'Thành phố World Cup' mọc lên giữa sa mạc

Đỗ Hùng
Đỗ Hùng
29/11/2022 08:18 GMT+7

Giữa sa mạc mênh mông khô cằn đột ngột mọc lên những tòa nhà sừng sững. Đó là nơi hàng chục ngàn cổ động viên tá túc trong hành trình bóng đá World Cup 2022 .

Sau một thời gian ở Doha, hôm kia tôi đã dạt ra vùng Al Wakrah cách chừng 35 km về phía nam. Xe vừa rời phố xá với những tòa nhà chọc trời đã lạc vào miền sa mạc. Những tòa nhà màu nâu vàng thi thoảng hiện lên như lô cốt, khác chăng là ở xung quanh có cắm cờ của nhiều quốc gia và hình linh vật La’eeb với đủ tư thế chơi bóng gợi nhắc một World Cup sôi động đang diễn ra.

Thành phố của người hâm mộ

“Chào mừng anh đến với làng cổ động viên. Anh ở khu nào?”. Bên trục đường chính rộng thênh thang đâm ngang giữa lòng khu nhà, một nhân viên hướng dẫn gốc Nam Á vừa thấy chúng tôi xuống xe đã tiếp cận hỏi. Tôi bảo rằng chúng tôi đã đặt chỗ tại cụm căn hộ khu C (Cluster C). Anh ta chỉ chúng tôi tới một cái lều mới được dựng lên, bảo đấy là chỗ lễ tân và nói: “Anh hãy tới đó làm thủ tục, rồi tôi sẽ dẫn anh đi nhận phòng”.

Một góc “thành phố World Cup” tại Al Wakrah

Đỗ Hùng

Các nhân viên lễ tân trẻ tuổi và năng động làm thủ tục rất nhanh gọn. Chúng tôi được anh nhân viên ban nãy dẫn qua một vài đoạn đường nội bộ giữa các tòa nhà màu cà phê sữa với các dải sơn màu xanh đậm phía trên chóp và lan can. “Đây là nhà mới xây à?”, tôi hỏi. “Vâng, nó mới được xây. Tất cả chỗ này và các khu vực xung quanh đều được xây để phục vụ World Cup”, anh chàng Nam Á đáp và tiết lộ rằng thực ra cơ sở này cũng chưa được hoàn thiện lắm: “Do làm quá gấp rút ấy mà. Anh sẽ sớm thấy thôi”.

Tôi và một cổ động viên mới từ Việt Nam sang thuê chung một căn phòng chừng 20 m2, có nhà tắm riêng, 2 giường bằng sắt, nệm, gối và mền trắng tinh. Bước vào bên trong, mùi vôi vữa vẫn còn sực nức, có vẻ các công nhân xây dựng mới rời đi vài ngày trước và chúng tôi là những vị khách đầu tiên tá túc trong căn phòng này. Đèn và máy lạnh hoạt động bình thường nhưng ổ cắm chưa có điện. Nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thành, tạm thời gác lại để đón khách đến xem World Cup. Mỗi một cụm 4 phòng có chung một phòng để đồ ăn, có tủ lạnh, lò vi ba, bồn nước và vài món đồ dùng cơ bản.

Đỗ Hùng từ Qatar: Khám phá “thành phố World Cup” có một không hai

Đây là một trong rất nhiều những cơ ngơi được mọc lên giữa sa mạc khô cằn để đón World Cup 2022. Nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú lớn của một lượng cổ động viên ước chừng lên tới 1,5 triệu lượt người tới Qatar, nước chủ nhà đã chọn các đối tác phát triển địa ốc xây dựng hàng loạt khu căn hộ, làng cổ động viên làm bằng container, lều… Đây là những loại hình cơ bản nhất, với giá cho thuê mỗi đêm từ 84 USD cho tới khoảng hơn 200 USD. Điểm đặc biệt của loại hình lưu trú này là giá không biến động theo tình trạng cung cầu. Cơ chế bình ổn giá giúp các cổ động viên có thêm một lựa chọn trong hoàn cảnh các dịch vụ lưu trú trên thị trường tăng giá chóng mặt, chẳng hạn giá một chiếc giường trong phòng tập thể 4 giường tầng rơi vào khoảng 150 USD/đêm.

Điểm hạn chế của các loại hình lưu trú do đối tác của ban tổ chức World Cup quản lý là số lượng hạn chế, cung không đủ cầu, bên cạnh đó là vị trí thường rất xa trung tâm Doha, xa các sân vận động, ga tàu điện ngầm.

Xem bóng đá tại “thành phố World Cup”

đỗ hùng

Để giải quyết những bất tiện trên, ban điều hành “thành phố World Cup” đã tổ chức nhiều dịch vụ tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu của cư dân vãng lai nơi đây. Có một siêu thị bán đủ loại hàng, từ đồ dùng vệ sinh cá nhân cho tới trái cây tươi, từ bánh mì cho tới bia không độ cồn. Một loạt quầy bán thức ăn nhanh, quán ăn, quán cà phê, trạm phát thẻ sim điện thoại miễn phí… cũng được bố trí dọc theo các khu căn hộ. Ở khu vực trung tâm, một đền thờ Hồi giáo trắng toát sừng sững uy nghi, phục vụ sinh hoạt tôn giáo cho những ai có nhu cầu. Tại World Cup 2022, sinh hoạt tôn giáo, cụ thể là của người theo đạo Hồi, là một phần quan trọng. Tất cả sân vận động và một số trung tâm báo chí lớn đều có nhà nguyện.

Để phục vụ nhu cầu đi lại của cư dân, “thành phố World Cup” tổ chức một hệ thống xe đưa đón (shuttle bus) hùng hậu. Xe hoạt động từ 6 giờ sáng hằng ngày đến 2 giờ sáng hôm sau, đưa đón cư dân đến và đi tới các điểm như Sân bay quốc tế Hamad, ga tàu điện gần nhất, Fan Festival. Riêng tuyến từ “thành phố World Cup” tới các sân đấu trong ngày có trận đấu diễn ra, xe chạy với tần suất 2 phút/chuyến, khởi hành đúng giờ, dù trong những ngày đầu, một số bác tài đã lạc đường trên hệ thống đường sá chằng chịt như mạng nhện xuyên qua sa mạc.

“Thành phố World Cup” còn có một nơi dành cho các tín đồ bóng đá không có vé vào sân. Đó là một bãi đất rộng ngay bên trục đường chính, được rải thảm cỏ nhân tạo, bố trí màn hình lớn để phát trực tiếp bóng đá. Trong đêm đầu tiên tới đây, chúng tôi đã ngồi giữa một đám đông tới cả chục ngàn người, không khí bàn luận, hét hò sôi động không kém Fan Festival ở trung tâm Doha.

Tại sao tôi đến nơi này?

“Thành phố World Cup” ở Al Wakrah là một trong vô vàn những nỗ lực của nước chủ nhà Qatar nhằm tổ chức một World Cup “tốt nhất” như lời nhà vua Tamim bin Hamad Al Thani nhấn mạnh trong lễ khai mạc trên sân Al Bayt. Những thành phố hoàn toàn mới mọc lên giữa sa mạc. Những sân vận động hoàn toàn mới được xây và sẽ lại được tháo dỡ sau khi World Cup hạ màn. Hệ thống đường cao tốc, các tuyến giao thông công cộng chằng chịt, rất thuận tiện cho việc đi lại, nhưng có thể hơi thừa thãi khi World Cup qua đi. Có thể nói đó là những điều mà chỉ có một quốc gia giàu có, với quyền lực mạnh của chính quyền mới có thể làm được. Điều tương tự sẽ khó xảy ra đâu đó bên ngoài thế giới của những vua dầu mỏ Ả Rập.

Cổ động viên rời "thành phố World Cup" để đến sân xem trận đấu Serbia-Cameroon

đỗ hùng

Đối với cổ động viên, mô hình “thành phố World Cup” và các dịch vụ liên quan mang đến nhiều thuận lợi trong hành trình bóng đá. Nó giúp họ có một nơi ngả lưng, đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất, giúp họ tiết kiệm chi phí đi lại. Ở những nơi này, đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp, nhiệt tình và có đầy đủ thông tin mà các cổ động viên cần, không chỉ liên quan tới World Cup mà còn cả trăm ngàn nhu cầu khác, như địa chỉ các bảo tàng, nơi có thể uống bia hợp pháp, các chuyến du lịch khám phá sa mạc...

“Chị có biết chỗ nào bán trang phục Ả Rập không?” - Một bận tôi hỏi một cô gốc Philippines ở quầy lễ tân. “Anh muốn mua đồ như thế nào? Đồ may sẵn à?”, cô ấy hỏi. Tôi gật đầu, và vào Google tìm kiếm hình ảnh về loại trang phục tôi muốn mua, đó là những bộ thobe (áo dài) màu trắng cùng khăn trùm đầu kẻ sọc ca rô đỏ. “À, đồ Ả Rập. Anh có thể xuống Souq Waqif. Ở đó có rất nhiều. Nhưng anh chọn loại nào rẻ thôi, vì có lẽ anh sẽ không dùng nhiều”, cô này nói thêm.

“Tôi chọn chỗ này vì giá phải chăng. Ở cùng với cổ động viên các nước cũng vui, có dịp giao lưu với họ”, anh Đoàn Vũ, một kỹ sư phần mềm sống tại TP.HCM, cho biết. Cũng theo anh Vũ: “Tôi đặt chỗ từ nhiều ngày trước, nhưng chỉ đặt được tới ngày 30.11 vì nơi đây hết phòng. Sang đây rồi sẽ tính tiếp”. Những cổ động viên các nước mà tôi có dịp nói chuyện trong quán ăn, tại nơi xem truyền hình trực tiếp bóng đá, hoặc trên chuyến xe buýt ra sân vận động, đều cho biết họ thích không khí nơi đây. “Những con người yêu bóng đá, có túi tiền không quá dư dả, cùng tập trung lại một nơi. Tôi thích cái không khí ấy”, anh Rodavan Marković, một cổ động viên Serbia, chia sẻ với tôi khi cùng ngồi xem trận thư hùng Đức - Tây Ban Nha trên bãi cỏ trung tâm.

Cuối buổi sáng hôm qua, tôi cùng các cổ động viên Serbia, Cameroon và nhiều người yêu bóng đá khác rời “thành phố World Cup” trên những chiếc xe buýt. Đường cao tốc rộng thênh thang. Nhìn qua cửa sổ, tôi phải nhíu mắt lại bởi ánh nắng chói chang giữa sa mạc khô cằn mênh mông ngút tầm mắt. Xe chạy đâu chừng 30 phút thì phía trước mặt, chếch về bên phải, giữa sa mạc mênh mông lác đác những ngôi nhà trông như lô cốt đã chợt thấy sừng sững một đấu trường trắng muốt, như chiếc lều vải của dân du mục. Đó là sân Al Janoub, nơi sắp sửa diễn ra cuộc đấu giữa Serbia và Cameroon.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.