Cuối năm, "kiểng chuột" có người đặt hết rồi
Trên đường về Bến Tre trong những ngày cuối năm, bất ngờ chúng tôi bắt gặp hình ảnh những chú chuột được làm từ cây tắc cùng đôi tai to màu vàng bên đường. Dừng xe, chúng tôi đến hỏi, thì nhận ngay câu nói với vẻ mặt hớn hở của anh Huỳnh Văn Thanh, 31 tuổi, ngụ huyện Chợ Lách, Bến Tre: “Mấy con chuột này có người đặt hết rồi”.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Huỳnh Văn Thanh cho biết công việc chính là trồng cây xanh, nhưng muốn kiếm tiền thêm ngày tết nên tập tành làm mấy con chuột này. Năm ngoái cũng có làm hình con heo, thấy bán chạy quá nên năm nay quyết tâm làm tiếp.
|
“Năm nay mình chỉ làm 20 con thôi nhưng cũng cực lắm, may mắn được khách hàng thích và mua hết rồi, khoảng 2 tuần nữa họ đến lấy”, anh Thanh cho biết.
Những cây tắc hình chú chuột của anh Thanh cao từ 1,2 m đến 1,5 m, với giá 2 triệu đồng mỗi con. Anh Thanh tâm sự khâu khó nhất là làm khung sườn, lúc đầu mình tạo không có giống hình con chuột, phải mất nhiều thời gian uốn nắn lại mới ra được.
“Để tạo ra kiểng hình chuột từ cây tắc, mình phải mất cả năm để chăm sóc cây. Cây cho trái càng nhiều, chín đều vào dịp tết thì mới hiệu quả, khâu ghép khung cũng rất công phu, phải ghép sao cho trái tắc được đưa ra ngoài. Và để sản phẩm đẹp và có hồn đòi hỏi kỹ thuật uốn khung phải mền mại và cẩn thận”, anh Thanh chia sẻ.
Được ba mẹ trả công
Có mặt tại khu vực làng hoa Cái Mơn, ấp Lân Đông, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre trong những ngày cuối năm. Chúng tôi ngỡ ngàng bởi sắc hoa giấy phủ đỏ hai bên đường, kéo dài hàng cây số. Không những thế, trong những năm gần đây nhiều hộ dân đã “lai” màu hoa giấy với nhau để tạo nên nhiều màu sắc khác lạ. Nhà nhà, người người tại làng hoa đang tất bật trong những ngày cận tết.
|
Chiếc xe lôi chở hoa giấy vừa dừng lại, Trần Vĩnh Hảo, 21 tuổi, sinh viên năm 3 Trường CĐ Công Thương TP.HCM chạy đến khiêng từng chậu hoa giấy xuống phụ gia đình. Vĩnh Hảo cho biết em mới thi học kỳ xong là chạy về quê phụ giúp gia đình.
|
“Mấy năm trước ở Sài Gòn, em chạy xe công nghệ để kiếm thêm thu nhập ăn tết, nhưng năm nay em thấy ba mẹ làm cực quá nên quyết định về quê. Làm vậy thôi chứ em cũng được ba mẹ trả công nữa đó”, Hảo tâm sự.
|
Kế bên nhà Vĩnh Hảo là anh Phạm Văn Vũ, 42 tuổi, đang tưới nước cho những chậu hoa giấy nở rộ. Anh Vũ cho biết, để cho hoa ra nhiều và đẹp mấy ngày nay phải bón phân tưới nước đều đặn. Nếu dịp Tết Canh Tý này bán được 1.000 chậu cây sẽ thu về tiền lãi gần 30 triệu đồng.
“Đa số người mua chuộng cây hoa giấy 'lai' nhiều màu khác nhau như hồng với trắng, đỏ với cam....Thường bên mình sẽ bỏ sỉ với giá 600.000 đồng cho chậu hoa cao gần 1 m, còn chậu cao 1,8 m là giá đến 1 triệu đồng. Đến 23 âm lịch, người dân địa phương mới bắt đầu đi mua lẻ để về nhà chưng tết”.
|
Cũng là nông dân trồng hoa giấy lâu năm, anh Trần Thanh Phương, 37 tuổi, ngụ huyện Chợ Lách, Bến Tre, cho biết năm nay hoa giấy có hiện tượng nở sớm hơn năm trước 7 ngày, nếu thời tiết nắng và không mưa như thế thì đến tết hoa giấy sẽ nở hết, nhìn rất đẹp.
“Đối với cây hoa giấy có thể cái tên hay phong thủy thua cây lan, nhưng về độ sắc nét, trưng bày hay sức sống của nó thì không hề thua cây hoa lan chút nào...”, anh Phương chia sẻ.
|
Trong khi đó, Ngô Thừa Nhung, học sinh lớp 10, Trường THPT Ngô Văn Cấn, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre đang cho từng nắm xơ dừa vào chậu hoa vạn thọ.
“Hiện tại bài vở cũng ít nên em có thời gian phụ gia đình, mấy chậu vạn thọ này gần tết nó mới nở, giờ nở sớm là tới đó bán không được. Nếu mua cây vạn thọ về, nên để trong mát, tưới mỗi buổi sáng với lượng nước vừa phải, tưới nhiều quá cây sẽ bị úng”, Nhung chia sẻ trong ngày cuối năm dương lịch.
Bình luận (0)