Trưa ngày cuối tuần, ngay sau cửa Bắc chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM), xe và người đi lại chật như nêm. “Trưa nào chả kẹt xe, suốt cả tháng nay rồi, không phải đến giờ này”, bà Hoa bán hoa ngay sau cửa Bắc chợ Bến Thành cho biết. Bên hông chợ, phía cửa Tây, các nơi giữ xe gắn máy đã kịp nâng giá giữ xe từ 10.000 đồng/chiếc tuần trước lên 15.000 đồng/chiếc. Thắc mắc, nhận được câu trả lời gọn lỏn: “Tết mà!”.
Giá thịt khó lường, chưa báo giá bánh tét sớm được !
Tết mà, nên hàng hóa bán trong chợ cũng đã phủ sắc màu của tết, nhiều nhất là các loại mứt, bánh kẹo, đồ khô.
Cô Lan, nhà ở gần chợ Bến Thành, đang đứng trước sạp B.T chuyên bán các loại mứt, bánh kẹo, hạt cho biết: “Tui chưa mua bánh mứt giờ này đâu, chỉ đặt hàng để cổ (người bán - PV) làm trước đặng đến 25 tết lấy mang qua Mỹ cho mấy đứa con”. Bà Lan cũng cho biết, tết năm nay hai vợ chồng bà không ăn tết ở Sài Gòn mà sang Mỹ chơi với con 1 tháng sau tết mới về. Món mứt truyền thống mà bà Lan đặt mua cho bằng được để mang đi cho các con là mứt dừa non ngũ sắc (mứt dừa non hương vani, lá dứa, gấc, cà phê và lá cẩm).
Tất cả phải làm đúng màu tự nhiên, tuyệt đối không dùng màu hóa học.
“Mứt dừa non thường 200.000 đồng/kg, loại này đặt làm 220.000 đồng/kg. Mua thêm vài ký mứt gừng cay nữa, tổng cộng 10 kg đóng gói 500 gr/gói để mấy đứa nhỏ còn biếu bạn bè”, bà Lan hồ hởi kể.
Sạp Bé Chè - chuyên các loại chè miền Nam nổi tiếng tại chợ Bến Thành cũng kịp làm và bày bán mứt dừa non với đường thốt nốt, có màu nâu nhạt, giá 240.000 đồng/kg. Quảng cáo nhiều nhất cho món kẹo sữa dừa sầu riêng 4 màu tại sạp T.Th, bà cụ bán hàng bảo bán giùm cho con gái kề tai chúng tôi nói nhỏ: “Loại kẹo này đắt nhất, thơm nhất và ngon nhất. Dì bán cho khách du lịch 240.000 đồng/kg, bán cho tụi con mua về ăn 180.000 đồng/kg thôi, không bớt đồng nào nữa”. Tất cả các loại bánh kẹo, trái cây sấy, mứt… tại quầy T.Th này đều được bà cụ báo giá giảm từ 50.000 - 100.000 đồng/kg so với giá niêm yết.
Sau bánh kẹo, mứt là đồ khô. Người Sài Gòn cũng rục rịch đi mua nấm, rong biển, đậu, nếp trước cả tháng. Tại quầy Bà Ba B.T ở chợ Bến Thành, người bán hàng giới thiệu đủ các loại nấm mèo loại lớn giá 400.000 đồng/kg, nấm mèo nhỏ 300.000 đồng/kg, nấm đen Trung Quốc 600.000 đồng/kg... Các loại nấm đông cô, nấm hương, nấm rơm khô, nấm hương rừng, tóc tiên... giá từ 300.000 - 400.000 đồng/kg. Đặc biệt, quầy này chuyên nhận đặt bánh tét, chả, nem, lạp xưởng cho khách dùng và biếu tết.
“Bánh tét em gói đòn to lắm, một ký hai mỗi đòn, toàn nếp Bắc thơm dẻo, nhân ba rọi có, mỡ có, đậu ngọt chay có, chuối chay có, đậu chay có, ngọt có, mặn có. Loại gì cũng có”, cô bé bán hàng tranh thủ quảng cáo một tràng rồi cho biết, bánh tét chay bán giá 150.000 đồng/kg, nhưng bánh tét nhân thịt chưa thể báo giá được vì... giá thịt khó đoán lắm.
“Giá bánh tét mặn năm ngoái 160.000 đồng/đòn, năm nay chưa bao giá được vì giá thịt khủng quá mà”, người bán nói. Ở quầy đối diện, một phụ nữ được giới thiệu là chủ của quầy Bà Ba nói với sang: “Bánh tét mặn năm nay báo giá khoảng 190.000 - 200.000 đồng/đòn cho khách đi”. Nói đoạn, quay sang khách mua, bà giải thích: “Giá thịt tăng nhanh quá, rất khó tính để báo sát giá cho khách, dù chỉ trước tết 1 tháng. Sau rằm tháng chạp, quầy sẽ có giá chính thức, nay chỉ báo giá ước chừng vậy thôi. Nhưng bảo đảm không bán đắt hơn những nơi khác, cửa hàng của tôi bán bánh tết cho người Sài Gòn ăn 30 năm nay rồi”.
Chủ cửa hàng Anh Đào (Nguyễn Duy, Q.8, TP.HCM) chuyên bán các đặc sản vùng miền phục vụ tết cho biết, tất cả các mặt hàng được báo giá hôm nay dự kiến tiếp tục tăng thêm 10.000 đồng/sản phẩm trong những ngày cận tết. Đặc biệt với sản phẩm nổi tiếng ở đây như pate cuộn trứng 5 nhụy và chả lụa có giá tăng cao nhất. Pate Hai Lý từ 100.000 đồng lên 130.000 đồng/0,5kg, chả lụa từ 80.000 đồng lên 110.000 đồng/0,5kg, chả hoa do thành phần ngoài thịt heo còn có các loại rau củ và trứng muối nên giá tăng tầm 10.000 đồng/0,5kg so với trước. Bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh) năm nay đã tăng hơn năm ngoái 10.000 đồng/đòn, đến tết dự kiến tăng thêm 10.000 đồng nữa, lên 100.000 đồng/đòn ngũ sắc. Bánh tét lá cẩm Cần Thơ họ Huỳnh tăng lên 100.000 đồng/đòn, loại 2 màu 110.000 đồng/đòn. “Đó là mức giá trong dự kiến, nhưng nếu giá thịt heo tăng mạnh kiểu mất kiểm soát, có thể sẽ khác”, chủ cửa hàng Anh Đào thông tin.
Không còn “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”
Đã nhập khẩu 110.000 tấn thịt heo bù đắp nguồn cung thiếu hụtSố liệu trên được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dẫn số liệu từ Cục Thú y và đưa ra tại hội nghị toàn quốc về “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040” do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 25.12 tại Hà Nội. Theo Bộ NN-PTNT, số liệu từ Cục Thú y cho biết từ đầu năm đến nay, VN đã nhập khẩu 67.000 tấn thịt heo. Tuy nhiên, theo số liệu Bộ Công thương báo là hơn 110.000 tấn. Số thịt heo nhập khẩu này nhằm bù đắp nguồn cung thiếu và chờ tái đàn. Trước đó, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đã bắt tay dự kiến nhập 200.000 tấn thịt heo các loại phục vụ những tháng trước và sau tết. Cũng trong cơn khó thiếu thịt heo, bộ này cũng chỉ đạo tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Năm 2019, sản lượng gia cầm tăng 193.600 tấn, trứng đạt 2,6 tỉ quả, cộng thêm các loại thịt bò, cừu, thủy sản... thay thế bù đắp lượng thiếu hụt thịt heo. Riêng với việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN-PTNT cũng cho biết, số lượng heo phải tiêu hủy giảm rất nhanh trong hai tháng qua. Cụ thể, tháng 11 dự kiến tiêu hủy 200.000 con nhưng chỉ buộc tiêu hủy 152.000 con. Tháng 12 dự kiến tiêu hủy 50.000 con nhưng sẽ dao động ở mức dưới 40.000 con.
|
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” - Từ xưa đến nay, thịt heo là nguyên liệu không thể thiếu để làm nên một chiếc bánh chưng truyền thống. Chọn thịt heo làm bánh chưng phải lấy loại thịt ba chỉ (ba rọi) vì sự kết hợp của mỡ và nạc sẽ cho nhân bánh vị béo đậm đà, không khô bã như các loại thịt mông, thịt nạc thăn. Trừ bánh chưng chay (thường dùng để cúng lễ ở chùa), người ta có thể sáng tạo thêm nhiều loại vỏ bánh để tạo ra bánh chưng ngũ sắc (loại bánh chưng có 5 màu được cho là tượng trưng cho ngũ hành: Kim - Thủy - Mộc - Hỏa - Thổ. Gạo màu xanh sử dụng từ nước của lá riềng xay, màu vàng từ nghệ tươi, màu đỏ của gấc, màu tím từ nếp cẩm hoặc màu nước lá cẩm. Khi gói bánh, người ta dùng lá ngăn từng loại gạo ra 5 góc trên khuôn gói bánh), bánh chưng gấc, bánh chưng cốm…, nhưng phần nhân gồm thịt mỡ, đậu xanh… thì gần như không bao giờ thay đổi.
Thế nhưng, giữa cơn bão giá thịt heo tăng phi mã, các bà nội trợ đã nhanh chóng truyền tai nhau công thức cho một nồi bánh chưng không thịt heo. Chuyển từ Hải Phòng vào sinh sống tại TP.HCM đã gần 20 năm, chị Thu Hà (ngụ Q.7) năm nay quyết định nấu một nồi bánh chưng để các cháu trong nhà được hưởng trọn vẹn không khí tết truyền thống. Lên kế hoạch sẵn từ cách đây gần 1 tháng, chị không hề tính đến chuyện giá thịt heo sẽ bị đẩy lên cao như hiện nay.
“Nhà tôi đông người, còn làm để chia tặng nhân viên trong công ty, cho người thân nên dự kiến làm tới 50 - 60 cái bánh chưng. Bánh tự gói ở nhà nên muốn nhân thịt, đỗ đầy đặn, chưa tính cụ thể bao nhiêu ki lô gam nhưng cũng phải tốn kha khá lượng thịt ba rọi. Còn cả tháng nữa mới tới tết mà giá thịt heo đã tăng chóng mặt, chưa kể ra chợ đặt còn bị “dọa” chưa biết có đủ hàng hay không. Tôi quyết định tự lập ra công thức gói bánh chưng nhân thịt gà”, chị nói.
Theo chị Thu Hà, để thịt gà thay thế được thịt heo làm nhân bánh chưng, phải lọc thịt, chọn chỗ nào có cả nạc, da và mỡ. Tuy nhiên mỡ gà dễ chảy, nếu không cẩn thận và nghiên cứu kỹ lưỡng công thức, cách thức thì rất dễ “đi toi” cả nồi bánh. Nên mua cả con gà về lọc thịt, lấy phần thích hợp, còn lại để ninh xương nấu canh hoặc bóp gỏi, chế biến các món khác. Số lượng thịt gà cần dùng sẽ phải tương đương hoặc nhiều hơn thịt heo nhưng chắc chắn giá thành sẽ rẻ hơn nhiều.
Cũng giống chị Hà, trên các trang mạng xã hội, rất nhiều công thức nấu bánh chưng mới lạ cũng đã được nêu ra, trong đó nổi bật nhất là bánh chưng nhân cá hồi. Thực tế từ tết năm ngoái, một doanh nghiệp đã thực hiện cuộc khảo sát và cho ra mắt loại bánh chưng này, với đối tượng nhắm đến chủ yếu là người nước ngoài đam mê ẩm thực Việt, nhưng không “khoái” thịt. Theo kết quả khảo sát của công ty trên, thoạt nói đến ai cũng cho rằng dùng thịt cá hồi làm nhân bánh chưng là một ý tưởng điên rồ, phi thực tế, nhưng sau khi nếm thử một miếng, có tới 80% người tham gia cuộc thử nghiệm lại đảo chiều ý kiến. Hầu hết mọi người đều ngạc nhiên không ngờ nhân cá hồi lại hợp vị bánh chưng đến vậy. Dù làm bằng nhân cá nhưng bánh chưng vẫn giữ được hương vị vốn có của nếp, đỗ và không còn vị tanh của cá hồi.
Không chỉ linh hoạt sáng tạo bánh chưng nhân thịt gà, nhân cá… nhiều bạn trẻ còn đưa ý tưởng làm bánh chưng nhân chân trâu đường đen để “theo trend”, giống loại bánh trung thu nhân trà sữa mới xuất hiện trên thị trường mùa trung thu vừa qua.
Bình luận (0)