Người trẻ chuộng đám cưới theo phong cách ‘ông bà anh’

Thúy Hằng
Thúy Hằng
13/11/2018 15:06 GMT+7

Cổng chào tết bằng hoa lay ơn đỏ, hoa đồng tiền đỏ, lá dừa, bó hoa cưới của cô dâu là loa kèn, lay ơn trắng… những đám cưới phong cách 'ông bà anh' khiến người nhà và khách đều ngỡ ngàng, xúc động.

Đám cưới đã qua được gần một tháng, nhưng cô dâu Phan Ngọc Vân Nam và chú rể Eugene Wong, 26 tuổi, đang làm ngành bếp tại Singapore vẫn chưa thể quên cảm giác hạnh phúc ngập tràn trong ngày cưới đầm ấm của họ tại ngôi nhà 3 gian trên đường Phan Văn Hớn, quận 12, TP.HCM.
Không chọn phong cách đám cưới hiện đại như cách của nhiều người ưa chuộng thời gian qua, chị Vân Nam muốn quay ngược thời gian, thời cách đây vài chục năm, lúc đám cưới ba mẹ mình. Căn nhà giữ nguyên kiến trúc được xây dựng từ những năm 80 thế kỷ trước được bài trí với sắc màu chủ đạo là đỏ và vàng cam, từ tờ giấy gói hoa tới khăn trải bàn, phông rạp cũng là những họa tiết được chuộng từ vài thập niên trước, các phụ kiện đi kèm cũng gợi nhớ những năm tháng xưa như chiếc đèn dầu, ấm tích đựng nước trà trong chiếc hộp gỗ…
Căn nhà 3 gian ở Sài Gòn trong ngày cưới P.H.P
Nhà chị Vân Nam được bài trí đơn giản nhưng ấn tượng P.H.P
Bình nước trong hộp gỗ...
Bó hoa cưới cổ điển P.H.P
Chị Vân Nam chia sẻ: “Căn nhà là nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi muốn lưu lại những ký ức đẹp từ thời còn nhỏ cho đến lớn lên, trưởng thành rồi lấy chồng. Để làm đám cưới theo hơi hướng cổ điển này, vợ chồng chúng tôi phải chuẩn bị gần một năm, từ lúc lên ý tưởng rồi chọn cách trang trí, tìm người làm trang trí cho phù hợp với tiêu chí, ý tưởng và mong muốn của mình. Rồi lựa chọn cả váy cưới, chụp hình trước và trong ngày cưới. Chúng tôi đều sống ở nước ngoài, gần như tất cả mọi việc chỉ làm việc qua mail hoặc tin nhắn trên mạng”.
Cha mẹ chị Vân Nam là những người xúc động hơn cả trong đám cưới của con gái, bởi họ như đang được đi ngược thời gian 27 năm về trước, tham dự lễ cưới của chính mình. “Gia đình, bạn bè ai cũng khen trang trí đẹp xuất sắc, cách bài trí rất hợp với nhà 3 gian của bà ngoại tôi, bố mẹ tôi rưng rưng. Tôi biết, cách trang trí này còn nhiều thiếu sót, nhưng nó cũng tái hiện một phần nào hơi thở của ngày xưa”, chị Vân Nam nói.
Cũng chọn phong cách “ông bà anh” khi làm tiệc cưới, vợ chồng anh Trần Hoàng Lân, cô dâu Lê Nguyễn Đông Nghi (hiện sinh sống tại Mỹ) vừa có một đám cưới ấm cúng tại một nhà hàng tại TP.HCM.
Cô dâu Đông Nghi mặc áo dài đỏ trong ngày cưới P.H.P
Cố gắng đưa không khí của Sài Gòn những năm 1960 vào không gian tiệc cưới thông qua màu sắc hoa tươi, cách trải khăn, cắm hoa, cả tà áo dài màu đỏ với chiếc mấn đỏ đội đầu của cô dâu thay cho áo cưới màu trắng từ phương Tây, đám cưới của Lê Nguyễn Đông Nghi đã khiến người tới dự bồi hồi xúc động.
“Đúng bó hoa cưới của ngày xưa, nó giản đơn thế này thôi, hoa lay ơn người ta rất chuộng trong ngày thành hôn của đôi trẻ. Nhất định phải có hình đôi chim câu cắt bằng giấy hoặc xốp”, ông Vũ Văn Bằng, 62 tuổi, trú đường Nguyễn Duy, quận 8, TP.HCM nhìn những bức ảnh đám cưới phong cách xưa rồi trầm ngâm.
Anh Phạm Hà Phú, chuyên gia hoa cưới, bài trí tiệc cưới tại TP.HCM, nhìn nhận hiện có một trào lưu người trẻ làm đám cưới hơi hướng cổ điển. Theo anh Phú, những đám cưới hoài cổ như thế này chắc chắn không thể tái hiện 100% đám cưới xưa, từ phông rạp, phụ kiện, trang phục, món ăn đãi khách…, tuy nhiên nhìn theo hướng tích cực, người trẻ vẫn nhớ về quá khứ. "Những đám cưới như thế này không quá cầu kỳ về khâu tổ chức, "cây nhà lá vườn", tôn trọng những gì trong nhà sẵn có, bỏ công một chút cắt đôi chim bồ câu hay đôi nến bằng xốp, hay giấy...", anh Phú cho hay.
“Khi cuộc sống càng hiện đại, tất cả mọi thứ tìm kiếm quá dễ dàng trên internet, con người càng sống nhanh hơn, gấp hơn. Trong dòng chảy đó, có những người trẻ nhớ về quá khứ, thời của ông bà, cha mẹ mình. Mọi thứ thật bình dị nhưng vẫn hạnh phúc cho đến bây giờ. Đây cũng là một cách giới trẻ hôm nay thể hiện tình cảm với đấng sinh thành của mình. Người lớn tuổi đi dự đám cưới như được sống lại thời thanh xuân của mình, ngày xưa mình đã từng như thế này. Còn người trẻ thấy thích thú và lạ mắt, họ cảm nhận được giá trị văn hóa dân tộc, gợi nhớ nguồn cội, có trước có sau, có quá khứ mới có ngày hôm nay”, anh Phạm Hà Phú nói.
Cắt dán thủ công những phụ kiện trang trí đám cưới P.H.P
Lọ hoa, khăn trải bàn, chiếc đèn dầu đi kèm cũng gợi màu xưa cũ P.H.P
Theo anh Phú, dù là đám cưới tổ chức theo phong cách nào, cổ xưa hay hiện đại, châu Âu hay thuần túy Việt Nam nó cũng chỉ là vẻ bề ngoài, quan trọng nhất là tình yêu, sự gắn kết lâu dài của cô dâu chú rể trong tương lai: “Nghĩa tình vợ chồng, đạo nghĩa con cái vẫn ở đó và trường tồn theo thời gian. Không cần phải triệu đóa hồng hay trăm viên đá pha lê mới minh chứng được tình yêu”.
Họa sĩ Nguyễn Trà Vinh thì cho rằng, cách làm đám cưới hoài cổ của nhiều bạn trẻ hôm nay cũng là một cách đi tìm cái mới, lạ, giống như “đi mãi một con đường thì thấy chán, cần tìm ngã rẽ, nếu ngã rẽ không được thì quay về tìm về cái cũ, cái hoài niệm để có cảm giác thay đổi trong cái nhìn”.
Họa sĩ cho rằng nếu người trẻ muốn nhớ về thời ông bà, cha mẹ mình để tri ân trong ngày cưới cũng là rất tốt, tuy nhiên, “các bạn trẻ cần tìm hiểu nghiên cứu kỹ tất cả mọi điều, tránh làm na ná ngày xưa, nhưng có cái sai lệch”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.