Ẩm thực
Hủ tiếu sa tế ngon trong Chợ Lớn
Có ý kiến cho rằng món hủ tiếu sa tế như một chứng tích hảo thực Hoa phối hợp với gia vị Ấn. Những người Hoa gốc Triều Châu đã tài tình đúc kết tinh hoa từ hai nền văn hóa ẩm thực riêng biệt để tạo nên một món ngon hấp dẫn chỉ có thể tìm thấy ở Sài Gòn. Sa tế, từ một hỗn hợp phụ gia của người dân Mã Lai gốc Ấn, đã hình thành nên một dòng chảy ẩm thực hết sức riêng biệt với các món sốt ớt, thịt nướng... hấp dẫn. Khi du nhập vào Sài Gòn, các đầu bếp người Hoa đã khéo léo cân chỉnh, gia giảm một số gia vị cơ bản nhằm hãm bớt mùi hồi nồng đặc trưng cũng như vị cay xé lưỡi, đồng thời phối trộn thêm một số gia vị khác để hình thành một phiên bản sa tế rất riêng của Sài Gòn. Món hấp dẫn nhất của sa tế Sài Gòn có thể kể đến tô hủ tiếu sa tế nóng hổi cùng mùi thơm phức lan tỏa từ nồi nước sa tế nghi ngút khói nấu bằng bột đậu phộng cùng thật nhiều gia vị đăc trưng như đại hồi, tiểu hồi, thảo quả, đinh hương, quế chi, cà ri, nghệ...
Ẩm thực
Ăn mì cá viên cà ri độc nhất Sài Gòn
Quán ăn hấp dẫn này chỉ có vài bàn, chỗ ngồi chỉ đủ cho khoảng 10 người với mức giá khá cao: 40.000đ/tô. Tuy chỉ bán sau 6 giờ chiều cho đến tận khuya, vậy mà nhiều người vẫn tìm tới đây để ăn một kiểu mì độc đáo nhất Sài Gòn - mì cá viên cà ri. Anh Hùng, chủ quán mì không tên này cho biết, đây là kiểu mì rất phổ biến ở Hồng Kông. Tuy nhiên ở Sài Gòn dường như chỉ một mình anh dám bán mì cà ri cá viên và bò viên, đơn giản vì hương vị đặc trưng của món này không dễ được số đông lựa chọn. Quán nằm gần góc mũi tàu Nguyễn Trãi - Trần Phú ở quận 05, đã tồn tại được gần 15 năm nay.
Ẩm thực
Một lần ăn hủ tiếu 'sư phụ' Xóm Đất
Nếu như hủ tiếu sa tế được coi như dòng hủ tiếu "bí ẩn" nhất, vì là hủ tiếu của người Tiều nhưng gần như chỉ có thể tìm thấy ở Sài Gòn, thì hủ tiếu dê (mà nhiều người thường gọi vui là "hủ tiếu sư phụ") có thể xem là món hủ tiếu khó tìm thấy nhất. Chỗ bán món hủ tiếu này ở Sài Gòn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Gần trung tâm hơn cả là đường Nguyễn Kim (quận 10) đoạn gần với ngã ba Nguyễn Chí Thanh, có đến 3, 4 tiệm bán món này vào buổi sáng mà trong đó nổi bật nhất là quán Hào Phong ở số nhà 71. Còn không thì bạn phải vào tận quận 11. Nghe tiếng "hủ tiếu dê" cũng dễ gây e ngại cho nhiều người, dù rằng lẩu dê luôn là một trong những món lẩu được ưa thích nhất nhì Sài Gòn. Mùi khó chịu của thịt dê đã được triệt tiêu ngay từ khâu chế biến thịt nhằm mang đến một hương thơm hấp dẫn và đặc trưng của món hủ tiếu này, đồng thời phối trộn nhiều gia vị bí truyền tạo nên một hương vị vừa như cà ri, nửa giống bò kho, thậm chí thoang thoảng vị hủ tiếu sa tế.
Ẩm thực
Bí ẩn như hủ tiếu sa tế Sài Gòn
2 món hủ tiếu đặc trưng nhất của cộng đồng người Tiều ở Sài Gòn có lẽ là hủ tiếu hồ và hủ tiếu sa tế. Hủ tiếu hồ với “cọng” hủ tiếu làm từ những miếng bột mỏng gần như bánh ướt nhưng dày hơn và có hình vuông, thường được nhắc đến với tên gọi "kway chap" mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở Singapore, Malaysia hay Hồng Kông. Người Sài Gòn đôi khi còn gọi vui là "bánh canh của người Tiều" bởi bề ngoài quá đặc biệt của món này. Nhưng còn hủ tiếu sa tế thì sao? Hình như chẳng có quốc gia nào có mòn này, mà cũng rất khó tìm thấy ở Sài Gòn. Nguồn gốc thì lại càng bí ẩn hơn. Nhiều tài liệu cho rằng món này khởi phát từ tiệm ăn của một người Triều Châu trên đường Triệu Quang Phục (quận 05) từ những năm 60 của thế kỷ trước. Một lập luận khác thì dựa trên "sa tế của Chà" mà cho rằng đây là kiểu ăn của người Chà Và lai trộn với kiểu ăn người Minh Hương Chợ Lớn. Từ "Chà Và" mà người Sài Gòn hay nói là đọc trại từ chữ "Java" (một hòn đảo lớn của Indonesia, là hòn đảo đông dân nhất trên thế giới với hơn 135 triệu cư dân), cũng là để chỉ những người đến từ đảo Java, về sau này dùng để gọi tất cả những người có màu da ngăm ngăm như Chà Bom bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma ní (Manila, Phillipines)... Trong quận 05 có cây cầu Chà Và bắc qua kênh Tàu Hủ nối với kênh Ruột Ngựa, có bề dài lịch sử hơn 100 năm làm thông thương vùng Chợ Lớn giữa quận 8 và quận 5. Từ thời xưa vùng này là phố chợ của người gốc Ấn Độ chuyên bán vải.
Ẩm thực
Tuyệt đỉnh của hủ tiếu bò viên Sài Gòn
Nằm trong con hẻm lớn 145 Nguyễn Thiện Thuật thông với chợ Bàn Cờ (quận 03), quán hủ tiếu bò viên Trường Thạnh này đã có thâm niên phục vụ thực khách hơn 40 năm nay. Đây cũng là điểm ăn chơi vang bóng một thời, nổi danh không kém gỏi đu đủ - khô bò - nước mía Viễn Đông (trên đường Pasteur, quận 01 ngày nay), bánh tôm hẻm Casino (hẻm 63 Pasteur cũng ở gần đó), bánh mì thịt trước chợ Trương Minh Giảng (nay là chợ Nguyễn Văn Trỗi ở quận 03)... Quán trứ danh với món bò viên to, tròn, chia hẳn làm 2 loại là bò viên thường và bò viên gân. Từ nhiều năm qua, quán vẫn giữ nguyên truyền thống lấy thịt bò nóng trong các phiên chợ buổi sáng sớm đề làm bò viên. Viên bò giã bằng tay hình như là ngon hơn làm bằng máy, giòn và dai hơn nhiều.
Ẩm thực
Mì 'cải chua' tuyệt ngon trong Chợ Lớn
Tiệm đã có thâm niên hơn 50 năm, lúc trước bán ở đường Lacaze trong Chợ Lớn (đường Nguyễn Tri Phương ngày nay), rồi hơn 20 năm nay mới chuyển về đầu con hẻm 311 Minh Phụng này, được người dân địa phương quen thuộc gọi là "mì cải chua" do ăn chung với tô cải chua dưa giá rất đặc biệt. Dù được nấu bởi 1 gia đình người Hoa gốc Triều Châu, tuy nhiên hương vị đã có thay đổi đôi chút so với cách nấu thường thấy của cộng đồng người Tiều. Cọng mì Tiều chính hiệu vẫn được giữ nguyên, cọng tròn và nhỏ hơn so với cọng mì vàng Phúc Kiến. Còn hủ tiếu là loại cọng lớn tương tự như cọng phở, thường thấy trong món hủ tiếu sa tế. Món thú vị nhất bạn có thể gọi là mì thập cẩm, khô hay nước đều rất ngon. Riêng với tô khô, phần nhân bao gồm tôm, mực, thịt heo, phèo, gan, cật... được cho vào một cái chén riêng để giữ được độ nóng. Cái khác so với các tiệm mì Tiều mà tôi được ăn như Đỗ Khôn - Huy Đạt bên quận 08 hay tiệm Triều Châu cũng trong quận 11 chính là sự thiếu vắng của phần nhân thịt bằm. Ngoài ra, phần cải chua cũng được "cải biên", từ nồi nước lèo hầm cải chua để hãm béo trong cách ăn truyền thống của người Tiều thành cách ăn khô như kiểu ăn dưa giá thường thấy trong miền Nam.
Ẩm thực
Quán bò viên 50 năm cực ngon trên đường Lý Chính Thắng
Món bò viên ở Sài Gòn rất phổ biến. Nhưng tìm được chỗ ngon và chất lượng thì không dễ chút nào. Nhịp sống bận rộn nên rất ít quán còn giữ được truyền thống tự mua thịt bò nóng về làm mà thường lấy ở các mối bỏ sĩ. Cách làm bò viên của người Hoa gốc Quảng có phần tương đồng với cách làm giò lụa của người Việt, nghĩa là phải xay thịt bò lúc còn nóng hổi. Cách làm này rất cực, vì chủ quán phải dậy từ 4 - 5h giờ sáng đến các lò mối mới có thể lấy thịt sống. Thịt lấy xong còn nóng hổi, đem về phải xay liền mới có thể tạo ra những viên bò viên ngon, dai, đúng với chất lượng mong muốn. Quá trình này phải tốn thêm vài giờ đồng hồ nữa. Đó cũng là lý do vì sao những quán chuyên về bò viên thường mở cửa vào đầu giờ chiều và bán cho đến tận khuya là vậy (quán bò viên Vĩnh Viễn, Nguyễn Thượng Hiền...).
Ẩm thực
Qua quận 8 tìm ăn hủ tiếu hồ
Hủ tiếu hồ là món ăn khá phổ biến trong cộng đồng người Tiều. Tuy nhiên món "bánh canh" này (cách gọi vui của một số thực khách) lại rất khó tìm thấy ở Sài Gòn. Muốn ăn bạn phải chạy vào Chợ Lớn hoặc qua tới quận 08. Không biết tên gọi "hủ tiếu hồ" có từ đâu, chứ món này lại chẳng liên quan gì đến cọng hủ tiếu cả. Trong món này, “cọng” hủ tiếu thực chất là những miếng bột mỏng gần như bánh ướt nhưng dày hơn và có hình vuông. Thay vì ăn chung với thịt heo, gà hay cá như các món mì, hủ tiếu khác thì hủ tiếu hồ chỉ dùng chung với lòng heo khìa cùng cải chua. Hình thức thú vị này có lẽ do thói quen dùng cải chua để hãm béo của người Tiều (tương tự như món cháo Tiều trong Chợ Lớn). Còn chữ "hồ" là do trong nguyên bản, phần nước dùng có pha thêm một chút bột năng để có được độ hồ. Cách nấu đúng của hủ tiếu hồ là cọng bánh nấu chung với nước lèo, khách đến là múc ra bán luôn (như món bánh canh của người Việt vậy). Còn hiện nay một số quán đã có cải biên đôi chút, không dùng bột năng, cũng như khách gọi thì mới bắt đầu làm chứ không nấu sẵn nữa.
Ẩm thực
Hủ tiếu sa tế ngon ở Sài Gòn
Hủ tiếu sa tế có lẽ khó tìm thấy hơn các món hủ tiếu khác, phần vì đây là một đặc sản của người Tiều, chỉ được lưu truyền trong cộng đồng này nên không phải ai nấu cũng được. Có người cho rằng đây là một kỳ công của nghề nấu hủ tiếu Sài Gòn, bởi lẽ do chính người Hoa ở đây sáng tạo ra chứ không thể tìm thấy món này ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Mà hình như điều này cũng đúng, vì ở Hồng Kông, Đài Loan hay Singapore, Malaysia hầu như không tìm thấy món hủ tiếu độc đáo này. Không rõ ai là người đầu tiên sáng tạo ra món hủ tiếu sa tế. Có tài liệu thì cho rằng một người Triều Châu trong Chợ Lớn đã chế ra món ăn độc đáo này và mở tiệm đầu tiên trên đường Triệu Quang Phục, quận 05. Có người dựa trên lập luận "sa tế của Chà" mà cho rằng đây là kiểu ăn của người Chà Và lai trộn với kiểu ăn người Minh Hương Chợ Lớn. Cũng nói thêm về chữ "Chà Và", đây là cách đọc trại từ chữ "Java" (hòn đảo lớn của Indonesia), cũng là để chỉ những người đến từ đảo Java, về sau này dùng để gọi tất cả những người có màu da ngâm ngâm như Chà Bom bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma ní (Manila, Phillipines).... Mà chắc không tô hủ tiếu nào lại độc đáo như hủ tiếu sa tế, khi mà có đến gần 20 gia vị khác nhau như tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế, ớt khô, ớt bột, đậu phộng, mè rang… Đặc biệt là mùi vị thanh dịu mà không kém phần nồng nàn, mang đủ vị cay, chua, béo, mặn, ngọt độc đáo mà có lẽ rất khó tìm thấy ở các món hủ tiếu khác. Khi món này được bưng ra, chắc chắn bạn sẽ bị cuốn hút bởi mùi thơm hòa quyện của sa tế cay cay và đậu phộng béo ngậy.
Ẩm thực
Những điều thú vị về bún bò viên
Nếu để mô tả ngắn gọn về món bún bò viên này, chắc tôi sẽ mượn cụm từ "đề huề Việt Trung Ấn" của học giả Vương Hồng Sển khi nói về một món ăn trong Chợ Lớn. Nghe qua thoạt như chuyện thời sự nhưng thật ra lại phản ảnh giao thoa thú vị của nhiều phong cách ẩm thực trong cùng một món ăn. Vì sao món bún bò viên lại "đề huề Việt - Trung - Ấn"? Bún: nhìn chung trong ẩm thực Việt Nam có lẽ chưa món ăn nào lại đa dạng về sự kết hợp cũng như có mặt trên khắp mọi miền đất nước như bún. Nếu như miền Bắc có bún chả, bún riêu cua, bún mọc, bún thang... thì miền Trung có bún cá hay bún mắm nêm, còn miền Nam thì "đóng góp" thêm bún mắm, bún suông, bún bì, bún thịt nướng... Tùy từng vùng miền mà có những cách chế biến tương ứng để phù hợp với khẩu vị địa phương. Xét về mặt phổ biến ở Sài Gòn có lẽ bún cũng ngang ngửa với cơm, phở hay hủ tiếu. Bò viên: là món ăn phổ biến của người Hoa ăn chung với mì, hoành thánh, hủ tiếu hay bỏ lẩu cũng đều ngon. Hầu hết những phiên bản bò viên, cá viên hay thịt heo viên ở các nhà hàng Hoa đều khá to, khi du nhập vào Việt Nam giảm dần về kích cỡ, có chỗ xắt ra nhiều miếng, có chỗ thì để nguyên. Ở Sài Gòn ta dễ dàng tìm thấy bò viên trong trong các quán phở (như một cách chiều theo khẩu vị miền Nam?) và các quán hủ tiếu, mì của người Hoa.
Ẩm thực