Người trẻ trong vòng xoáy 'tín dụng đen': Phận... đòi nợ thuê

29/07/2018 21:20 GMT+7

Những người vay nóng thì bị nhấn chìm trong vòng xoáy nợ nần. Còn những người đòi nợ thuê thì ta thán cuộc sống như... cu li và đối diện với tương lai xám xịt.

Hết nghề nên đi... đòi nợ thuê
Trong câu chuyện của người trẻ bị nhấn chìm trong vòng xoáy "tín dụng đen", thì những người đòi nợ thuê chính là trung gian giữa người cho vay và người vay.
Trần Minh T., (22 tuổi, quê ở H.Thủy Nguyên, Hải Phòng) bỏ học từ năm lớp 9. Không chấp nhận cuộc sống ở quê, T. quyết định lang bạt khắp nơi để tìm kế sinh nhai. "Cách đây nửa năm, có ông anh cùng quê đang ở TP.HCM gọi điện thoại kêu vô làm cùng với mức lương khá cao. Thế là tôi vào đây làm. Công việc là... đi đòi nợ thuê".
T. cho biết "ông anh" mở tiệm cầm đồ trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình, TP.HCM), tuy nhiên hoạt động chính là cho vay nặng lãi. Dưới trướng "ông anh" này là gần 20 thanh niên ở khắp nơi, nhiều nhất là cùng quê Hải Phòng.
Theo T., công việc của T. và những thanh niên đó là... đi đòi nợ thuê. Hàng ngày, sau những chầu nhậu, ngủ, đánh bài... thì đến 3 giờ chiều, cả nhóm tỏa ra khắp các hướng, đến địa chỉ nhà những người vay để thu tiền họ (tiền góp hàng ngày). "Có những người vay nộp tiền qua tài khoản thì chúng tôi có nhiệm vụ đi rút tiền về nộp lại cho "ông anh". Mà thường thì đi đến từng nhà, hoặc đến công ty của người vay để thu. Mỗi đứa phụ trách một địa bàn, thường là một quận để thu. Bên tôi cho vay hầu hết các quận huyện, nên đến khoảng 8, 9 giờ tối mới xong. Sau khi nộp lại cho "ông anh" thì chơi bời, nhậu nhẹt, ngủ nghỉ".
T. cho biết, mức lương mà T. nhận được là 15 triệu đồng mỗi tháng. "Tùy đứa vào làm lâu hay mới làm mà có mức lương khác nhau. Chưa kể, nếu kiếm được mối vay thì sẽ được nhận tiền "cắt cò" 10% mỗi khoản vay", T. nói.
Chính điều này, T. và các "đồng nghiệp" của mình thường xuyên sử dụng Facebook, Zalo  đăng tải thông tin: "Cho vay", "Hỗ trợ tài chính"... để tìm khách. Khi có người có nhu cầu vay liên hệ, T. lập tức liên lạc để chèo kéo, thỏa thuận cho vay. "Như kiếm được mối vay 20 triệu. Thì mình nhận được khoản "cắt cò" 10% là 2 triệu, mà khoản tiền này mình hay nói với khách là tiền cà phê, thuốc lá, điện thoại...", T. kể.
Hiện ở TP.HCM, hoạt động cho vay nặng lãi diễn ra khá công khai. Bằng chứng là trên khắp các nẻo đường, ngõ hẻm, xuất hiện vô số giấy dán thông báo cho vay kèm theo số điện thoại. Theo tìm hiểu của người viết, dưới trướng mỗi chủ vay, có hàng chục đàn em chuyên đi đòi nợ thuê.
"Chỗ "công ty" tôi làm có 14 đứa như tôi. Mỗi tháng, tùy đứa mà có lương chục củ (10 triệu đồng) trở lên. Công việc là khi có người liên hệ muốn vay, tụi tôi đi xác minh coi nhà cửa, công ty, xem các loại giấy tờ. Sau đó đưa họ ký hợp đồng vay, đưa tiền cho họ, và hàng ngày, cứ tới giờ chiều là tụi tôi đi thu tiền vay góp. Công việc chỉ có vậy", Nguyễn Văn K., (25 tuổi, quê ở H.Kim Thành, Hải Dương), cho biết.
K. kể đã vào "nghề" đòi nợ thuê được 2 năm. "Học hành chả đâu ra đâu. Ở quê thì chẳng có tiền xài. Nên thấy mấy người anh vô TP.HCM làm "việc nhẹ lương cao" nên cũng vô xin làm. Việc nhẹ lương cao ấy chính là đi đòi nợ thuê, thu tiền góp hàng ngày đó", K. nói. Tôi hỏi sao có bao nhiêu nghề không làm lại làm nghề... đòi nợ thuê? K. chửi thề rồi nói ngắn gọn: "Chắc do hết nghề. Do mình ngu quá nên làm nghề này thôi".
Chấp nhận vay nóng thì tương lai xám xịt, khó đoán định (ẢNH: X.P)
Đầy tớ, cu li ?
K. cho biết ở TP.HCM hiện tại có rất đông người làm nghề giống mình, tức là đi thu tiền góp, đòi nợ thuê hàng ngày. "Cứ chiều chiều, tôi ra đường, nhìn cái là biết ai là "đồng nghiệp" liền.Vì giờ chiều là lúc mà giới thu tiền góp, đòi nợ thuê như tôi mới... làm việc", K. kể.
K. nói, để được "thu nạp" trở thành "đệ tử" làm nghề đòi nợ thuê không phải ai cũng có thể làm. "Tướng tá gương mặt phải bợm trợn, phải khiến người khác nhìn là sợ. Có như vậy mới dễ hù dọa những người vay tiền phải trả tiền đúng hẹn, không chây ì", K. kể rồi vén áo lên khoe khắp người là những vằn vện hình xăm. "Thằng nào làm cái nghề đòi nợ thuê, thu tiền góp này cũng xăm cả. Tôi nói thật đấy. Vì có hình xăm mới thể hiện "chất" giang hồ, khiến người vay sợ được".
Thế nhưng như K. nói: "Chỉ có thể thể hiện chất "liều", bợm trợn với những người vay tiền, nợ tiền, chứ với những "ông chủ" thì chúng tôi chẳng khác nào những kẻ đầy tớ, cu li".
K. giải thích: "Trong câu chuyện vay nóng "tín dụng đen" này, chỉ có người vay là suốt đời khổ và thiếu nợ, và chỉ có những người cho vay nặng lãi thì suốt đời giàu, ngày càng giàu lên bởi mức lãi suất cắt cổ. Còn tụi tôi, những thằng đi đòi nợ thuê, thực ra cũng là những thằng làm công ăn lương. Cũng bị "áp lực" phải đòi tiền cho bằng được. Nếu khách (người vay tiền) chây ì, không trả, hoặc không có tiền trả, khiến chúng tôi không thu được tiền về nộp cho "ông chủ" thì cũng trầy vi tróc vảy, bị chửi rủa, bị trừ tiền lương, bị cắt giảm mọi khoản chi tiêu".
Lê Xuân Th. (28 tuổi, quê ở H.An Dương, Hải Phòng), làm nghề thu tiền góp, đòi nợ thuê cho các chủ cho vay nặng lãi được 3 năm, cho biết: "Thường thì mỗi đứa phụ trách một quận, cứ theo địa chỉ mà đến thu tiền. Nhưng lỡ họ không có nhà, gọi điện thoại họ không nghe máy hoặc không thể liên lạc được thì chắc chắn về bị "ông chủ", "bà chủ" chửi như... chó. Với "ông chủ", "bà chủ", không cần quan tâm khách có chuyện gì, chỉ quan tâm phải đem tiền cho họ. Nếu không thu được tiền thì phải tự lấy tiền túi ra ứng nộp, rồi hôm sau tự nghĩ cách đòi người vay tiền cho bằng được. Đấy, tưởng dân đòi nợ thuê, thu tiền góp oách lắm, nhưng thực ra nhục vô cùng". 
Tương lai xám xịt
Võ Trương H. (31 tuổi, quê ở H.Vĩnh Bảo, Hải Phòng), cho biết từng làm nghề buôn bám sim điện thoại ở Hà Nội. Nhưng vì thu nhập không cao nên quyết định "đổi nghề", vô TP.HCM, xin các "đàn anh" đang hành nghề cho vay nặng lãi đồng ý nhận làm "đệ tử" để đi thu tiền góp hàng ngày.
"Lúc xin làm, thấy cái nghề này nhàn hạ, trông cũng oách phết, nói lời nào là người vay tiền rúm người nghe theo. Nhưng hai năm làm cái nghề này, thấy mình "tạo nghiệp" nhiều quá", H. kể rồi thú thật: "Chắc cũng vài chục lần đập người ta, đánh người ta vì họ không có tiền đóng tiền góp ngày. Nhưng khi đã đánh cho họ lòi ra tiền, đem về nộp cho "chủ" xong thì mới thấy cắn rứt lương tâm". Mặc dù vậy, hàng chục lần đã cắn rứt lương tâm, nhưng H. vẫn hàng chiều đi thu tiền góp, đòi nợ thuê, gặp người vay tiền không có tiền trả, H. sẵn sàng vùi dập họ bằng những câu chửi thề mạt sát, thậm chí đánh đập... H. cho rằng: "Vì đó là cái nghề đang làm. Nên phải làm mọi cách để có được đồng tiền lương" (!?)
Trần Minh T. cho biết có lúc muốn ngừng cái nghề "không đâu ra đâu", chỉ là "thằng giang hồ đòi nợ thuê" này nhưng chẳng được. "Với hình xăm chi chít trên người, đố công ty nào dám nhận tôi. Với cái "máu nóng" trong người, cả cái thói quen ăn nhậu, đi bar, rồi đi thu tiền...  nửa năm nay, thì bắt đầu với công việc khác là không thể", T. kể.
T. cũng cho biết đã có những "đồng nghiệp" của mình đã vướng vòng lao lý, phạm tội cố ý gây thương tích trong quá trình đi đòi nợ thuê. "Chả biết tương lai của tôi thế nào. Vì làm cái nghề này thì chuyện "ở tù" chắc là sớm hay muộn mà thôi. Mà thôi, chả kể nữa, càng kể càng thấy tương lai u ám"., T. nói.
H. bảo suốt thời gian đi đòi nợ thuê, thu tiền góp, có một kỷ niệm mà khi nghĩ đến H. rất ân hận. "Đó là lần đá vào mặt một người chồng trước mặt vợ và hai con họ. Nhìn những đứa trẻ tội nghiệp khóc ré lên khi thấy cha mình bị đánh, nó ám ảnh tôi. Nhưng....", H. bỏ lỡ câu nói.
K. thì kể chuyện bố mẹ ở quê Kim Thành hay gọi điện thoại vào hỏi làm ăn thế nào, công việc có ổn định hay không... và khuyên đừng làm chuyện gì vi phạm pháp luật. Nhưng K. luôn giấu cái nghề mình đang làm. "Nhưng người yêu tôi, cũng đang ở TP.HCM thì biết. Người yêu tôi hay bảo "đừng đi đòi nợ thuê như thế nữa, ác lắm. Bỏ nghề đó đi để tích đức. Nhưng mà tôi chưa làm được", K. tâm sự.
Vay nóng là... nợ suốt đời
Theo Trần Minh T.,suốt thời gian đi thu tiền góp, đòi nợ thuê, đã chứng kiến nhiều người tán gia bại sản chỉ vì dính vào vay nặng lãi. "Đã vay với lãi suất cắt cổ, mà lỡ vay số tiền cao, như 50 triệu, 100 triệu trở lên thì suốt đời nợ chứ không bao giờ thoát nợ. Bởi vì vay 50 triệu, phải trả đến khoảng 65 triệu, mỗi ngày phải trả khoảng 2,5 triệu thì "đào" đâu ra? Khi đó bắt buộc người vay phải "đáo dây" (vay lại). Cứ thế, cái vòng nợ cứ luẩn quẩn. Tôi có người "khách", vay ban đầu 20 triệu, nhưng trả gần 200 triệu vẫn chưa xong nợ, cũng vì liên tục "đáo dây" như thế.
Đừng mơ trốn nợ
K. cho biết sở dĩ nhiều người bị dính vào vay nặng lãi, rồi bị nhấn chìm trong nợ nần, bởi cho vay nặng lãi có thủ tục đơn giản, không đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp.
"Chỉ cần đưa giấy tờ ra cho tụi tôi xem, tụi tôi lướt qua cái nhà họ đang ở, cái công ty họ đang làm, cái trường họ đang học là tụi tôi "bung tiền" ra ngay. Có người có ý định vay rồi trốn, nhưng nói thiệt, đừng mơ trốn nợ khi đã vay nặng lãi, chẳng trốn đâu để thoát được cả. Trốn ở đâu thì tụi tôi cũng tìm ra. Mà tìm người vay không ra, thì về quê của họ tìm người thân và đòi tiền cho bằng được. Lỡ người thân họ cũng chây ì thì đưa hết hình ảnh lên mạng xã hội, in ra giấy dán khắp trường, khắp công ty họ thì họ phải xuất hiện. Nói tóm lại, phải làm đủ mọi cách để thu được tiền", K. nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.