Người xưa người nay đều khoái hủ tiếu sa tế Chợ Lớn

16/10/2015 08:16 GMT+7

Sài Gòn - Chợ Lớn có một món ngon cỡ như hủ tiếu sa tế mà ít được biết thì kể cũng có cái hay riêng, nhiều người sống ở Sài Gòn cũng ít có dịp ăn, còn người ở các địa phương khác thì gần như chưa từng được nếm qua.

Sài Gòn - Chợ Lớn có một món ngon cỡ như hủ tiếu sa tế mà ít được biết thì kể cũng có cái hay riêng, nhiều người sống ở Sài Gòn cũng ít có dịp ăn, còn người ở các địa phương khác thì gần như chưa từng được nếm qua.

Người xưa người nay đều khoái hủ tiếu sa tế Chợ LớnTô hủ tiếu sa tế bò nghi ngút khói trong Chợ Lớn
Vô Chợ Lớn ăn hủ tiếu gì?
Với nhiều người lớn tuổi, Chợ Lớn ngày này ít còn không khí như ngày xưa. Người đàn ông tuổi khoảng sáu mươi, đến từ Vĩnh Long nói. "Hồi trước bảy lăm đi Chợ Lớn trước là để coi đèn màu sau là để ăn ngon; cứ nhìn đèn màu sáng trưng suốt từ đường Trần Hưng Đạo kéo đến đường Đồng Khánh là thấy đã con mắt, còn món ăn thì chỉ riêng các món hủ tiếu thôi thì cũng đã đời."
Về đèn màu ở các nhà hàng cửa hiệu của Chợ Lớn thì phải kể đến đèn lồng, đèn kéo quân... nhưng thời gian gần đây khi Trung Quốc thè ra đường lưỡi bò chiếm biển Đông thì nhiều người Việt không còn thích đèn lồng - chữ Tàu nhấp nháy nữa. Việc bài bác quá đáng này có khi làm mất vui, nhưng bù lại, các món hủ tiếu ở Chợ Lớn ngày càng khiến mọi người ưa ăn, nhất là giới trẻ.
Có một chàng thanh niên kể rằng. "Cháu mỗi khi so bì các món ăn ngon của từng vùng miền, cháu đưa ra món hủ tiếu là được xếp đồng hạng nhất với món phở." 
Kể về sự da dạng của hủ tiếu thì có lẽ chưa có món nào bì được. Chỉ từ sợi bánh bột gạo mà người Triều Châu gọi là cổ chéo, chế ra gần chục món hủ tiếu khác nhau như hủ tiếu bò viên, hủ tiếu bò kho, hủ tiếu gân viên bò đậu hũ, hủ tiếu xá xíu, hủ tiếu thập cẩm, hủ tiếu cá...
Nhưng trong đó món hủ tiếu ngon lạ miệng mà ít phổ biến là hủ tiếu hồ và hủ tiếu sa tế. Về hủ tiếu hồ thì nấu bằng những miếng bột cán mỏng như bánh ướt, ăn với phá lấu lòng heo.
Riêng hủ tiếu sa tế Chợ Lớn gồm có hủ tiếu sa tế bò và sa tế nai. Cái quán hủ tiếu sa tế lâu đời nhất ở Chợ Lớn trước hội quán Tam Sơn, quận 5 chuyên nấu sa tế thịt bò, ở khu Dương Đình Nghệ - Hàn Hải Nguyên, quận 11 có mấy quán nấu hủ tiếu sa tế thịt nai; nấu ngon miệng hơn là cái quán nằm trên đường Phạm Văn Chí, quận 6, nhưng dù là sa tế thịt nai thịt hay bò thì món này cũng đúng là kỳ công của nghề nấu hủ tiếu ở Chợ Lớn.
Chỉ có ở Sài Gòn - Chợ Lớn?
Người xưa người nay đều khoái hủ tiếu sa tế Chợ LớnAnh Tiết Quang Huy, người kế nghiệp của Quảng Ký, bên cạnh nồi sa tế thơm lừng
Theo nhiều người thì món hủ tiếu Sa tế do chính người Hoa ở Chợ Lớn sáng tạo, chớ không hề tìm thấy món này ở bất cứ phố Tàu nào trên thế giới, kể cả ở Trung Quốc. Hương Cảng hay Đài Loan; thật hư chuyện này chưa thể xác minh, nhưng đã lưu truyền cái tích về một người đàn ông Triều Châu - Chợ Lớn tên là Tiết Nhân Quảng chế ra món này rồi mở tiệm Quảng Ký trên đường Triệu Quang Phục , quận 5.
Ngày nay gia đình họ Tiết tiếp tục giữ và truyền nghề; nghề nấu hủ tiếu sa tế tuy không thành tuồng tích cải lương như chuyện Tiết Đinh Sang - Phàn Lê Huê nhưng cũng có gốc có cội mà kể với đời.
Chúng tôi đã ăn món hủ tiếu sa tế này không biết bao nhiêu lần, lần nào cũng thấy ngon miệng đến nỗi phải thắc mắc về xuất xứ văn hóa ẩm thực của nó. 
Khi biết món này nấu với cả  hai chục loại gia vị thì suy rằng:  đây là món có gốc Ấn Độ; rồi thấy người nấu nói tiếng Hoa, dùng sợi hủ tiếu Chợ Lớn thì lại suy rằng: đây là kiểu ăn của người Chà Và  Chợ Lớn lai  trộn với  kiểu ăn người Minh Hương Chợ Lớn.
Thôi thì kiểu gì kiểu, miễn là dân Sài Gòn - Chợ Lớn ta có được món ăn, kiểu ăn đến từ hai nền văn hóa ẩm thực hàng đầu thế giới là bảnh rồi.
Để nấu hủ tiếu sa tế trước tiên phải có sa tế. Sa tế là ớt tươi và ớt khô xào với các loại dầu ăn cùng một số gia vị khác; làm sa tế chỉ có người nắm bí quyết mới thứ chế được sa tế ngon, còn sa tế làm bán sẵn ở tiệm chạp phô thì không đủ ngon để mở tiệm nấu hủ tiếu sa tế được.
Về nồi nước dùng, theo tìm hiểu thì hủ tiếu sa tế nai ninh xương heo, hủ tiếu sa tế bò ninh xương bò. Gia vị gần hai mươi loại như: gừng , tỏi, sả, hành tím, hành tây, ớt bột, quế, mè, đại hồi... và đậu phộng rang vàng giã nhuyễn; hỗn hợp gia vị này được trộn xào chung với dầu mè, sau đó là xào với sa tế.
Anh Tiết Quang Huy, người kế nghiệp của Quang Ký, bên cạnh nồi sa tế thơm lừngHủ tiếu sa tế nai
Một tô hủ tiếu sa tế vừa nấu xong có hai mùi nổi bật là mùi sa tế thơm nồng và mùi đậu phộng béo lừng. Trong tô hủ tiếu sa tế, thịt bò hoặc thịt nai được trụng tái, sau đó cho thêm ít lát cà chua, ít dưa leo và rau quế, ngò gai. Phải nói là món hủ tiếu sa tế là món kích thích khẩu vị hàng đầu, khó mà không chảy nước miếng trong họng khi hửi khói thơm ngào ngạt từ món ăn độc đáo này, đến khi đưa vô miệng thì đậm đà vị cay, chua béo, bùi , ngọt, mặn... vừa ngon miệng, đã thèm lại ấm cái bụng.
Dù thời gian gần đây món hủ tiếu sa tế có được các báo quảng cáo nhưng xem ra nhiều người sống ở Sài Gòn cũng ít có dịp ăn, còn những người ở các địa phương khác thì gần như chưa từng được nếm qua. Sài Gòn - Chợ Lớn có một món ngon cỡ như hủ tiếu sa tế mà ít được biết thì kể cũng có cái hay riêng, bởi nếu thiên hạ ưa ăn quá dễ khiến cho mấy tay nấu bếp tồi nhào vô quậy kiểu bậy bạ như nấu món phở khô thì loạn.
Trở lại với hủ tiếu sa tế, nếu quí vị Việt kiều có dịp về Sài Gòn chơi thì nên ăn qua, nếu có con dâu con rể đa quốc tịch thì cũng nên mời thưởng thức cho biết món hủ tiếu có một không hai ở xứ Sài Gòn - Chợ Lớn. Chỉ xin nhắc là ai không ăn cay được, hoặc ăn ít cay thì nhớ nói trước để mấy ông mấy bà người Triều Châu - Chợ Lớn gia giảm.

Trần Tiến Dũng
Ảnh: Giang Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.