Làm việc xuyên đêm
Nhớ năm ngoái, từ TP.HCM vác máy ảnh đi tận Chợ Lách viết phóng sự về không khí tấp nập của một trong hai làng hoa lớn nhất miền Tây. Đợt đó tôi còn chở ba theo, vì Bến Tre cũng là quê tôi. Ông nói tạt ngang nhà chở ông đi tham quan rồi lựa mua luôn vài chậu cúc to về để trước sân.
Mấy ngày cuối năm, một sáng dậy thấy trời lành lạnh. Mở điện thoại thấy ba nhắn tin: “Đợt này mày có về không, chở ba đi làng bông tiếp”. Đương ngái ngủ, bỗng giật mình thấy Tết lại về rồi, một năm mà qua lẹ ghê! Xong ngồi bật dậy, tỉnh ngủ, mới nhớ ra cũng vì Tết đến mà đêm qua thức tận 12 giờ đêm làm bài Tết chứ đâu!
Viết báo là phản ánh về cuộc đời, mà ngoài kia tất bật chạy Tết thì phóng viên cũng tất bật chạy theo. Những cuộc họp cuối năm, sếp hối rần rần: “Đẩy nhanh loạt “nỗi lo ngày Tết”! Các anh chị có lo lắng khi Tết đến không? Cả trăm nỗi lo ấy! Nên mỗi người 5 bài cho tôi!”. Một đồng nghiệp của tôi nửa đùa nửa thật: “Dạ có. Nỗi lo của em là sếp dí deadline sát... đít”.
Thế là những ngày cuối năm, cứ ở trong tâm thế Tết "dí". Đi phỏng vấn cả ngày, tối về cặm cụi viết bài tới khuya là chuyện thường! Phòng tắt đèn từ lâu, màn hình vẫn sáng đèn, tiếng bàn phím vẫn cứ cọc cạch. Mà nào phải có mình tôi, ngoái lại nhìn sau lưng, mấy thằng bạn ở trọ chung phòng vẫn căng mắt ra làm việc. Thỉnh thoảng, một thằng còn tay gõ, tay kia nghe điện thoại rồi rối rít: “Chút xíu nữa thôi chị, sắp xong phần design rồi”.
|
Phạm Công Thuận (24 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) làm nhân viên marketing cho một công ty thời trang xuất khẩu ở Q.Tân Bình. Anh chia sẻ, cuối năm là thời điểm chạy doanh số để đạt KPI. Cao điểm từ tháng 11, 12 đến giữa tháng 1 năm sau là giai đoạn kích cầu mua sắm.
“Lúc đó, các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau khốc liệt, đòi hỏi bộ phận marketing phải liên tục đưa ra ý tưởng mới lạ, tăng cường chạy quảng cáo để tiếp cận khách hàng. Phải phủ sóng toàn bộ các kênh truyền thông để giành khách hàng. Mình còn thở được chút, chứ nhân viên phòng kinh doanh trong đợt này chịu “bão” tin nhắn, cuộc gọi của khách hàng để chốt sale, chia ca ra làm 24/24 luôn!”, Thuận cho biết.
Nhập viện vì... chạy Tết
Tết cũng “dí” cả những người kinh doanh nhà trọ, nhà cho thuê. Bởi năm hết là thời gian nhiều người về quê sum họp gia đình, đi du lịch, kéo theo tình trạng trả phòng hàng loạt.
Chị Nguyễn Xuân Bích Trâm (31 tuổi, ngụ Q.12) kinh doanh nhiều căn nhà theo mô hình ký túc xá cho thuê từng giường, ngán ngẩm nói: "Mỗi nhà của mình khoảng 60 giường. Mới rục rịch tháng 11, khách trọ đã báo trả 30% giường, dự kiến còn tăng vào tháng 12. Bởi vậy mình phải liên tục đăng tải thông tin cho thuê, đi phát tờ rơi khắp nơi để lấp cho đầy, không thôi lỗ ngay! Tết năm nào cũng vậy, khá “ám ảnh” cho những ai kinh doanh phòng cho thuê”.
|
|
Dân bán hàng online cũng đầu tắt mặt tối, nhất là những ai bán mứt Tết, quần áo, giày dép,… Bạn Nguyễn Thị Minh Trang (24 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) kinh doanh các loại mứt Tết gần như “ngộp thở” trong hàng chục đơn hàng tới tấp mỗi ngày.
Trang cho biết, so với những tháng trong năm, thì thời điểm cuối năm lượng đơn hàng tăng từ 3 - 5 lần. Nếu ngày thường, một mình cô làm tất cả các công đoạn để cắt giảm chi phí, thì giờ đây phải thuê thêm gần chục người làm phụ.
“Mỗi ngày mình làm từ sáng sớm đến tận 2 giờ đêm, nếu không kịp thì trắng đêm luôn. Hôm bữa quá sức mình bị tuột huyết áp phải vào viện truyền 2 chai nước biển luôn mà. Mới tỉnh xong ra thấy đơn hàng dồn đống, muốn quay trở lại giường nằm luôn! Đắt hàng thì vui chứ, nhưng dồn dập thế này thì quả thật cũng stress lắm”, Trang chia sẻ.
|
Thế mới thấy, deadline Tết “dí” trên mọi mặt trận, mọi công việc mỗi độ xuân về! Dù có thể cũng được tăng lương, tăng thưởng, nhưng cảm giác áp lực vẫn khiến nhiều người như tôi phải ít nhất 1 lần kêu lên:
“Đang yên đang lành, tự nhiên Tết!”.
Bình luận (0)