Người Việt trong siêu bão Hải Yến - Kỳ 2: Trong 'thủ phủ' người Việt đi Phi

29/11/2013 14:15 GMT+7

(TNO) Nếu tính toàn bộ người Việt sống và làm ăn trên đất Philippines thì người có xuất xứ từ xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thuộc vào dạng đông đảo nhất. Từ những ngư dân chất phác, họ đã rời quê để tìm nơi đất khách mưu sinh với mong muốn khấm khá hơn.

Lũ lượt bỏ biển “đi Phi” 4
Làng chài Nhơn Lý với nhiều ngôi nhà lầu nằm sát nhau

>> Người Việt trong siêu bão Hải Yến - Kỳ 1: Tacloban điêu tàn, Đông Tác cũng tan tác

Theo thống kê của chính quyền địa phương, xã ven biển Nhơn Lý có gần 500 người dân làm ăn tại Philippines.

Làng biển toàn... nhà lầu

Nhìn từ xa, Nhơn Lý như một cụm dân cư nhỏ lọt thỏm giữa những đồi cát mênh mông, hướng mặt ra biển. Gần hơn chút nữa, sẽ không ít người ngạc nhiên khi Nhơn Lý toàn nhà lầu mới xây nằm san sát nhau, rất khác so với hình ảnh quen thuộc của những làng chài ven biển.

Bộ mặt Nhơn Lý bắt đầu thay đổi trong 5 năm trở lại đây, khi dòng tiền của lao động địa phương “đi Phi” (cách gọi lao động đi Philippines làm ăn của người dân xã Nhơn Lý) đổ về quê nhà.

 
Chúng tôi đã tạo điều kiện đưa những công ty xuất khẩu lao động có uy tín về tại xã Nhơn Lý giúp đỡ bà con ngư dân; chính quyền địa phương cũng tuyên truyền cho người dân biết những bất trắc do xuất ngoại chui nhưng số người 'đi Phi' ở Nhơn Lý cũng khó kiểm soát được
Ông Nguyễn Mỹ Quang, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Định
Một cán bộ xã Nhơn Lý cho biết nhờ đi làm ăn ở Philippines, nhiều người có cuộc sống ổn định hơn, nhà cao tầng mọc lên nhiều, bộ mặt của địa phương thay đổi.

Gia đình ông Nông Thanh Phước (57 tuổi, thôn Lý Chánh) là một trong những gia đình đầu tiên trong xã có người “đi Phi” buôn bán. Đến nay, đã có ba con gái của ông Phước và các con rể đều sinh sống và làm việc ở Philippines, tất cả đều làm ăn khấm khá.

Họ hàng gần xa của ông Trần Đê (68 tuổi, thôn Lý Hòa) cũng có gần hai chục thành viên đang sống và làm việc bên Philippines, nhiều người xây được nhà lầu, mua sắm vật dụng trong nhà đầy đủ.

Thành đạt tại Philippines phải kể đến năm người con của bà Võ Thị Luận (ở thôn Lý Hòa). Ngôi nhà của bà Luận là một trong những nhà khang trang nhất thôn Lý Hòa.

Đầu tiên, chỉ có một con gái của bà “đi Phi” vào năm 1999 để buôn bán quần áo, giày dép. Thấy xứ người dễ làm ăn, con gái bà Luận lần lượt bảo lãnh người nhà sang trợ giúp mình buôn bán. Sau một thời gian, năm người con bà Luận đều có mối ra làm ăn riêng.

Hiện những người con của bà Luận lấy sỉ quần áo, giày dép, hàng điện tử... ở trung tâm thành phố rồi đưa về các vùng quê, các hòn đảo bán lẻ cho người dân bản địa.

“Hồi mới qua, chúng nó làm ăn ngon lành lắm, vài năm là đã gửi đủ tiền về cho tôi xây nhà lầu. Nhưng bây giờ nhiều người Việt làm theo nên chuyện buôn bán bên đó ngày càng khó khăn, các con tôi đã tính chuyện về nước”, bà Luận nói.

Lũ lượt bỏ biển “đi Phi” 2
Bà Luận trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi 

Muốn về cũng khó

Tuy nhiên, không phải ai “đi Phi” cũng được may mắn như trên. Nhiều lao động ở Nhơn Lý qua Philippines buôn bán không thành công, muốn về lại quê nhà cũng không có đủ tiền.

Như trường hợp anh Trình Phụ (25 tuổi, thôn Lý Hòa, con bà Đỗ Thị Tổng), mới “đi Phi” có hơn 7 tháng đã muốn trở về.

"Gia đình tôi vốn làm nghề rút lưới chì nhưng khi chồng tôi bị tai biến vào năm 2008 thì phải bán ghe để chạy chữa. Thấy những gia đình khác “đi Phi” làm ăn giàu có nên tôi vay 40 triệu đồng cho thằng Phụ “đi Phi”. Nhưng công việc không mấy suôn sẻ, mấy tháng nay Phụ điện về bảo là không có việc, lại hay bị cảnh sát Philippines truy đuổi. Bây giờ muốn về quê thì phải nộp tiền thuế 100 triệu đồng. Số tiền ấy chúng tôi biết lấy đâu ra mà nộp?", bà Tổng nói.

Chị Hồ Thị Vy, con ông Hồ Sắc ở thôn Lý Chánh, cũng có hoàn cảnh tương tự. Năm 2012, chị Vy để con gái gần 6 tuổi cho cha mẹ chăm sóc để qua Philippines nhưng công việc không được thuận lợi giờ cũng không có tiền về quê.

Theo ông Đinh Văn Bình (55 tuổi, ở thôn Lý Lương), một lao động vừa “đi Phi” trở về, người Nhơn Lý ở Philippines chủ yếu buôn bán tại đảo Mindanao, đảo Cebu và thủ đô Manila.

Đa số đều làm giấy tờ xuất cảnh đi du lịch nhưng khi đến Philippines thì tìm cách ở lại, kết nối với người quen để làm ăn. Những người này đều buôn bán nhỏ lẻ, lấy hàng từ thành phố để bán tại các chợ quê, các hòn đảo.

Lũ lượt bỏ biển “đi Phi” 5
Làm nghề biển ở Nhơn Lý giờ toàn người già và phụ nữ

Lũ lượt bỏ biển “đi Phi” 6
Chợ cá ở xã Nhơn Lý

Một số lao động ở Nhơn Lý cư trú bất hợp pháp nên nhiều người còn bị cảnh sát Philippines truy bắt, muốn về nước phải đóng tiền phạt, rất khó làm ăn, buôn bán từ sau bão Hải Yến.

“Những lao động cư trú ở Philippines bất hợp pháp muốn về nước phải đóng mức thuế hơn 100 triệu đồng. Sau bão, nhiều người đã trắng tay nên muốn về nước cũng rất khó” ông Bình nói.

Suốt mấy ngày sau bão Hải Yến, ông Lê Trúc Linh (68 tuổi, ở thôn Lý Lương) như ngồi trên đống lửa. “Làm ăn ở Philippines tuy có thu nhập cao nhưng các con tôi nói ở xứ người khổ lắm. Mỗi lần xem tivi thấy có bão trên biển Đông thì gia đình không yên. Mà nước đó toàn bão to. Kiểu này thì kêu chúng về hết mới yên tâm được”, ông Linh tâm sự.

Theo UBND xã Nhơn Lý, hiện có hơn 470 người ở địa phương làm lao động tự do tại Philippines. “Tuy không có thiệt hại về người nhưng cơn bão Hải Yến cũng gây ra nhiều thiệt hại về công việc, vật chất của lao động xã Nhơn Lý ở Philippines”, bà Hồ Thị Tường, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết.

Bài, ảnh: Hoàng Trọng - Nhân Khánh

>> Tìm mọi cách giúp người Việt bị ảnh hưởng bão Haiyan về nước
>> Đang thuyết phục miễn tiền nợ cho người Việt tại Philippines về nước
>> VietJetAir hỗ trợ người Việt tại Philippines về nước
>> Tổ chức chuyến bay chở miễn phí người Việt ở Philippines về nước
>> Gánh nặng tài chính đối với người Việt tại Philippines sau bão Hải Yến
>> Hồi ức kinh hoàng của người Việt về từ 'vùng đất chết' Tacloban
>> Chuyển đồ cứu trợ cho người Việt tại Tacloban
>> Đã tiếp cận được người Việt ở Ormoc, Philippines
>> Người Việt thoát khỏi Ormoc hỗn loạn
>> Siêu bão Hải Yến: Người Việt cứu nhau ra khỏi 'địa ngục' Tacloban
>> Người Việt từ vùng thảm họa Tacloban gọi điện cầu cứu
>> Ứng cứu người Việt ở Philippines sau siêu bão Hải Yến
>> Trong vùng thảm họa Tacloban: Người Việt kêu cứu
>> Người Việt ở địa ngục Tacloban: Mong đồ ăn thức uống từng giây

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.