Người thầy đi xây trường

Diệu Huyền
Hà Nội
13/11/2023 09:00 GMT+7

Đến với nghiệp cầm phấn ban đầu chỉ vì muốn có một công việc, nhưng sau hơn 20 gắn bó với học trò vùng cao ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ không chỉ gieo chữ mà còn kết nối để xây dựng hàng trăm công trình cho sự nghiệp giáo dục.

Học trò đã thay đổi cuộc đời tôi

Vượt chặng đường dài hàng chục km đất đá từ xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, chúng tôi đến thăm Trường phổ thông dân tộc bán trú - tiểu học Vừ A Dính thuộc xã Trà Don, nơi mà thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ đang giữ cương vị phó hiệu trưởng nhà trường.

Thầy Vỹ (áo xanh) trao quà cho các em học sinh xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My)

Thầy Vỹ (áo xanh) trao quà cho các em học sinh xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My)

TGCC

Sinh năm 1979 tại thị trấn Bắc Trà My, huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), thầy Vỹ là con cả trong một gia đình nghèo có tới 7 anh chị em. Học hết phổ thông, tuy trúng tuyển vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nhưng do kinh tế gia đình eo hẹp, thầy Vỹ đã chọn học sư phạm để không tốn tiền học phí.

Năm 2000, thầy Vỹ tốt nghiệp và được phân về điểm trường Tu Nấc (xã Trà Cang) công tác, cách nhà thầy hơn 100 km. Thầy phải đi 2 chuyến xe khách và đi bộ 6 giờ đồng hồ mới tới được điểm trường không điện, không sóng điện thoại.

"Lần đầu tiên nhìn thấy ngôi trường tôi đã muốn bỏ nghề, vì ban đầu tôi đến với nghề giáo là do cần một công việc để kiếm sống. Đó là một căn lều tạm được ghép bằng gỗ và lợp mái rơm, trong lớp chỉ có vài bộ bàn ghế xiêu vẹo, nền bằng đất ướt nhem nhép, thậm chí có cả phân súc vật. Đặc biệt, học sinh nói một thứ tiếng khác vì các em là người dân tộc thiểu số. Tôi như bị lạc nhịp, cô đơn giữa đàn học trò của mình", thầy Vỹ tâm sự.

Mang tâm lý nặng nề khi đến một điểm trường vùng cao còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn, tuy nhiên chính học trò đã dần thay đổi cảm xúc và tư duy của người thầy giáo trẻ. "Tôi bắt đầu lên lớp. Rồi qua sinh hoạt, biết được tiếng dân tộc để đi xin rau, xin củi về nấu cơm. Càng ngày tôi càng cảm nhận các em hồn nhiên và trong sáng quá. Các em có thể đi bộ hàng tiếng đồng hồ đến trường, không bao giờ kêu mệt, chạy đùa tung tăng, vui vẻ… Vậy thì tại sao tôi đi làm một công việc cao quý, được trả lương mà lại không cố gắng", thầy chia sẻ.

Giai đoạn đầu chưa có điện, thầy Vỹ soạn giáo án bên chiếc đèn dầu, sáng hôm sau hai lỗ mũi thầy đen kịt do muội khói bám vào. Mãi sau này khi điện về vùng cao thì chiếc đèn dầu đã trở thành một kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp trồng người của thầy. Sau gần 10 năm đứng trên bục giảng, năm 2008, lần đầu tiên nhà trường tổ chức tết nhà giáo nhân ngày 20.11 và đó là dấu mốc mà thầy xác định sẽ gắn bó với nghề giáo suốt đời.

Tiếc vì không làm thiện nguyện sớm hơn

Sau 11 năm công tác, thầy Vỹ được phân công về Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My và thầy được đi đến hết các điểm trường trong huyện. Nhận thấy đa phần các trường rất tạm bợ, lụp xụp, học sinh không được ăn no, không có áo ấm đến trường nên thầy Vỹ bắt đầu tự nhận thêm nhiệm vụ làm thiện nguyện, kết nối những tấm lòng hảo tâm.

Người thầy đi xây trường - Ảnh 2.

Thầy Vỹ (ở giữa) cùng các nhà hảo tâm bàn giao nhà cho gia đình khó khăn

TGCC

Thầy Vỹ nhớ lại, trong một lần đi bộ 2 giờ đồng hồ đến nhà học sinh vận động em đến trường, đã chứng kiến cảnh cháu chăm bà ngoại ốm, bố mẹ đi làm không biết ở đâu và bao giờ về, gạo không có để ăn, và hai thầy trò ngồi trò chuyện mà không cầm được nước mắt.

Biết sức bản thân không đủ, thầy Vỹ đã kêu gọi đồng nghiệp thành lập Câu lạc bộ (CLB) Kết nối yêu thương Nam Trà My, với 7 thành viên, ban đầu do thầy làm chủ nhiệm. Từ đó đến nay, thầy Vỹ đã tích cực kết nối các nhà hảo tâm ở khắp nơi để hỗ trợ học trò vùng cao. Ban đầu chỉ là các công trình nhỏ như tráng nền xi măng, lát gạch men tại một vài điểm trường...

Những nhóm thiện nguyện đầu tiên đến với các điểm trường ở Nam Trà My thường mua - tặng quà cho học sinh nhưng thầy Vỹ thấy như vậy không tạo được hiệu quả bền vững. Thầy đã vận động họ xây trường kiên cố và trái ngọt đã đến vào năm 2013 khi quỹ thiện nguyện "Vì yêu thương – TP.HCM" tài trợ kinh phí để xây điểm trường đầu tiên tại Răng Dí, thuộc xã Trà Tập, huyện Nam Trà My.

Uy tín của CLB dần được tăng lên, một số nhà hảo tâm ở cả nước ngoài cũng gửi kinh phí giúp xóa bỏ trường tạm. Ngoài ra, thầy còn vận động được hàng trăm suất học bổng giúp một số học trò miền núi học hết đại học, có em còn có cơ hội du học nước ngoài.

Tính đến nay, CLB đã kết nối kinh phí để xây dựng được hơn 50 điểm trường với hơn 100 phòng học, 52 nhà công vụ cho giáo viên, nhà vệ sinh, nhà bếp trị giá hơn 10 tỉ đồng, lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời cho gần 50 điểm trường, xây 4 khu nội trú cho hơn 1.000 học sinh trị giá 3,6 tỉ đồng.

Người thầy đi xây trường - Ảnh 3.

Một điểm trường kiên cố được CLB của thầy Vỹ kết nối xây dựng ở Nam Trà My

TGCC

Ngoài ra, CLB còn vận động kinh phí để lắp đặt 14 hệ thống bếp cơm trường học trị giá gần 550 triệu đồng; 21 khu vui chơi cho học sinh trị giá 1,7 tỉ đồng và thực hiện chương trình Bữa ăn có thịt, Bầu sữa yêu thương, Nuôi em tăng cường dinh dưỡng cho học sinh với tổng kinh phí hơn 4,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, CLB vận động lắp đặt 23 hệ thống lọc nước RO trị giá hơn 1 tỉ đồng, tặng 60 tivi, 13.000 quyển sách, vở, gần 20.000 bút biết, 8.000 bộ đồng phục, mũ, dép… cho học sinh tổng giá trị hơn 1,7 tỉ đồng.

Trong thời gian đầu vận động kinh phí, thầy Vỹ phải dùng điện thoại nhiều, một số bạn bè không biết tưởng thầy không chú tâm vào công việc. Ngay đến bà xã thấy chồng mình thường nói chuyện với người nước ngoài đến 2 – 3 giờ sáng cũng sinh nghi. Nhưng đến lúc biết rằng chồng đang chia sẻ về dự án cũng như thuyết phục các nhà hảo tâm để được nhận tài trợ mà quên ăn quên ngủ, chị đã hiểu và tin tưởng chồng. Điều thầy Vỹ tiếc nhất là không làm thiện nguyện sớm hơn vì những tình cảm mà xã hội dành cho học trò vùng cao là rất lớn. Thầy Vỹ cho biết sẽ tiếp tục hành trình đi xây trường đến khi không còn sức khỏe. Và CLB hiện nay cũng đã có tới 32 thành viên.

Anh Đinh Văn Phu, Bí thư Đoàn xã Trà Vân, huyện Nam Trà My cho biết: "Khi chưa xây điểm trường này, nhân dân huy động làm trường bằng gỗ lợp mái tranh đơn sơ. Từ khi CLB của thầy Vỹ kết nối kinh phí xây dựng được điểm trường kiên cố, xã nhà và bà con rất phấn khởi".

Người thầy đi xây trường - Ảnh 4.

Thầy Vỹ đã hơn 20 năm gắn bó với học sinh huyện Nam Trà My

TGCC

Tình cảm của bà con vùng cao dành cho các thầy cô giáo là điều mà thầy Vỹ trân trọng nhất. Họ nghèo nhưng họ rất tự trọng, nghĩa tương thân tương ái rất lớn. Với các thầy cô giáo, họ không tiếc bất cứ điều gì, cho dù trong nhà không có gạo ăn nhưng họ sẵn sàng dành những thứ ngon nhất, tốt nhất mang đến trường tặng thầy cô giáo.

Thầy Vỹ kể, đặc biệt nhớ cậu bé Hồ Ánh Khiết (học sinh lớp 3, xã Trà Tập) vào rừng vác măng để góp rau gửi thành phố trong đại dịch Covid-19. "Thấy vậy, tôi đã chụp bức ảnh Khiết đang vác một ngọn măng to bằng nửa thân mình. Trước đó, Khiết chỉ nghe lỏm buổi họp trong làng về việc góp rau gửi về hỗ trợ thành phố, bằng tấm lòng sẻ chia, dù còn rất nhỏ nhưng em đã đi bộ gần một giờ đồng hồ vào rừng để hái măng gửi về thành phố Đà Nẵng (hồi tháng 8.2020). Hay như trường hợp của một hộ nghèo tại xã Trà Cang được hỗ trợ xây nhà nhưng đã nhường cho một hộ nghèo khác và nói gia đình sẽ cố gắng lao động vì còn sức khỏe...

Những câu chuyện đẹp như vậy cứ nở thắm, tỏa hương ở nơi huyện nghèo Nam Trà My...

Người thầy đi xây trường - Ảnh 5.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.