Đi khắp châu Âu, về tới Việt Nam “cảm thấy cực kỳ an toàn”
Mới đây nhất, anh Lương Trọng Nghĩa (đại diện cho rất nhiều gương mặt trong giới showbiz) đã lên tiếng cảm ơn các y bác sĩ và những người quan tâm tới mình, ngay sau khi anh Nghĩa từ châu Âu trở về và thực hiện cách ly nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng giữa dịch Covid-19.
Nghĩa cho biết: “Ngày 1.3.2020, mình xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay của Singapore airlines, đến Paris sáng 2.3. Mình đã ở tại Paris đến sáng 4.3 rồi bay đi Budapest (Hungary). Ngày 7.3 mình đi từ Budapest qua Praha (Cộng hòa Czech) bằng ô tô. Ngày 9.3 mình bay từ Praha về Paris chuyển máy bay để về Sài Gòn và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 18 giờ ngày 10.3. Dù kiểm tra y tế tại sân bay, nhiệt độ cơ thể 36,1 độ nhưng vẫn về nhà tự cách ly theo đúng quy định của pháp luật”.
Đi qua nhiều nước châu Âu trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, Nghĩa nhìn nhận: “Đi châu Âu mới thấy không ở đâu chiến lược phòng chống dịch bệnh tốt và yên tâm như ở nước mình, thậm chí chữa bệnh còn miễn phí, người cách ly được chăm sóc chu đáo. Thú thực, khi hạ cánh Tân Sơn Nhất là mình cảm thấy cực kỳ an toàn. Những bạn đi về từ vùng dịch bệnh không nên bi quan và hoảng sợ, hãy hợp tác khai báo và cách ly nếu như mình có nguy cơ tiềm ẩn, không chỉ bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ gia đình, người thân cũng như toàn xã hội”.
Ngô Tuấn Hưng, đang học ngành công nghệ phần mềm tại Trường ĐH Bordeaux (Pháp) cũng cho rằng sau hơn 2 tháng xảy ra dịch Covid-19 tại Trung Quốc rồi lan ra khắp các quốc gia và gần đây là châu Âu, Hưng thấy Việt Nam phòng chống dịch rất hiệu quả: “Em hàng ngày liên hệ với ba mẹ ở nhà, ba mẹ kể vài ngày hoặc có khi mỗi ngày lại nhận được tin nhắn của Bộ Y tế nhắc nhở, khuyến cáo cách phòng chống dịch. Ngoài ra, bất cứ trường hợp nào bị nhiễm đều có hệ thống chống dịch lập tức khoanh vùng, liên lạc với những người liên quan để cách ly…”.
Quyết liệt, kịp thời nên hiệu quả
Theo Hưng, nhờ sự kịp thời và quyết liệt nên dù rất gần Trung Quốc, số người nhiễm của Việt Nam vẫn thua các nước như Hàn, Ý, Iran… “Mấy ngày nay em cũng tìm đọc rất nhiều thông tin về hệ thống phòng dịch của Việt Nam để trả lời cho câu hỏi vì sao nước ta nhỏ bé, cơ sở vật chất thiếu thốn vậy mà lại không bị bùng nổ dịch. Thì ra chúng ta đã có kinh nghiệm chiến thắng các dịch bệnh trước đó như SARS, cúm H5N1… Quan trọng hơn là Chính phủ và người dân rất đồng lòng. Hệ thống y tế dự phòng tốt, người dân được tuyên truyền thường xuyên và được quan tâm rất nhiều. Bản thân em cảm thấy rất tự hào về điều này và khoe với nhiều bạn bè quốc tế. Họ cũng bày tỏ sự nể phục đối với Việt Nam”, Hưng chia sẻ thêm.
Nguyễn Mai Thanh, du học sinh Trường ĐH Nam California (Los Angeles, Mỹ) đánh giá Việt Nam đã rất nhanh chóng phòng dịch ngay từ đầu, không chủ quan như một số nước. “Toàn bộ học sinh và sinh viên đã được nghỉ học, người dân được khuyến cáo không tụ tập, không tới nơi đông người. Nhiều hoạt động giải trí cũng như tập hợp đông người đều được hủy bỏ. Em nghĩ đó cũng là một trong những lý do Việt Nam không bị bùng phát dịch, hiện nay có xuất hiện nhiều ca mới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát”, Mai Thanh nhận định.
Đối với Hoàng Thúy Hân, du học sinh Trường ĐH Daegu, TP.Daegu, Hàn Quốc, nơi hơn hai tuần trước bùng phát dịch làm Hàn Quốc mất kiểm soát, thì Việt Nam còn “ghi điểm” với thế giới trong phòng chống dịch vì đã nghiên cứu và sản xuất ra kit phát hiện visus corona chủng mới. “Em thực sự ngưỡng mộ”, Hân bày tỏ.
Trong khi đó, Nguyễn Thu Hương (đang sống tại TP.Milano, Ý) ca ngợi Việt Nam hoàn toàn chủ động kiểm soát dịch, không chủ quan, cũng không “làm quá” khiến người dân hoang mang. “Người châu Âu coi dịch Covid-19 như cúm mùa, nên lúc đầu họ khá thờ ơ, không có các biện pháp phòng chống như tuyền truyền nhau đeo khẩu trang, rửa tay, tránh tụ tập… Hậu quả là bây giờ đã mất kiểm soát. Rất nhiều bạn bè của mình bên này khi nghe mình kể về Việt Nam, đều thể hiện sự nể phục”, Thu Hương cho hay.
Bình luận (0)