Cho người nghèo và cả người khá giả
Phiên chợ 0 đồng (mở từ chiều 17.6 ở hẻm 195/4 đường TMT2A) được chuẩn bị trước đó 2 ngày bởi Khối Dân vận phường Trung Mỹ Tây. Hẻm 195/4 TMT2A là điểm phong tỏa lớn nhất ở phường vì có 129 hộ dân với nhiều dãy phòng trọ. Trong đó, chủ yếu là công nhân, người lao động khó khăn.
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Hồ Thị Hiền (Phó Bí thư thường trực Đảng ủy P.Trung Mỹ Tây) cho biết hẻm bị phong tỏa từ ngày 11.6, phường đã chuẩn bị những phần quà cho người dân nhưng nhận thấy có những hộ khá giả không cần đến nên mở phiên chợ 0 đồng để đáp ứng nhu cầu của người cần.
|
Phiên chợ chủ yếu cung cấp thực phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn.. Số lượng được tính theo đầu người ở trong khu vực phong tỏa. “Trong khu phong tỏa có nhiều mức sống khác nhau. Mình chăm lo cho người khó khăn và cả người khá giả ở khu phong tỏa không có điều kiện ra bên ngoài vẫn có thể lấy các thực phẩm hằng ngày như rau củ quả. Người khó khăn có thể lấy nhiều hơn theo nhu cầu”, chị cho biết.
|
Người dân đến phiên chợ được nhắc nhở, yêu cầu thực hiện 5K để phòng dịch Covid-19. Ngoài thực hiện phiên chợ 0 đồng, phường Trung Mỹ Tây còn vận động giảm tiền phòng trọ, thực hiện bếp ăn cung cấp thức ăn hằng ngày cho người dân kèm theo phương thức đi chợ giúp dân.
Nghe thông báo có phiên chợ.0 đồng, người dân sinh sống tại hẻm vui mừng đến đầu hẻm để “đi chợ”. Sau 1 tuần phong tỏa, nhiều người không khỏi xúc động khi lại sắp có một bữa cơm nhà ấm bụng trong khu phong tỏa.
|
Anh Nguyễn Văn Hiền (37 tuổi) chia sẻ anh làm phụ hồ gần nhà. Vì bị giăng dây phong tỏa bất ngờ nên anh chưa kịp mua đồ dự trữ, đến hạn đóng tiền phòng trọ nhưng chưa đủ tiền đóng.
“Hôm trước cũng được ủng hộ 500.000 đồng nên để dành lại đóng tiền trọ, phòng trọ 1,4 triệu/tháng, tiền điện nước 200.000 đồng nữa là 1,6 triệu. Đến ngày đóng rồi nhưng chưa thấy chủ nhà thông báo thu tiền”, anh nói.
Anh tâm sự sống một mình nên cũng đủ chi tiêu nhưng từ ngày hẻm bị cách ly, anh Hiền phải ăn mì gói để thay cơm. “Mong là phiên chợ này được duy trì vì người dân trong khu trọ không ai đi ra ngoài được nên không có đồ ăn”, anh bày tỏ.
"Mong hết phong tỏa để đi khám bệnh"
Bên trong con hẻm, rất nhiều dãy nhà trọ dài nối nhau. Những người lao động nghèo ở đây đa số xa quê vào Sài Gòn mưu sinh. Bà Nguyễn Thị Mai (57 tuổi, quê Nghệ An) vào TP.HCM làm giúp việc để kiếm sống. May mắn, nhà chủ cũng ở trong hẻm nên bà vẫn có thể đến dọn dẹp để kiếm sống.
Bà kể lại có 3 người con, bà cùng hai con vào Sài Gòn để đi làm và đi học còn đứa út thì ở lại quê để học tiếp cấp ba. Mỗi tháng, ngoài chi trả chi phí sinh hoạt và nuôi con học đại học, bà Mai còn gửi tiền về quê cho chồng nuôi con. Đồng lương ít ỏi nên cuộc sống lay lắt qua ngày.
|
“Rất là vui mừng, nãy có lấy một lần rồi mà nghe nói ai muốn ra lấy thêm thì lấy nên tôi ra lấy thêm. Nếu mà cách ly kéo dài thì khổ lắm vì con không đi làm được mà mình đi làm một mình nuôi con cũng không nổi”, bà tâm sự.
Nói chuyện có phần khó khăn vì đang bị bệnh, bà Trương Thị Ly tâm sự phiên chợ cung cấp nhu yếu phẩm, trong hẻm ai nấy đều vui mừng sau nhiều ngày chỉ ở trong nhà.
|
|
Bà Ly cho biết bà có vấn đề ở tủy cổ, phải thăm khám thường xuyên, ngoài ra bà còn có bệnh nền về huyết áp... nên khá lo lắng. “Tôi ở nhà với hai đứa con, thằng con cách ly cũng không đi làm được. Giờ chỉ mong hết phong tỏa để con đi làm, tôi đi bệnh viện còn nếu không được chắc phải nhờ người mua thuốc giúp. Mình thấy mình nhiều bệnh quá không dám ra, cũng lớn tuổi rồi lỡ có gì thì khổ lắm”, bà chia sẻ.
Khệ nệ túi rau củ trên tay, anh Nguyễn Thanh Phương cho biết cùng vợ con từ quê lên thành phố thuê phòng trọ, cả hai cùng làm thợ hồ để mưu sinh. “Làm mướn mà, nên phải khó khăn rồi, còn nuôi hai đứa con. Nay có phiên chợ 0 đồng thấy cũng ấm lòng, tôi lấy nước tương nước mắm, rau củ về để tối nấu cơm. Mà chỉ lấy vừa đủ rồi mai lại ra lấy tiếp”, anh bộc bạch.
Nói rồi anh Phương rời phiên chợ rảo bước về phía khu trọ lụp xụp, tiếp tục thực hiện những ngày cách ly tại nhà để phòng dịch Covid-19.
Bình luận (0)