Anh Vũ Đoàn, một kỹ sư công nghệ thông tin sống tại TP.HCM, đã chuẩn bị cho hành trình đến Qatar từ rất lâu. Sau khi lần đầu được chạm tới không khí của giải bóng đá lớn nhất hành tinh tại Nga cách đây 4 năm, anh đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho chuyến đi lần này.
Nhờ sự giúp đỡ của đồng hương, anh Vũ Đoàn đã có vé vào sân xem trận Nhật Bản - Costa Rica ngay khi vừa đặt chân đến Doha |
“Xem các trận đấu trực tiếp tại sân là một trải nghiệm tuyệt vời. Tất nhiên là hơi hao tiền nhưng không phải lúc nào có tiền thì bạn cũng có thể ngồi trên khán đài xem Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi thi đấu”, anh Vũ Đoàn chia sẻ.
Chuẩn bị công phu, trải nghiệm đáng giá
Đối với những cổ động viên gạo cội như anh Vũ Đoàn, xem World Cup có cả một quy trình công nghệ hẳn hoi chứ không hề là chuyện ngẫu hứng “xách ba lô lên và đi”. Chuyến đi Qatar của anh chỉ có 10 ngày, nhưng anh đã bắt đầu công việc chuẩn bị từ cả năm trước.
Anh Vũ Đoàn cho biết trải nghiệm ngồi trên khán đài xem Ronaldo thi đấu là “không thể quên” |
Đỗ Hùng |
“Đầu tiên là phải theo dõi sát quá trình bán vé của FIFA. Nếu mua đại một trận nào đó thì dễ, nhưng nếu chọn các trận đấu của các đội như Brazil, Argentina, Anh, Pháp… hoặc các trận vòng tứ kết, bán kết thì phải công phu hơn nhiều. Việc đặt vé đôi lúc trầy trật, chứ không phải “đặt phát nào dính phát đó”, anh Vũ Đoàn cho biết.
Bản tin World Cup (01.12): Pháp thua sốc Tunisia | Lộ diện “nữ hoàng áo đen” đi vào lịch sử |
“Tôi mua 3 vé, gồm trận Bồ Đào Nha - Uruguay, trận Brazil - Cameroon và một trận ở vòng thứ hai từ nửa năm trước. Khi tới Qatar, nếu còn hứng thú thì mua thêm một số trận nữa để xem. Tổng chi phí cho 3 vé đã mua tầm 13 - 14 triệu đồng”, anh Vũ Đoàn cho hay.
Anh nói rằng để được xem một trận đấu của Neymar, Vinícius Júnior thì “mức giá đó không có gì đắt cả, thậm chí là rẻ”. Do anh đặt vé từ sớm qua hệ thống phân phối vé của FIFA nên giá tương đối rẻ. Về sau, khi vé được bán lại hoặc bán qua các mạng phân phối bên ngoài thì giá cao hơn nhiều.
Vé đã ở trong tay, thẻ Hayya đã được cấp, nhưng việc chuẩn bị vẫn chưa hoàn tất. Một chuyến đi tự túc đòi hỏi người thực hiện phải tính toán rất kỹ để đảm bảo tiết kiệm nhất, nơi ăn chốn ở, việc đi lại cũng được lên kế hoạch để phù hợp với lịch xem bóng đá.
“Tôi bay sang Bangkok, từ đó di chuyển bằng máy bay của Hãng Kuwait Airways, tới Kuwait quá cảnh một đêm, sau đó bay sang Doha”, anh tóm tắt hành trình của mình. Trước khi đáp xuống Doha, anh đã bắt đầu chạm tới một chút không khí World Cup khi xung quanh anh có nhiều cổ động viên Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cùng chung hành trình.
Khác với Nga của 4 năm trước, chi phí lưu trú tại Qatar rất cao. “Hồi trước tôi chỉ cần khoảng 15 - 20 USD là có thể ở qua đêm trong một phòng tập thể. Giờ đây giá phải gấp 5 - 7 lần con số đó”. Anh Vũ Đoàn cho biết mình đã đặt chỗ trên hệ thống đối tác của FIFA được một số ngày, với giá 84 USD/đêm cho một phòng cơ bản. Những ngày còn lại thì sẽ xoay xở sau vì số lượng phòng trong hệ thống đối tác của FIFA đã được đặt hết.
Đỗ Hùng từ Qatar: Khám phá “thành phố World Cup” có một không hai |
Một chuyến đi như vậy dù tính toán chặt chẽ nhất, chi tiêu tiết kiệm nhất cũng mất tầm 70 - 80 triệu đồng. “Tốn tiền chứ, nhưng trải nghiệm quá đáng giá”, anh Vũ Đoàn chia sẻ sau khi trở về từ trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Uruguay trên sân Lusail. Được xem Ronaldo thi đấu trên sân, trong giải đấu lớn hầu như là cuối cùng của siêu sao này, đâu phải là chuyện muốn là được!
Từ xem ti vi đến cổ vũ trên khán đài
Cũng đến từ TP.HCM, chị Nguyễn Ngọc Thúy đã đưa con trai tới Qatar vừa tham quan vừa xem World Cup. Chị đã chọn xem trận Nhật Bản - Costa Rica ở vòng đấu bảng chỉ vì yêu mến đội bóng Đông Á.
“Thật buồn khi đội Nhật thua, nhưng tôi cùng con trai đã có một ngày đáng nhớ. Không khí trên khán đài rất đặc biệt”, chị Thúy chia sẻ. “Doha quá nắng nóng nên hai mẹ con không đi đâu nhiều, nhưng được xem một trận cầu World Cup là trải nghiệm khó quên”, chị Thúy nói thêm.
Không phải lần đầu xem World Cup, anh Vũ Đoàn đã có sự so sánh khá cụ thể về giải đấu đang diễn ra tại Qatar và kỳ World Cup 4 năm về trước tại Nga. “Các sân đấu ở đây gần nhau nên việc lưu trú, đi lại thuận tiện. Tôi có ấn tượng đặc biệt về các sân đấu, phải nói là rất hoành tráng, hiện đại. Là người làm công nghệ, tôi thích công nghệ làm mát sân của Qatar. Ngay cả khi trận đấu diễn ra lúc 13 giờ thì bên trong sân vẫn mát mẻ, rất dễ chịu, dù bên ngoài lúc đó rất nóng”, anh Vũ Đoàn cho biết.
Có nhiều ấn tượng về Qatar và World Cup 2022, nhưng anh Vũ Đoàn nhận xét rằng không khí năm nay nhìn chung không sôi nổi bằng giải đấu 4 năm trước - “Người ở đây họ kín đáo hơn, không “nhiệt” bằng người Nga hồi trước. Tôi mới đi trên Fan Festival về, thấy ở đó dù đông người nhưng không quá sôi động”.
Đối với người Việt Nam, thoạt tiên World Cup là những trận đấu trên ti vi đen trắng. Thế rồi, cùng với sự đi lên về kinh tế, việc đi lại thuận tiện hơn, ngày càng có nhiều người Việt đến sân xem World Cup. Đặc biệt, từ World Cup 1998 tại Pháp đến nay thì sự xuất hiện của khán giả Việt Nam trên khán đài giải đấu lớn nhất hành tinh trở thành chuyện bình thường. Nhiều đại gia đi xem World Cup thậm chí còn thực hiện các trải nghiệm cao cấp, như ngắm cảnh bằng trực thăng, thám hiểm sa mạc bằng xe thể thao đa dụng hoặc lạc đà. Đất nước Qatar dù nhỏ, nhưng đi vào bên trong là cả một thế giới Trung Đông huyền bí.
Anh Huỳnh Gia Hân, nhân viên phục vụ tại quán Hội An ở trung tâm Doha, cho biết kể từ khi World Cup khai mạc, quán của anh đã đón nhiều thực khách Việt Nam. “Nhiều người tới xem bóng đá, biết được ở đây có quán ăn Việt Nam nên ghé để tìm chút hương vị quê nhà”, anh Gia Hân chia sẻ.
Qatar có an toàn không?
Một trong những chuyện mà các cổ động viên Việt Nam có kế hoạch đi xem World Cup quan tâm nhất là tình hình an ninh trật tự tại điểm đến. Qatar nằm ở khu vực Trung Đông, gần các điểm nóng xung đột, vậy có an toàn hay không?
Thực ra Qatar là một đất nước rất an toàn. Nạn cướp giật, móc túi tại Doha là rất hiếm. Đi khắp Doha trong những ngày qua, tôi chưa từng chứng kiến một vụ trộm cắp nào, lời cảnh báo trộm cắp cũng không có. Vào đêm hôm trước, sau trận đấu giữa Mỹ và Iran, khi đi tàu điện từ Fan Festival về khu nhà trọ Barahat Al Janoub ở Al Wakrah, anh Vũ Đoàn đã để quên điện thoại trên tàu điện. Dù tàu đã rời ga nhưng sau đó, với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên và nhân viên hệ thống Metro Doha mà anh đã nhận lại được điện thoại của mình. Một câu chuyện nho nhỏ nhưng tôi lại thấy vô cùng diệu kỳ, bởi để quên đồ trên tàu điện thì hầu như chắc chắn sẽ bị mất. Ở một số nước châu Âu, thậm chí có chuyện kẻ xấu chờ khi tàu điện sắp đóng cửa thì móc túi của hành khách và nhanh chóng thoát xuống.
Bình thường, Doha vốn dĩ đã an toàn, tới mùa World Cup thì tình hình an ninh trật tự càng tốt hơn, khi công tác bảo vệ được thắt chặt hơn. Các cổ động viên người Việt mà tôi gặp đều cho biết họ cảm thấy rất an tâm dù đi một mình vào lúc nửa đêm trên một con phố nhỏ ở Doha. Đây là điểm rất khác so với các kỳ World Cup trước đây tại Nam Phi, Brazil và Nga.
Bình luận (0)