Người trẻ 'chơi' chứng khoán: Một câu trả lời, lỗ gần 40% số tiền đang có

30/03/2022 18:00 GMT+7

Trong những năm gần đây thị trường chứng khoán ngày càng bùng nổ với số tài khoản đăng ký ngày một tăng, trở thành trào lưu đầu tư mới của giới trẻ .

Chơi chứng khoán theo phong trào

Vào lúc 9 giờ sáng mỗi ngày, khi phiên giao dịch chứng khoán bắt đầu mở cửa, anh Trần Minh (31 tuổi, nhân viên quảng cáo, ngụ P.Phước Long B, TP.Thủ Đức, TP.HCM) lại tất bật mở điện thoại “dò sóng” trước khi làm việc chính thức.

Anh lướt từ trên xuống và nhìn sâu vào màn hình. Thỉnh thoảng gương mặt anh đăm chiêu nhìn xa xăm như đang suy tính nhiều điều. Bất chợt Minh nhận ra một mã chứng khoán có thể đầu tư trong thời điểm này, liền bắt đầu tìm hiểu. Anh mở báo, tìm từ khóa của công ty niêm yết, xem khả năng đầu tư ra sao rồi mới quyết định “xuống tiền” mua cổ phiếu.

Ngày càng có nhiều người trẻ "chơi" chứng khoán

Dạ thảo

Anh Minh cho hay biết đến chứng khoán trong thời gian gần đây khi anh liên tục nghe bạn bè rủ rê và nói về những khoản lời kiếm được. “Thấy ham, tôi lập tài khoản chứng khoán rồi đi theo nhóm bạn. Bạn mua gì thì mua theo. Tiếp tục mở các trang thông tin website liên quan đến chứng khoán, nghe ngóng, đọc thêm các bài báo kinh tế chuyên về chứng khoán. Hỏi những người bạn chơi lâu năm rồi tham gia một hội nhóm về chứng khoán”, Minh chia sẻ.

Mới tham gia đầu tư chứng khoán gần 2 năm nay, Trần Thị Thu Diễm (29 tuổi, chuyên ngành xuất nhập khẩu ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết nhờ bạn mới biết đến kênh đầu tư này. Là người mới nên Diễm chỉ bỏ ra số tiền 50 triệu tiền nhàn rỗi để đầu tư.

Mỗi ngày, Diễm dành thời gian chơi chứng khoán vào đầu và cuối mỗi phiên, cụ thể vào khoảng 9 giờ 30, 12 giờ, 13 giờ 30 và 15 giờ.

"So với việc gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng, nếu chọn được mã cổ phiếu tốt thì lợi nhuận cũng hơn một chút", Diễm chia sẻ. Cô không "lướt sóng", mà mua rồi chờ những "đợt sóng" ngành mới đặt lệnh bán.

Theo Diễm, người mới chơi chứng khoán như cô thường khá lúng túng trong vấn đề chọn mã, đặt lệnh và tính toán lời lãi. Do đó, mỗi ngày ngoài giờ làm việc, Diễm nghiên cứu rất kỹ các chỉ số cơ bản nhất, phải xem ngành và công ty mình chọn có tin tốt tin xấu gì không, chứ chưa dám bỏ tiền ra mua cho vui, "chơi" chứng khoán có khi cũng căng não.

Nhiều cảm xúc khó tả khi "chơi" chứng khoán

Diễm chia sẻ: "'Chơi' chứng khoán để có lời thực sự không khó. Nếu bản thân chịu khó dành thời gian ra nghiên cứu, phân tích, quan sát thì việc đầu tư hoàn toàn thích hợp". Cô đầu tư một phần để bản thân có thêm kiến thức, kinh nghiệm và các mối quan hệ, phần khác cũng giúp cô có thêm 1 kênh đầu tư dự phòng rủi ro ngắn hạn. Theo Diễm, đầu tư chứng khoán cũng mang đến những cảm xúc khó tả như đánh bạc, nhưng khi có lãi thì cô cảm thấy rất vui sướng.

“Từ 50 triệu đầu tư đến giờ, số dư của tôi đã được hơn 66 triệu đồng. Tức là tôi lời hơn 16 triệu trong 2 năm vừa qua”, Diễm chia sẻ.

Còn Võ Văn Đạt (31 tuổi, đang làm việc tại một công ty khởi nghiệp, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM) mô tả: "Mỗi lần sóng lên xuống là những cảm xúc dâng trào khác biệt. Nhiều lúc cứ nghĩ “ngon ăn” nhưng sự thật thì không phải vậy".

Theo các bạn trẻ, chứng khoán chỉ là kênh đầu tư ngoài công việc chính thức

Dạ thảo

Anh Đạt kể, vài năm trước thời điểm thị trường chứng khoán đang xu hướng lên, hầu như mua cổ phiếu nào là thắng cổ phiếu đó bởi vậy tâm lý của anh rất hưng phấn. Tuy vậy, với những người mới chơi, chưa nhiều kinh nghiệm, thật sự là khó khăn để đầu tư.

“Tôi nhớ có lần tôi đặt 3 lệnh cùng số lượng với mức giá khác nhau nằm giữa biên độ giá của phiên hôm sau và yên tâm đi chơi. Sáng hôm sau, trước giờ mở cửa giao dịch khoảng 15 phút, cô nhân viên chứng khoán gọi điện báo là cổ phiếu tôi mua tăng gần chạm trần, nếu tôi đồng ý thì sẽ sửa giá trần để khớp lệnh. Và tôi đồng ý, câu trả lời đó khiến tôi lỗ gần 40% trong số tiền tôi có”, Đạt chia sẻ.

Rồi anh lý giải vì phiên giao dịch hôm đó là ngày cuối cùng có cổ phiếu tăng trần, những ngày sau đó cổ phiếu này liên tục giảm sàn vì một cổ phiếu cùng ngành khác lên sàn. Luật chứng khoán Việt Nam là chỉ được bán cổ phiếu sau 3 phiên giao dịch kể từ lúc mua, tức là mức thanh khoản 3 ngày. "Từ đó nhìn tài khoản của mình bốc hơi từng ngày mà không làm gì được cảm xúc của mình khó tả và rất đau xót. Chỉ một lần thất bại mà mất tiền nhiều hơn tất cả các lần chốt lãi cổ phiếu trước đó", Đạt chia sẻ.

Cũng xác định đây là số tiền nhàn rỗi, chấp nhận lỗ nếu thị trường đi xuống nhưng đôi lúc Trần Minh cảm thấy chơi chứng khoán giống như đặt cược vào một trận bóng đá.

“Chơi chứng khoán trong vòng 10 ngày, tôi đã lãi 15%, vượt mức mong đợi. Từ đó, tôi cảm giác đây là kênh đầu tư tốt cho nên tôi mượn thêm tiền để rót vào, với niềm hy vọng mỗi tháng có lãi 10 - 15%. Tuy nhiên, niềm vui đã bị dập tắt khi tôi bị ảnh hưởng nặng nề vì thị trường chao đảo hồi tháng 1. Từ đó, mỗi ngày số tiền giảm dần theo từng giờ. Tôi vẫn hy vọng các cổ phiếu sẽ sớm bật lại. Thực tế phũ phàng hơn khi mỗi sáng ngủ dậy con số âm lại ngày càng lớn, màu đỏ buồn tủi lại nổi lên. Trong khoảng 1 tuần liên tục chấp nhận lỗ vì không bán được cổ phiếu nào”, Minh kể lại.

Theo Minh, Diễm và Đạt, bài học kinh nghiệm khi "chơi" chứng khoán dành cho người trẻ là không nên hưng phấn quá mức khi nhìn thấy khoản lời, càng không quá hoang mang khi thị trường đỏ. "Chơi" chứng khoán thực sự không dễ ăn như nhiều người suy nghĩ khi mới nhập môn. Đối với người mới, cần có kiến thức kỹ càng, đọc nhiều về các số liệu báo cáo, phân tích biểu đồ cơ bản. Nhất là đừng để cảm xúc, thời gian đầu tư chứng khoán làm ảnh hưởng đến công việc chính của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.