Người 'thắp lửa' phong trào Đoàn

06/09/2021 07:00 GMT+7

“Tốt nghiệp đại học, tôi về quê với mong muốn phụ giúp gia đình. Sinh hoạt Đoàn ở địa phương, nhận thấy những khó khăn khi lực lượng thanh niên ở quê ngày một ít, tôi muốn góp sức để chung tay xây dựng quê hương…”.

“…Cũng từ đó, tôi dần yêu công tác Đoàn và nỗ lực mỗi ngày để không phụ niềm tin của mọi người”, anh Trịnh Văn Mùi - Bí thư xã Đoàn Gio Mai (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), bộc bạch.

‘Giao liên’ giữa ngày lũ lớn

“5 ngày rồi chưa về nhà”, Mùi vừa nói vừa dúi vào tay tôi chiếc đèn pin gửi về nhà rồi vội theo con thuyền chở cơm tiếp tế cho bà con vùng lũ Lâm Xuân trong trận lũ lớn cô lập vùng này suốt cả tuần hồi tháng 10.2020. Tròn 20 năm người dân vùng này mới chứng kiến cơn đại hồng thủy khiến con đường giao thông thảm nhựa liên xã trở thành đường thủy. Tuy không phải vùng sâu, vùng xa nhưng Gio Mai có nhiều thôn bị ngập nặng. Cách duy nhất để vào thôn và về là đi bằng ghe, thuyền. Dân chủ yếu làm nông nghiệp nên việc có những chiếc thuyền vững vàng vượt lũ lại là chuyện hiếm.
Là Bí thư xã Đoàn, lũ đến, Mùi cùng đồng nghiệp, các cán bộ xã phải thay nhau trực đêm để kịp thời xử lý, ứng cứu người dân khi nước lớn. “Vừa trực để khi có sự việc gì mình xử lý kịp thời, vừa phải liên hệ tới các đội, thôn, thống kê các gia đình có nhà cửa tạm bợ, nằm vùng trũng thấp, người già yếu neo đơn… để đến hỗ trợ đưa họ đến nơi an toàn. Mấy đêm liền hễ nghe mưa là lại dõi theo mực nước lên, không dám ngủ. Có hôm chèo thuyền đi đưa dân lên chỗ cao, ra giữa vùng nước lớn, sức nước với sức gió giật mạnh, nước lại ngập lên tới ngọn cây khiến mọi dấu vết con đường đi hàng ngày như biến mất, cảm thấy mình dường như không định hướng được. Đã thế mưa còn ập xuống bất chợt khiến mấy anh em ướt sũng, lạnh run lập cập”, Mùi kể lại.
Thôn Lâm Xuân nằm về phía bắc của xã Gio Mai, giáp sông Cánh Hòm. Nước lớn khiến cả thôn bị cô lập. Để nhận cơm tiếp tế từ các nhà hảo tâm và con em trong thôn đang làm ăn phương xa hỗ trợ, Mùi phải xin một chuyến thuyền máy cùng các đoàn viên trực ứng cứu ở xã vượt hơn chục cây số giữa mênh mông nước bạc để đến điểm nhận cơm. Mùi bảo: “Thứ làm mình yên tâm nhất khi ngồi trên thuyền đó là chiếc áo phao. Đường đi thì mường tượng trong trí nhớ để chỉ dẫn cho người lái máy, rồi cứ thế mà đi và về. Nói không nguy hiểm thì không đúng lắm, sông sâu, thuyền nhỏ khó lường được nhưng không đi thì bà con đói. Mưa lũ nước ngâm, ít ai nhen được lửa để nấu cơm, đó là chưa kể gạo lúa trở tay không kịp cũng bị ngâm trong nước”.
Mỗi chuyến, chiếc thuyền chở được tầm 300 đến 400 suất cơm, về tới thôn thì trời cũng nhá nhem tối. Mùi kêu gọi sự hỗ trợ của bà con có ghe riêng và các đoàn viên trong thôn chung tay hỗ trợ đưa cơm đến tận từng nhà. Suất cơm cuối cùng được phát thì con thuyền quay về trụ sở UBND xã. Một đêm trực lũ tiếp theo lại bắt đầu. “Vất vả nhưng trách nhiệm với công việc, với bà con nên mình phải nỗ lực cố gắng”, Mùi nói.

Trịnh Văn Mùi - Bí thư xã Đoàn Gio Mai trong một lần hiến máu tình nguyện

Ảnh: TGCC

Đam mê và nỗ lực

8 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, Mùi quyết định trở về quê. Mùi chia sẻ: “Tôi chọn cách trở về là để phụ giúp gia đình. Rồi nhận thấy rằng ở địa phương còn nhiều khó khăn nên chính trong tư tưởng đã muốn cống hiến để xây dựng quê hương ngày một đi lên. Thế là tôi tiếp tục tham gia sinh hoạt Đoàn ở địa phương với nhiều vai trò khác nhau. Từ đó yêu màu áo xanh, yêu công việc của Đoàn”.
Nói thì ngắn gọn nhưng cũng vô vàn trăn trở. Thanh niên ở quê phần lớn đi làm ăn, học tập ở xa; số lượng đoàn viên trụ lại với thôn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Làm sao để khơi dậy phong trào và đưa nó phát triển không hề dễ. Mùi đã bắt đầu những bước đi đầu tiên bằng cách kiện toàn, củng cố Ban chấp hành các chi đoàn, khơi gợi tinh thần cống hiến trong thanh niên. Từ cơ sở đó mới bắt đầu phát động các phong trào.
Từ Bí thư chi đoàn thôn rồi đến Bí thư Đoàn xã, Mùi đã phát động nhiều phong trào mang lại hiệu quả rõ rệt. Chẳng hạn như dịp tết Trung thu hằng năm, Mùi đã cùng với Ban chấp hành vận động nguồn xã hội hóa để tổ chức cho các em nhỏ, từ con số nhỏ nhất như năm 2013 là 2 triệu đồng thì qua từng năm, số tiền cứ lớn dần lên; vận động ủng hộ gần xây dựng công trình “Ánh sáng đường quê” với chiều dài 2.200m; xây dựng 2 công trình sân phơi lúa cho 2 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thôn Lâm Xuân.
Ngoài ra còn có các hoạt động khác như hiến máu nhân đạo; vận động xã hội hóa hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, gặp hoạn nạn trên địa bàn; hỗ trợ trao quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp Tết trung thu, khai giảng đầu năm học, tổng kết cuối năm học, tết cổ truyền dân tộc. Qua các đợt dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, Mùi đều khởi xướng các hoạt động như hỗ trợ nấu cơm tiếp tế cho khu cách ly trên địa bàn, vận động ủng hộ bà con mua nông sản cho các tỉnh miền Bắc có dịch…
Năng nổ và nhiệt huyết, Mùi nói: “Tôi luôn tự nhủ mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa để làm tròn nhiệm vụ và nhất là không phụ lòng tin của mọi người. Tôi cũng rất vui vì các phong trào do Đoàn thanh niên phát động đều nhận được sự quan tâm và ủng hộ nhiệt tình. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.