Người Việt ở Nhật Bản: Tết hạnh phúc nhất là về nhà sum họp cùng gia đình

28/01/2020 15:29 GMT+7

Gần 10 năm ăn Tết xa quê, chị Hương Trà cảm thấy may mắn vì có chồng, con bên cạnh giúp chị vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Dẫu vậy, thời khắc chuyển giao cận kề, chị lại thèm bốn chữ sum họp, đoàn viên.

Năm 2010, chị Đinh Thị Hương Trà (sinh năm 1984) sang Nhật theo học chương trình Thạc sĩ Medical Sciences (Khoa học Y học) tại Trường Đại học Tsukuba (thành phố Tsukuba, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản). Hiện tại, chị đang tiếp tục với vai trò nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại đây.
Năm nay, vừa tròn 10 năm chị xa quê hương theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. “Những ngày đầu sang Nhật, tôi cảm thấy cuộc sống đơn điệu và nỗi nhớ nhà da diết khôn nguôi. Vì thành phố Tsukuba được chính phủ Nhật quy hoạch là ‘Thành phố khoa học’, lại là phố núi nên dân cư thưa thớt, cây cối và rừng nhiều. Sau này dần ổn định và có thêm nhiều bạn bè thì cuộc sống dần quy củ và dễ chịu hơn”, chị Trà chia sẻ.
Tết Việt xứ người: Ngày trở về sum họp với gia đình là ngày hạnh phúc nhất1

Bữa ăn nơi xứ người vừa quen vừa lạ

Ảnh: NVCC

Trong chương trình học tập hay công tác nghiên cứu, chị sử dụng chủ yếu là tiếng Anh nên cơ hội học và thực hành tiếng Nhật không nhiều. Năm 2011, chị trải qua thảm họa động đất Tohoku kinh hoàng nhất trong lịch sử Nhật Bản.  
“Khi động đất xảy ra mình đang ở trong phòng làm thí nghiệm. Đây là lần đầu tiên trong đời mình trải nghiệm một trận động đất khủng khiếp như vậy. Mình nhớ lúc đó mình và các bạn trong phòng chạy ra cầu thang thoát hiểm, mặc dù tay nắm chặt cầu thang nhưng cảm thấy thực sự khủng khiếp, chóng mặt nhức đầu, bức tường và cầu thang xung quanh rung lắc dữ dội. Sau trận lớn nhất thì có rất nhiều dư chấn trong vài ngày kế tiếp, nhưng cách giải quyết hậu quả động đất hết sức bình tĩnh và chu đáo của người Nhật xung quanh mình làm mình cảm thấy yên tâm ít nhiều”, chị Trà nhớ lại ký ức kinh hoàng.
Gia đình và bạn bè là nguồn cổ vũ lớn với chị trong 10 năm lập nghiệp nơi đất khách. Môi trường làm việc, nghiên cứu và học tập ở Nhật rất khác với Việt Nam nên thời gian đầu chị gặp nhiều khó khăn để thích nghi. “Gặp trở ngại, mình lại tự động viên bản thân và nhắc nhớ lý do, mục tiêu mình đã đặt ra để cố gắng hết sức”, chị tâm sự.
Tết Việt xứ người: Ngày trở về sum họp với gia đình là ngày hạnh phúc nhất2

Hoạt động đón tết cổ truyền diễn ra thường niên tại thành phố Tsukuba

Ảnh: NVCC

Ngày sum họp mới là ngày hạnh phúc nhất

Người Nhật và người Việt có nhiều điểm chung trong phong tục ngày Tết. Hai dân tộc đều đề cao sự sum họp, đoàn viên trong thời khắc chuyển giao mới - cũ. “Mọi người trong gia đình dù đang học tập và làm việc ở đâu cũng tề tựu, sum họp cùng ông bà, cha mẹ. Cả gia đình trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị những món ăn Tết truyền thống. Người Nhật cũng đi chùa xin lộc đầu năm, cả xin xăm, xem chỉ tay và lì xì mừng tuổi cho con cháu trong nhà”, chị Trà cho biết.
Khác biệt lớn nhất là người Nhật đã bỏ Tết cổ truyền và đón năm mới theo lịch dương giống như các nước phương Tây.
Tết Việt xứ người: Ngày trở về sum họp với gia đình là ngày hạnh phúc nhất3

Gia đình chị Trà đang định cư tại thành phố Tsukuba (Nhật Bản)

Ảnh: NVCC

Thành phố Tsukuba có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và các trung tâm khoa học của nhiều quốc gia. Vào dịp tết, hầu hết cư dân thành phố đều trở về quê hương đón năm mới bên gia đình khiến nơi đây trở nên vắng vẻ, tẻ nhạt hơn ngày thường.
“Tết ở khu mình buồn lắm, ngoại trừ các trung tâm mua sắm đông đúc, còn lại thì khu vui chơi giải trí đa số đóng cửa và đường phố thì khá vắng vẻ”, chị nói.
Cộng đồng người Việt tại thành phố này khá đông, mỗi năm đều tổ chức ăn Tết truyền thống cùng nhau. Chị Hương Trà cho biết có năm số người Việt tham gia lên đến 100 người. Ai nấy đều hào hứng chuẩn bị những món ăn truyền thống, tổ chức văn nghệ, xúng xính áo dài và lì xì cho các bé. Đón Tết cùng đồng hương giúp chị vơi đi nỗi nhớ nhà.
Tết Việt xứ người: Ngày trở về sum họp với gia đình là ngày hạnh phúc nhất4

Chị Trà trong bộ Kimono, trang phục truyền thống của Nhật Bản

Ảnh: NVCC

Năm nào tham gia tiệc Tết, chị đều chuẩn bị áo dài cho bé lớn. Các bé sẽ tập hát bài Tết thiếu nhi cùng nhau, được học múa lân, đóng vai ông địa.
“Mình cũng cho bé gọi điện về Việt Nam chúc Tết ông bà, họ hàng. Bé nhà mình mặc dù được sinh ở Nhật nhưng nói rành tiếng Việt nên mỗi dịp Tết bé lại học thêm được nhiều từ ngữ mới và cả những bài hát Tết của thiếu nhi nên bé rất thích”, chị Trà vui vẻ nói.
Mặc dù vậy, trong tâm trí người con xa quê vẫn canh cánh một nỗi nhớ. Chị Trà nghẹn ngào chia sẻ: “Thú thật là trong 10 năm nay thì mình chỉ ăn Tết ở Việt Nam đúng 1 lần, vì vậy đối với mình nói riêng và những người Việt Nam sống xa quê nói chung thì dịp Tết nào mà bọn mình có thể về sắp xếp để về nhà sum họp cùng gia đình thì đó là ngày Tết hạnh phúc nhất”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.