Người thầy dạy học bằng 4 thứ tiếng

Vũ Thơ
Vũ Thơ
12/11/2019 08:19 GMT+7

Với tâm huyết đưa đồng bào dân tộc thoát khỏi cảnh mù chữ, thầy giáo La Văn Quân (28 tuổi, dân tộc Mông) đã quyết tâm làm nghề dạy học và dìu dắt được nhiều học sinh dân tộc thiểu số trưởng thành.

Làm “phu vàng” để lấy tiền đi học

Thầy giáo trẻ La Văn Quân hiện công tác tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thuần Mang, H.Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Hành trình đến với nghề giáo của thầy Quân là một quá trình vượt qua rất nhiều thử thách, bởi đồng bào dân tộc Mông còn nhiều suy nghĩ lạc hậu là “cái chữ không thể ăn no được”.
Thấy bà con vất vả làm lụng quanh năm mà vẫn đói, nghèo, bản thân tôi luôn tự nhủ: Phải học thật tốt để có một công việc đem lại thu nhập ổn định và cũng để giúp đỡ bà con thôn bản thoát nghèo, thay đổi suy nghĩ lạc hậu của bà con
Thầy giáo La Văn Quân
Hoàn cảnh gia đình của thầy lại rất khó khăn khi bố mẹ chỉ làm nương rẫy nuôi 4 anh chị em ăn học. Cuộc sống gia đình gắn liền với những tháng ngày du canh du cư, bố mẹ không có công ăn việc làm ổn định, anh trai thầy Quân phải bỏ học sớm, đi lao động vất vả. Vì vậy, thầy Quân ấp ủ ước mơ phải tìm cho mình một con đường khác để có tiền phụ giúp gia đình và giúp đồng bào quê mình.
“Quê tôi thuộc thôn Củm Nhá, xã Lãng Ngâm, một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của H.Ngân Sơn. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu là trồng ngô, khoai, sắn; trình độ dân trí thấp, còn nhiều quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu. Thấy bà con vất vả làm lụng quanh năm mà vẫn đói, nghèo, bản thân tôi luôn tự nhủ: Phải học thật tốt để có một công việc đem lại thu nhập ổn định và cũng để giúp đỡ bà con thôn bản thoát nghèo, thay đổi suy nghĩ lạc hậu của bà con”, thầy Quân chia sẻ.
Vì thế, trong suốt 12 năm học phổ thông, dù nhà cách trường rất xa, phải đi bộ 1 tiếng mới đến nơi, nhưng thầy Quân luôn cố gắng hết mình vượt mọi khó nhọc học hết phổ thông và tiếp tục học chuyên nghiệp. “Trường CĐ Sư phạm Bắc Kạn là nơi tôi chọn học, vì một mong ước đơn giản là muốn trở thành thầy giáo để đem cái chữ về cho bản làng, cho các em nhỏ nghèo quê tôi”, thầy Quân tâm sự. Để có tiền ăn học suốt 3 năm, ngoài đi học, thầy Quân phải đi làm thuê, thậm chí vào rừng làm “phu vàng”.
Sau khi tốt nghiệp, thầy Quân đi đến nhiều vùng khó khăn của H.Ngân Sơn dạy cái chữ cho con em dân tộc mình và đến nay đã có hơn 7 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Tìm học trò chui trong cống

Hiện ngôi trường thầy Quân công tác thuộc xã đặc biệt khó khăn của H.Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. 100% học sinh của trường là dân tộc thiểu số, trong đó 60% học sinh dân tộc Mông, có hoàn cảnh khó khăn, đường đến trường phải vượt đèo, vượt suối. Nhiều gia đình còn cho con nghỉ học giữa chừng để ở nhà lao động và dựng vợ, gả chồng sớm để có người làm việc nhà. Vì thế, thầy Quân nhiều lần phải đi tìm và thuyết phục học trò đi học.
“Có lần, trời mưa đường trơn, đi phải chống gậy vượt núi, lội suối hơn 6 km để đến nhà các em, đến nơi các em lại cùng bố mẹ đi nương rẫy. Tim tôi không khỏi nhói đau khi thấy cảnh các em đang trong độ tuổi đi học mà phải cõng một em trên lưng và tay kia dắt theo một em để cho bố mẹ đi làm…”, thầy Quân thổ lộ.
Đặc biệt, ở trường toàn là học sinh dân tộc thiểu số. Vì thế, thầy luôn phải vận dụng giao tiếp bằng các thứ tiếng dân tộc để giao lưu với học sinh, tìm hiểu nguyên nhân nghỉ học, vận động cha mẹ các em. Hiện ngoài dạy bằng tiếng Việt, thầy Quân còn dùng cả tiếng Mông, tiếng Tày và tiếng Dao để truyền đạt cho học sinh, giúp các em hiểu bài.
Với nhiệm vụ làm quản sinh của trường, thầy Quân đã quan tâm, lo lắng cho học sinh còn hơn cả bố mẹ các em. “Nhiều phụ huynh bỏ mặc con cái nên có em hay bỏ học, bỏ tiết đi chơi, tôi phải đi gọi về. Có lần một học sinh bỏ ra ngoài không về nhà, không biết đi đâu. Tôi đi tìm thì bắt gặp em trốn dưới cống. Sau đó, tôi cùng các bạn em đưa em về tắm rửa, đưa lên lớp học và em đã coi trường là ngôi nhà thứ hai của mình”, thầy Quân kể. Cũng nhờ gần gũi chia sẻ mà thầy Quân được học sinh tin yêu, làm điểm tựa cho các em vươn lên.
Với tâm huyết của mình, thầy Quân đã giúp nhiều học sinh định bỏ học tiếp tục đến lớp, nhiều em đã tốt nghiệp THCS, THPT, đi học nghề hoặc tham gia học các trường chuyên nghiệp, với những ước mơ, hoài bão về một tương lai tốt đẹp hơn. “Đó thật sự là điều ý nghĩa nhất trong những năm công tác của mình”, thầy Quân chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.