Người tử tế

17/10/2022 09:00 GMT+7

Trong chặng đời đã qua, tôi đã gặp rất nhiều tuýp người: người tử tế, người mưu mô, người gian dối, người đáng thương, kẻ tiểu nhân… Mỗi người đều mang lại cho tôi những trải nghiệm và cái nhìn đa dạng để có thể sống tốt hơn trong cuộc đời này.

Trong đó, có những con người đã khiến cho tôi thật sự khâm phục, thấy bản thân mình phải nỗ lực hơn, sống tốt đẹp hơn mỗi ngày. Họ là những người bị khiếm khuyết về ngoại hình nhưng lại có một tâm hồn vô cùng đẹp đẽ. Họ luôn vươn lên trong cuộc sống bằng nghị lực và niềm tin để trở thành những người tử tế. Tử tế với chính mình và tử tế với những người quanh họ…

Vợ chồng Tô Quân - Hà Trường trao quà cho hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện

tgcc

Tàn nhưng không phế

Tôi quen Hà Trường cách đây tròn chục năm, khi tôi lấy chồng và chuyển đến sống gần tiệm làm tóc của chị. Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt khả ái và giọng nói nhẹ nhàng là điểm thu hút đầu tiên khi khách lạ tìm đến. Thế nhưng, điều khiến mọi người tò mò lại chính là dáng đi tập tễnh của chị. Trên chiếc xe ba bánh đồng hành mỗi ngày, với một bên chân phải nẹp sắt, chị vẫn đều đặn đi làm để phục vụ khách hàng với nụ cười thường trực trên môi.

Dành nhiều thời gian tâm sự cùng chị, tôi càng khâm phục những nỗ lực phi thường trong cuộc sống không hề bình thường của chị. Từ nhỏ, với một bên chân bị liệt, mọi sinh hoạt đều diễn ra bằng cách bò lết trên nền đất. Nhà nghèo, Trường lại là con đầu trong gia đình có bốn chị em nên thật khó có thể hình dung được những khó khăn, bất tiện và thiệt thòi mà cuộc sống tật nguyền đem lại. Thương bố mẹ và các em, Trường nỗ lực rèn luyện để tự chăm sóc bản thân, giúp bố mẹ trông em và làm việc nhà. Hằng ngày, cô bé nhỏ nhắn ấy vẫn ngày hai buổi rong ruổi trên lưng trâu và cắt đầy hai bì cỏ mang về. Lớn lên, để Trường thuận tiện sinh hoạt, bố mẹ đã chắt bóp tiền lắp cho Trường chiếc nẹp chân. Cuộc sống từ đây mở sang trang mới, chị tận dụng hết thời gian làm việc: từ trông trẻ, thêu hoa, điêu khắc, đính đá. Dẫu khó khăn nhưng Trường luôn tự nhủ lòng phải kiên trì và cố gắng.

25 tuổi, Trường chuyển sang học nghề làm tóc. Người bình thường cố gắng một, Trường phải cố gắng gấp hai, ba lần. Những hôm trái gió trở trời, một bên chân đau nhức không đi lại được, Trường mới nghỉ ở nhà. Hai năm sau, tay nghề đã thành thạo, chị mở cho mình một tiệm tóc riêng với lượng khách nhất định.

Càng lớn, Trường càng đẹp, vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm thu hút không ít chàng trai theo đuổi. Nhưng, để tìm được một người đàn ông thật sự yêu thương và chấp nhận mình là điều khó. Bước sang tuổi 30, được gia đình động viên, Trường đã tìm người đàn ông tử tế để xin đứa con. May mắn, món quà mà thượng đế ban cho chị là cậu con trai kháu khỉnh. Làm mẹ đơn thân khi bị tật nguyền là một điều không hề dễ dàng, nhưng bằng tình yêu thương bao la của một người mẹ, mẹ con Trường đã vượt qua tất cả.

Hỗ trợ hoàn cảnh bố mất, để lại 3 con nhỏ cho người vợ không minh mẫn

tgcc

Những tưởng sóng gió đã qua, nhưng… cuộc đời đã thử thách chị thêm lần nữa. Con trai tròn 18 tháng thì phát hiện dị tật tim bẩm sinh, thường xuyên nôn ói và khó thở. Không cam tâm, Trường ôm con đi hết bệnh viện từ Nam ra Bắc để rồi ngậm ngùi nhận cùng một kết quả. Từ đây, hành trình chữa bệnh cho con lại tiếp tục thử thách người phụ nữ nhỏ bé. Trường đã chạy vạy, vay mượn khắp nơi để làm phẫu thuật cho con. Thương Trường, có những vị khách quen thậm chí đã mang cả vàng cưới cho Trường mượn bán. Những mối thâm tình ấy, Trường luôn mãi khắc ghi trong lòng.

11 năm trôi qua, cậu con trai bé bỏng ngày nào giờ đã tốt nghiệp cấp I với học lực loại giỏi. Dẫu mang trong mình di chứng của căn bệnh tim bẩm sinh, thường xuyên khó thở nhưng cậu bé Nguyễn Hoàng Long vẫn là học sinh giỏi dẫn đầu khối 5 của Trường Tiểu học Thạch Bình. Có lẽ đó là món quà quý giá mà trời đất đã ban cho người mẹ hiền hết lòng vì con.

Mối lương duyên trời định

Hà Trường đến với thế giới này với một bên chân tật nguyền nhưng chị không bao giờ cho phép mình gục ngã trước những thử thách mà cuộc sống mang lại, luôn nhìn đời bằng cái nhìn tích cực, thiện lương. Trường tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ người khuyết tật Hà Tĩnh và thường xuyên đi làm từ thiện khắp nơi. Chính tại đây, Trường đã gặp tình yêu đích thực của đời mình, đó là anh Tô Quân - chồng của Trường bấy giờ. Sự đồng điệu về hoàn cảnh và nghị lực sống, về khao khát vươn lên đã gắn bó hai con người ấy lại với nhau, để hai trái tim cùng hòa chung nhịp đập.

Không như Trường bị liệt từ nhỏ, Tô Quân có một tuổi thơ lành lặn như bao người khác. Thể rồi, năm 20 tuổi - cái tuổi trẻ đẹp nhất trong cuộc đời, Tô Quân đã mãi mãi phải ngồi xe lăn sau một tai nạn ngã xe. Để sống sót, anh phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, cắn răng chịu những cơn đau kinh hoàng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cú sốc tinh thần nặng nề khi bỗng dưng không còn đi lại được… tất cả những điều đó tưởng như nhấn chìm anh xuống đáy cùng cuộc sống trong nỗi tuyệt vọng cùng cực. Vậy mà, bằng nghị lực phi thường và khát khao sống mãnh liệt, anh không chỉ sống sót mà còn lựa chọn sống rất đẹp. Không đi lại được như người thường thì anh ngồi xe lăn. Không làm được các công việc nặng nhọc thì anh lựa chọn bán online hàng hải sản. Nhiệt huyết sống mãnh liệt vẫn rực cháy trong dòng máu của chàng thanh niên trẻ. Ngoài giờ làm việc, anh tích cực tham gia sinh hoạt câu lạc bộ người tàn tật tại Hà Tĩnh. Chính tại đây, anh đã gặp và nên duyên với Hà Trường. Thương Trường, yêu Trường bao nhiêu, anh càng yêu thương con trai Trường như chính con ruột của mình. Cảm động trước tấm chân tình của Quân, năm 2020, Hà Trường - Tô Quân chính thức về chung một nhà. Cũng từ đây, họ cùng chung tay viết nên những trang đời thật đẹp.

Hành trình làm thiện nguyện không mệt mỏi

Về chung một nhà, Trường và Quân đều ra sức chăm chỉ làm ăn, nuôi con khôn lớn và thường xuyên tìm đến với những mảnh đời bất hạnh. Ngoài việc làm từ thiện bằng tiền của hai vợ chồng, anh chị còn lên mạng kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ và mọi hoạt động đều được công khai trên facebook Tô Quân. Tin tưởng vào đạo đức, nhân cách sống của đôi bạn trẻ, rất nhiều người đã ủng hộ, nhờ đó đã cứu giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn bên bờ vực cuộc sống. Tổng số tiền mà Tô Quân đứng ra kêu gọi để giúp đỡ, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn tại Hà Tĩnh trong những năm qua lên đến xấp xỉ 300.000.000 đồng.

Tiêu biểu là trường hợp anh Nam ở Hương Khê, Hà Tĩnh bị tử vong trong lúc đi mò ốc, để lại ba đứa con nhỏ cho người vợ lú lẫn. Tô Quân đã đứng ra giúp đỡ và phối hợp cùng ba người nữa kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ gia đình các bé với số tiền lên đến 80.000.000 đồng.

Hay trường hợp anh Nguyễn Văn Định ở xã Hương Tân, Hương Khê, Hà Tĩnh, gia đình nghèo khó, anh mất không có tiền mai táng phí. Tô Quân đã đứng ra kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ số tiền mai táng phí gần 30.000.000đ.

Trao quà cho người già neo đơn

tgcc

Và còn rất nhiều mảnh đời cơ cực mà số phận đã không ưu ái cho họ có một cuộc sống bình an, mạnh khỏe như bao người khác mà vợ chồng Hà Trường - Tô Quân đã thường xuyên đi về, trở thành nguồn động viên, an ủi, chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất cho họ. Những cụ già neo đơn không nơi nương tựa, những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, những bệnh nhân tâm thần, những em bé bị bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa trị… họ đều coi vợ chồng Trường là người thân, là phao cứu sinh của họ. Và hơn cả, họ nhìn vào tấm gương, nghị lực vượt khó của hai vợ chồng để lấy đó làm động lực vươn lên sống tiếp, trở thành những con người tốt đẹp, sống có ích cho gia đình và xã hội. Hành trình “trao tình thương - gặt niềm vui” của đôi vợ chồng tật nguyền cứ thế đong đầy theo năm tháng, trở thành ngọn lửa thắp sáng của tình thương, niềm hy vọng, để người với người xích lại gần nhau hơn.

Yêu thương và trân quý biết bao tâm hồn cao đẹp ấy của Tô Quân - Hà Trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.