Cho phép doanh nghiệp kiện Kiểm toán nhà nước ra tòa
Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kiểm toán nhà nước tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13.9, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã quy định về quyền khiếu nại của các đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán đối với kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Theo đó, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại; quy định hết thời hạn giải quyết khiếu nại, Tổng Kiểm toán nhà nước phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động Kiểm toán nhà nước.
Bên cạnh đó, theo ông Hải, dự thảo cũng quy định rõ, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khởi kiện ra tòa.
Về trình tự, thủ tục khởi kiện, dự thảo dự kiến sử đổi 2 điều khoản và một số nội dung mang tính kỹ thuật của luật Tố tụng hành chính, cụ thể bổ sung cụm từ “quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước” vào sau cụm từ “quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh” tại một số điều khoản của luật Tố tụng hành chính.
Đang khiếu kiện sao vẫn bắt thi hành?
Đồng tình với việc bổ sung quy định cho phép khởi kiện với các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lại băn khoăn với quy định tại khoản 7 điều 57 của luật Kiểm toán nhà nước hiện hành yêu cầu: trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện, đơn vị được kiểm toán vẫn phải thực hiện đầy đủ kịp thời, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trừ trường hợp Tổng kiểm toán nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ các kết luận, kiến nghị này.
“Cái này chúng tôi rất băn khoăn. Bình thường một quyết định nào của nhà nước đang bị khiếu nại thì chưa thi hành nhưng ở đây vẫn cho khiếu nại, khởi kiện kết luận, kiến nghị nhưng vẫn bắt phải thi hành kiến nghị, kết luận đó”, bà Nga phân tích và nêu: “Cái này vô lý ở chỗ tôi đang khiếu nại tức là tôi cho rằng kết luận không đúng thì lại bắt tôi phải thi hành kết luận ấy”.
Theo bà Nga, chỉ quy định về giám đốc thẩm của tòa án mới cho phép vẫn xem xét lại trong khi các quyết định, bản án của tòa vẫn có hiệu lực thi hành. Từ đó, bà Nga đề nghị Kiểm toán nhà nước giải thích rõ quy định này là theo nguyên tắc nào của hệ thống hiện nay.
Giải trình sau đó, Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, luật Kiểm toán nhà nước quy định kết luận của Kiểm toán nhà nước bắt buộc thi hành.
Tuy nhiên, theo ông Phớc thực tiễn cho thấy, sau khi có kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước thì các cơ quan nhà nước đều thực hiện đầy đủ, tuy có muộn. Còn doanh nghiệp thì thường khiếu nại của họ được giải quyết xong họ mới thực hiện.
Ông Phớc cũng thừa nhận, nếu luật ghi là kết luận của Kiểm toán nhà nước là bắt buộc phải thực hiện sau khi giải quyết xong khiếu nại cuối cùng thì sẽ chính “xác hơn”.
Dừng lại giải quyết khiếu kiện thì không biết hiệu quả thế nào?
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên thảo luận sau đó dẫn lại khoản 1 điều 57 của luật Kiểm toán nhà nước quy định kết luận của Kiểm toán nhà nước bắt buộc phải thi hành, còn khiếu kiện thì sẽ giải quyết sau.
Không đồng tình với ý kiến này, bà Lê Thị Nga cho rằng, nếu quy định như vậy thì sẽ phải giải quyết hậu quả rất lớn trong trường hợp kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước là trái pháp luật. “Nếu như quá trình giải quyết khiếu nại kết luận là kiến nghị, kết luận của Kiểm toán nhà nước là sai thì hậu quả từ việc tôi phải thi hành kết luận sai này là rất lớn”, bà Nga phân tích.
Trao đổi lại, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển vẫn cho rằng, nếu kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước sai thì Kiểm toán nhà nước phải chịu trách nhiệm. “Ông nào quyết định sai thì ông ấy phải chịu trách nhiệm, đền bù cho người thực hiện”, ông Hiển nhấn mạnh.
Tham gia ý kiến, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, luật Khiếu nại đã nêu rõ, trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục, thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó và việc khiếu nại các kết luận của Kiểm toán nhà nước cũng thực hiện theo quy định này. Tuy nhiên, ông Phớc khẳng định: trước nay chưa có trường hợp nào Kiểm toán nhà nước phải đền bù, xin lỗi cả.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh, thường các đơn vị được kiểm toán, nhất là doanh nghiệp sẽ khiếu nại vì không đồng ý hoặc muốn nhẹ hơn. Do đó, quy định như luật Kiểm toán nhà nước hiện hành là cần thiết vì “nếu như khi có khiếu nại, khởi kiện mà dừng ngay lại chờ giải quyết các trình tự kia thì không biết hiệu lực hiệu quả thế nào”.
Bình luận (0)