Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 nói trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc chăm lo cho đội ngũ, nguồn lực đầu tư cho giáo dục cần tương xứng, nếu không chủ trương "giáo dục là quốc sách hàng đầu" vẫn chỉ dừng lại ở lời nói mà thôi.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định lương nhà giáo sẽ được tính toán xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp khi cải cách tiền lương mới thực hiện từ 1.7.2024. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý nguồn lực chuẩn bị cải cách tiền lương mới sau năm 2024 tiếp tục tăng 7% để bù trượt giá, tăng GDP và chỉ đảm bảo đến năm 2026. Sau thời gian này, nếu không nỗ lực thì khó thực hiện tiếp chính sách tiền lương mới.
Vì vậy, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hằng năm, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thời gian tới nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững. Trong đó tiếp tục sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước để có thêm nguồn thực hiện cải cách tiền lương.
Không ít chuyên gia đã phát biểu "chính sách không vẽ được ra tiền", chỉ có năng suất lao động mới tạo ra của cải vật chất, tiền bạc và cần trả lương theo đúng vị trí việc làm, mức độ đóng góp. Cũng giống như các ngành khác, ngành giáo dục cần phải cơ cấu lại hệ thống các trường công lập; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên; giảm biên chế thừa; cho nghỉ việc những người năng lực yếu kém… Làm được việc này năng suất lao động sẽ tăng, lương nhà giáo sẽ tăng, cuộc sống nhà giáo sẽ ổn định bền vững. Không cần chính sách ưu đãi mang tính… ưu tiên ngành nghề. Nguồn lực nhà nước chỉ nên tập trung cho các địa bàn thực sự khó khăn chứ không trải đều như hiện nay.
Bản thân các địa phương cũng chủ động đề xuất điều này. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, bày tỏ mong muốn có hành lang pháp lý rõ hơn để quy định tự chủ trong giáo dục phổ thông công lập vì hiện mới có các cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục ĐH. Theo ông, ngành GD-ĐT Hà Nội đang tham mưu rất quyết liệt về vấn đề tự chủ cho trường công lập trên địa bàn TP. Sẽ tính toán về giá dịch vụ đối với GD-ĐT để góp phần giải quyết "nút thắt" trong việc thiếu biên chế, nguồn lực để tăng lương nhà giáo, phát huy vai trò tự chủ trong các trường học.
Không thể yêu cầu nhà giáo cống hiến với thù lao không đủ sống, nhưng để tăng lương họ cao nhất trong bối cảnh nguồn lực có hạn thì sự tính toán, sắp xếp phù hợp theo năng suất lao động, theo điều kiện kinh tế của từng địa bàn cũng là cách để nguồn lực nhà nước được sử dụng đúng và đủ.
Bình luận (0)