Người thương binh già 'truyền lửa' bài chòi

26/07/2022 10:12 GMT+7

Ở tuổi 70, Nghệ nhân Ưu tú Võ Duy Khánh, ngụ xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi ) vẫn mê mải sưu tầm, sáng tác và ngân nga truyền dạy bài chòi.

Ngày thơ bé, ông Khánh yêu thích bài chòi nên thường qua nhà ngoại nghe hai cậu cùng người làng gảy đàn và hát ca trong những đêm thanh trăng sáng. Lời ca mộc mạc đượm tình quê gieo vào lòng ông niềm say mê bài chòi từ thuở cắp sách đến trường. Rồi hai người cậu cùng nhiều trai làng thoát ly, tham gia kháng chiến khi bom đạn chiến tranh lan tràn nơi thôn xóm. Thời gian sau, đến lượt ông tham gia du kích, cầm súng bảo vệ quê hương.

Bởi có khiếu ca hát nên ông được điều về đội văn nghệ huyện Đức Phổ. Giữa núi rừng, ông cùng đồng đội hăng say tập luyện để phục vụ, động viên chiến sĩ và đồng bào hăng hái đứng lên giải phóng quê hương. Một đêm hè năm 1972, ông Khánh cùng đồng đội biểu diễn tại xã ven biển Phổ An (TX.Đức Phổ), khi trở về căn cứ thì ông vướng phải dây gài lựu đạn bên đường làm ông bị thương với tỷ lệ thương tật 41%.

"Viết báo" bằng bài chòi

Quê hương thanh bình, ông Khánh được bố trí công tác trong ngành văn hóa Đức Phổ, mang lời ca, tiếng đàn động viên nhân dân ra sức xây dựng lại xóm làng. Sau đó, ông xin nghỉ việc cùng vợ cấy trồng lo cho 5 con thơ nên người. Ông cần mẫn sưu tầm, sáng tác để lưu giữ và giới thiệu bài chòi đến với công chúng. Nhiều người gọi đùa ông "viết báo" bằng bài chòi vì những sáng tác của ông có tính thời sự cao, mang đậm hơi thở cuộc sống.

Ông Võ Duy Khánh chơi đàn và hướng dẫn hát bài chòi

NVCC

Khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm xuất bản làm lay động con tim hàng triệu độc giả thì ông liền sáng tác ca kịch bài chòi Đặng Thùy Trâm - Chị còn sống mãi, ngợi ca người nữ anh hùng. Tác phẩm này đã đoạt giải A tại Hội thi thông tin lưu động khu vực các tỉnh phía Nam.

Day dứt với nỗi đau của những người mẹ liệt sĩ khi chưa tìm được hài cốt của đứa con thân yêu, ông sáng tác vở ca kịch bài chòi Đi tìm đồng đội. Tác phẩm này đoạt giải cao tại Hội thi văn nghệ do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi tổ chức. Những ca từ: "... Từng dòng nước mắt tuôn trào tuôn, tuôn trào tuôn/Ngóng trông con từng giây phút/Vẫn không biết con nơi nào, không biết con nơi nào, nơi nào hỡi con..." như lời thổn thức của người mẹ bao ngày ngóng tin con.

Xuân năm 2022, quê hương Đức Phổ bộn bề gian khó. Nhiều người tha hương nơi đất khách không thể trở về vui tết đoàn viên bên gia đình. Bóng ma Covid-19 còn ẩn hiện nơi làng quê, ám ảnh bao người. Ông liền viết tác phẩm Tình người Đức Phổ với những lời động viên: "... Qua một năm gian khó bộn bề/Lòng người Đức Phổ vẫn không hề thay đổi/Dịch bệnh tràn lan, lũ dâng, bão nổi/Vẫn sát bên nhau sớm tối chung lòng...”.

Chị Nguyễn Thị Lệ Thu, viên chức phụ trách văn hóa - văn nghệ, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao TX.Đức Phổ, nhận định: "Bác Khánh nắm rất rõ định hướng tuyên truyền nên sáng tác những tác phẩm luôn mang tính thời sự. Chẳng hạn như những sáng tác về bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Khi xảy ra sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 thì bác cũng có những sáng tác tuyên truyền về biển, đảo. Bác Khánh cũng có bài tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, vận động người dân tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19...".

"Truyền lửa" bài chòi

Ở tuổi xế chiều, ông thường lặn lội đến nhiều nơi trao đổi, hướng dẫn hát bài chòi với niềm vui vô bờ bến. Đôi tay gầy guộc lướt trên phím đàn khá điêu luyện với những âm thanh làm mê đắm lòng người. Những ca từ mộc mạc được ông nhấn nhá, ngân nga làm say lòng người nghe. Ông tận tình hướng dẫn cách thể hiện cử chỉ nhân vật trong những vở ca kịch để làm lay động con tim khán giả.

Ở tuổi thất thập, thương binh Võ Duy Khánh vẫn say sưa ca hát

TRANG THY

Ông Khánh còn khơi niềm đam mê bài chòi cho học sinh Trường THCS Phổ Cường khi hướng dẫn các em ngân nga làn điệu bao đời cha ông gìn giữ. Những ngày dịch giã, ông hướng dẫn học sinh hát bài chòi bằng hình thức trực tuyến. Qua màn hình, những gương mặt sáng ngời, đôi mắt trong veo chăm chú lắng nghe rồi cất tiếng ca khiến ông xiết đỗi mừng vui.

"Thấy các cháu say mê bài chòi tôi vui lắm. Tôi sẽ cố gắng hết sức chỉ bảo các cháu những hiểu biết của mình về bài chòi", ông tâm sự. Em Phan Huỳnh Diệu My (một học sinh ở Phổ Cường), cho biết: "Trước giờ cháu chưa biết bài chòi nên thấy rất khó hát. Nhưng khi được ông Bảy Khánh tận tình chỉ bảo thì cháu hát được và thấy hay lắm. Lời ca mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa, nặng tình quê hương. Vậy nên cháu rất thích hát bài chòi...".

Ông Khánh còn giúp thầy Nguyễn Mạnh Tùng, Hiệu phó Trường THCS Phổ Cường tìm kiếm tư liệu hoàn thành đề tài Giữ gìn và phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi trong cộng đồng. Đề tài này cùng tiết mục do ông sáng tác và dàn dựng đã đoạt giải nhì Hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Quảng Ngãi năm học 2021 - 2022.

"Đề tài này là ý tưởng của hai học sinh, tôi tìm tư liệu, hình ảnh và hướng dẫn các em tham gia hội thi. Ban giám hiệu nhờ anh Khánh sáng tác và dàn dựng tiết mục hát bài chòi, hướng dẫn các em trong đội văn nghệ và dạy trực tuyến cho học sinh nhà trường. Chúng tôi sẽ đưa bài chòi vào chương trình giáo dục địa phương, môn âm nhạc và tất cả các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường. Nhà trường cũng sẽ nhờ anh Khánh giúp đỡ tổ chức hội chơi bài chòi tại sân trường. Qua đó, giúp các em hiểu được giá trị của thể loại dân ca này và góp phần nhân rộng ra cộng đồng...", thầy Tùng chia sẻ.

Bao năm gắn bó với bài chòi, ông Khánh đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vào tháng 3.2019. Đấy là niềm động viên to lớn khiến ông hăng say "truyền lửa" bài chòi cho thế hệ trẻ. Đêm đêm, ông vẫn cặm cụi sáng tác bên chiếc máy vi tính cũ kỹ. Vợ ông là bà Trần Thị Tiền lặng lẽ pha cho ông ly trà nóng rồi trở về giường nằm thao thức canh thâu. "Phải có khiếu mới viết được chú à! Thấy ổng ngồi sáng tác bên máy vi tính tôi vui lắm!", bà bộc bạch.

Ở tuổi thất thập, người thương binh già vẫn say sưa sáng tác và ngân nga những lời ca dân dã mượt mà nơi làng quê. Với ông, bài chòi là sợi dây gắn kết tình người, tiếp thêm sức mạnh dìu nhau qua bom đạn, bão giông và nắng lửa cho đời thêm tươi đẹp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.