh khác dẫn đến mất năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; bị bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế; bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên. Hay biến động chính trị, kinh tế - xã hội, dịch bệnh ở nước nhận lao động của Việt Nam làm ảnh hưởng đến người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; doanh nghiệp (DN) tiếp nhận lao động bị phá sản, giải thể; DN tiếp nhận lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động do người lao động không đủ sức khỏe để làm việc hoặc không đảm bảo tay nghề hoặc do các nguyên nhân khách quan khác mà không do lỗi của người lao động dẫn đến việc người đi lao động ở nước ngoài phải về nước trước hạn.
Đồng thời, các khoản nợ phải thu hồi theo bản án, quyết định của tòa án nhưng người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án theo thông báo của cơ quan thi hành án; các khoản nợ bị chiếm dụng mà người chiếm dụng chết, mất tích và không còn tài sản để trả nợ; khách hàng bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể theo quy định của pháp luật…
Theo quy định tại Quyết định 50/2010, khách hàng được vay vốn của NHCSXH theo quy định tại Nghị định 78/2002 ngày 4.10.2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bao gồm hộ nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; các đối tượng vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm; các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; các đối tượng được vay vốn để thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; các hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; các đối tượng được hưởng chính sách tín dụng về nhà ở tại các vùng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; các đối tượng khác theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo của NHCSXH, từ năm 2002 đến đầu năm 2021, tổng số nợ được xử lý rủi ro theo Quyết định 50/2010 của Thủ tướng Chính phủ là 4.647 tỉ đồng cho 804.000 món vay. Các khoản nợ này đều do nguyên nhân khách quan. Trong quá trình triển khai Quyết định 50 đã có phát sinh thêm một số nguyên nhân khách quan khác cần được bổ sung. Vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 08/2021 và có hiệu lực từ ngày 19.5.
Đại diện NHCSXH cho biết Quyết định 08/2021 không chỉ xử lý cho những khoản nợ hiện tại tồn đọng mà đây là giải pháp giải quyết lâu dài sau này. Tổng nợ xấu quá hạn   hiện nay của NH trên tổng dư nợ ở mức thấp và chỉ một phần trong số này sẽ được xóa nợ sau khi xử lý nhiều cách khác nhau mà không thu hồi được. Hiện nay, theo quy định mới tại Quyết định 08/2021, sẽ có thêm một số trường hợp được xóa nợ, khoanh nợ. Hiện NH đang chờ các địa phương báo cáo tổng hợp. Bên cạnh đó, NHCSXH vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn chính thức từ NH Nhà nước.

Hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp và cả ngân hàng

Trên thực tế, thời gian qua nhiều cá nhân thậm chí đã chết hay các DN bị phá sản, giải thể nhưng các khoản nợ vay tại nhiều NH vẫn còn “treo”. Theo chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, việc khoanh nợ, xóa nợ là chuyện bình thường và là thông lệ trong hoạt động của các NH ở nhiều nước. Chẳng hạn ở Mỹ, các nhà băng sẽ áp dụng chính sách này sau khi đã xem xét kỹ về tình trạng của người đi vay và đã áp dụng nhiều giải pháp để thu hồi nợ nhưng không được. Bởi nếu người đi vay không còn tài sản để có thể trả nợ thì dù NH kiện ra tòa cũng không thu lại được tiền.
Việc xóa nợ là quyền của NH trong hoạt động kinh doanh của mình. Khi đó, NH cần phải có lợi nhuận đối ứng để bù cho khoản nợ nêu trên. Nếu không có lợi nhuận thì việc xóa nợ sẽ làm giảm vốn chủ sở hữu vì đây là một khoản chi phí bất thường trong hoạt động kinh doanh. Nhưng tại Việt Nam, việc xóa nợ vay từ trước đến nay rất khó khăn. Thậm chí các NH thương mại nếu muốn xóa nợ vay cho khách hàng mất khả năng thanh toán vẫn phải được sự chấp thuận của NH Nhà nước.
TS Hiếu kỳ vọng Việt Nam sẽ từng bước tiến đến tiếp cận các thông lệ quốc tế nhiều hơn. Chẳng hạn cho phép các NH có thể tự chủ hơn trong hoạt động xử lý nợ xấu, nợ khó đòi của mình. Quy định mới của Chính phủ dù chỉ áp dụng riêng tại NHCSXH nhưng chi tiết hơn, tháo gỡ nhiều khó khăn trong việc xóa nợ cho các khách hàng đã mất khả năng thanh toán, nhất là các đối tượng nghèo, khó khăn. Dù vậy, cần phải có sự giám sát chặt chẽ từ NH Nhà nước về quá trình xử lý, thực hiện xóa nợ xấu để đảm bảo đúng người đúng việc, tránh bị lạm dụng chính sách, gây thất thoát vốn nhà nước. “Quy định mới về việc xóa nợ của NHCSXH có lợi hơn cho người nghèo, những DN thuộc đối tượng được vay vốn tại đây. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 xảy ra và vẫn đang diễn biến phức tạp khiến nhiều cá nhân, DN gặp khó khăn”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.