Những ngày gần đây, thời tiết TP.HCM thay đổi thất thường, có những lúc trời đang nóng như đổ lửa thì sau đó lại xuất hiện những cơn mưa xối xả, khiến cơ thể không kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột, ảnh hưởng không tốt đến tình trạng sức khỏe.
Để thích nghi với thời tiết hiện tại, nhiều người trẻ đã chú ý tăng cường sức đề kháng của mình bằng việc có chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thể thao..., cũng như có những mẹo hữu ích để tránh mắc bệnh.
|
"Không nên để bữa ăn lệch về một nhóm chất nào đó"
Mai Nguyễn Bảo Hân, sinh viên năm cuối Trường ĐH Y dược Cần Thơ, cho biết trong thời điểm giao mùa này, chúng ta có khả năng cao mắc các bệnh lý về hô hấp, tiêu hoá và các bệnh lý liên quan đến miễn dịch khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ví dụ như: thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, biến tính gây độc cho cơ thể, sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ và thời tiết, sự xuất hiện của nhiều vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng thông qua điều kiện thích hợp, nếu bản thân đã từng mắc các bệnh lý dị ứng, hoặc hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả thì khả năng mắc bệnh lại càng gia tăng.
|
Theo Bảo Hân nếu giữ một chế độ ăn uống cân bằng thường ngày thì có thể hạn chế được bệnh tật vào thời điểm giao mùa: “Chúng ta nên giữ một chế độ ăn đủ các nhóm chất với lượng tùy theo lứa tuổi và nhu cầu. Đặc biệt, không nên để bữa ăn bị lệch về một nhóm chất nào đó, đảm bảo đủ các nhóm chính như protid, lipid, glucid và các nhóm vi lượng khác và uống đủ nước”.
Bảo Hân cũng cho biết, cần bổ sung đủ các loại vitamin trong bữa ăn hằng ngày. “Vitamin A có vai trò rất quan trọng đối với hệ miễn dịch, giúp tuyến bã nhờn hoạt động ổn định, tăng khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, có nhiều trong quả gấc, rau ngót, gan gà, ... Vitamin C hỗ trợ sự hoạt động của hệ miễn dịch, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của lympho T và bạch cầu có nhiều trong ổi, trái cây họ cam bưởi, cherry,… Vitamin nhóm B, nổi trội là B9 và B6, nếu cơ thể thiếu hụt B9 thì sẽ làm chậm quá trình sản xuất tế bào miễn dịch, loại này có nhiều trong họ đậu, gạo, mè, ... Các khoáng chất cũng cần được bổ sung như sắt cần thiết cho quá trình tổng hợp ADN và quá trình phân bào. Sắt có trong cua đồng, rau dền đỏ, một số loại nấm,…” Bảo Hân nói.
Duy trì thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày
Là một vận động viên cầu lông không chuyên, từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Bình Dương, Nguyễn Chí Thông (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết để giữ một sức khỏe tốt trong thời gian giao mùa thì ngoài ăn uống, còn phụ thuộc vào chế độ tập luyện thể dục thể thao một cách điều độ và hợp lý.
|
"Nên chọn một bộ môn thể thao bạn yêu thích và tập nó đều đặn phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân, tránh tình trạng tập luyện quá sức. Nên duy trì hoạt động thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp bạn tăng sức đề kháng cho cơ thể, giảm căng thẳng, suy nghĩ tích cực hơn. Trong quá trình tập luyện nên chọn cho mình một không gian thoáng mát, ít người, tránh đeo khẩu trang trong lúc tập thể thao vì có thể ảnh hưởng đến việc hô hấp và vệ sinh khi mồ hôi đọng lại”, Chí Thông cho biết.
Xa gia đình từ khi lên đại học, Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, luôn chú tâm tới tình trạng sức khỏe của mình để hạn chế bị bệnh, ảnh hưởng đến việc học tập, đặc biệt là những ngày nắng mưa thất thường. ”Mỗi lúc bị mắc mưa, mình vệ sinh sạch sẽ tay chân bằng xà phòng, lau khô người và tắm lại với nước ấm sau đó. Ngoài ra mình dùng những biện pháp dân gian như trà gừng,…để làm ấm cơ thể từ bên trong”, Thùy Trang chia sẻ.
Bình luận (0)