Người phụ nữ bị bỏng nặng khi giác hơi

Lê Cầm
Lê Cầm
14/11/2024 11:23 GMT+7

Trong lúc thực hiện phương pháp giác hơi để giảm bớt căng thẳng, người phụ nữ T.T.T. (54 tuổi, ngụ tại Long An) đã gặp phải sự cố khi bị cồn nóng đổ vào người, cồn bắt lửa bốc cháy gây bỏng nặng vùng lưng và bụng.

Sau tai nạn, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An cấp cứu trong tình trạng đau rát nghiêm trọng và nổi bóng nước lớn trên da. Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám sơ bộ, xác định người bệnh bị bỏng độ II trên diện tích khoảng 11%, bao gồm các vùng nhạy cảm như ngực, bụng và lưng. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành sơ cứu tại chỗ, giảm đau mạnh, kháng sinh, và đặc biệt là áp dụng các biện pháp dự phòng sốc do bỏng.

Ngày 14.11, bác sĩ Trần Quang Nhật (khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An) cho biết, sau khi sơ cứu, người bệnh được chuyển phòng chăm sóc đặc biệt tại khoa Chấn thương chỉnh hình. Bệnh nhân được tiếp tục sử dụng kháng sinh, giảm đau, thay băng chăm sóc vết bỏng mỗi ngày, bù dịch, theo dõi cân bằng xuất nhập, tính toán lượng nước mất qua vết bỏng. Toàn bộ nhân viên y tế và người nhà ra vào đều tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, duy trì không gian sạch sẽ nhằm phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng cho người bệnh.

Sau quá trình chăm sóc tích cực, tình trạng vết thương của người bệnh đã hồi phục rất tốt và đã được xuất viện.

Người phụ nữ bị bỏng nặng khi giác hơi- Ảnh 1.

Vết bỏng của bệnh nhân khi nhập viện

ẢNH: BSCC

Nguy cơ bỏng tiềm ẩn khi thực hiện giác hơi

Bác sĩ Nhật cho biết, giác hơi là phương pháp nhiều bà con vẫn tin dùng với mục tiêu giảm đau trị bệnh hoặc thư giãn. Tuy nhiên, việc giác hơi tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây ra hậu quả không lường trước. Điển hình như bỏng lửa cồn ở trường hợp người bệnh nói trên. Người bệnh khi bị bỏng nặng do giác hơi sẽ dẫn đến vết thương sâu và rộng. Vết bỏng này không chỉ gây đau đớn mà còn mất nhiều thời gian để lành, đòi hỏi sự chăm sóc của đội ngũ y tế chuyên sâu để tránh để lại sẹo hoặc di chứng không mong muốn.

Nếu không may bị bỏng, người dân cần đến các cơ sở y tế uy tín, bệnh viện gần nhất để được các bác sĩ xử trí kịp thời, không nên tự ý mua thuốc hoặc đắp các loại lá truyền miệng trong dân gian tránh dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu, nhiễm trùng bỏng do điều trị không đúng cách, sẹo co rút, ảnh hưởng đến chức năng các bộ phận bị bỏng và gây nguy hiểm cho tính mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.