Nguồn lực ổn định và bền vững

28/11/2020 10:00 GMT+7

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn nằm trong top 10 những nước nhận kiều hối cao nhất thế giới . Bất chấp Covid-19, năm nay lượng kiều hối chảy về thị trường nội địa vẫn ổn định, lên đến hàng chục tỉ USD.

Không chỉ dừng ở việc hỗ trợ người thân, dòng kiều hối còn chảy vào sản xuất kinh doanh, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế đất nước.
Là nền kinh tế mở, phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực nước ngoài như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất khẩu, kiều hối..., nên mỗi khi thế giới có biến động, chúng ta lại phập phồng lo ảnh hưởng đến nguồn ngoại tệ, đặc biệt năm nay đại dịch kéo dài và lan rộng khiến nỗi lo này càng thêm tăng cao. Thế nhưng, trong suốt 11 tháng qua, nếu FDI và xuất khẩu lúc trồi lúc sụt thì kiều hối vẫn ổn định, thậm chí tăng.
Theo dữ liệu kiều hối thường niên của Ngân hàng thế giới (WB), VN là nước có lượng kiều hối lớn đứng thứ 9 trên thế giới, ước năm 2019 đạt 16,7 tỉ USD (chiếm 6,4% GDP), tăng 700 triệu USD so với năm 2018. Dòng kiều hối về VN qua 26 năm đã tăng khoảng gần 120 lần, từ mức 0,14 tỉ USD năm 1993 lên 10 tỉ USD năm 2012; đến 2018 tăng vọt lên 16 tỉ USD. VN đứng thứ ba tại châu Á và duy trì trong top 10 thế giới thu hút kiều hối trong nhiều năm trở lại đây. WB đánh giá, giai đoạn 2002 - 2015, kiều hối chiếm khoảng 6% GDP, FDI và ODA vào VN lần lượt là 7,7% và 3% GDP. Tại TP.HCM, địa phương chiếm hơn 50% kiều hối của cả nước, lượng kiều hối chuyển qua các đơn vị trên địa bàn từ đầu năm đến nay đã vượt 4 tỉ USD và đang tiếp tục tăng nhanh và khả năng sẽ vượt con số 5 tỉ USD trong năm 2019. Đặc biệt, nguồn vốn từ kiều hối không tạo gánh nặng nợ nước ngoài như các dòng vốn khác, giúp kinh tế giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình huy động vốn, hỗ trợ cán cân thanh toán quốc gia…
Bên cạnh kiều hối mỗi năm, hàng trăm hàng ngàn trí thức kiều bào ở nước ngoài là các giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học đã về nước làm ăn, hợp tác với các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp... Đây thực sự là một nguồn lực vô cùng quý báu trong việc phát triển đất nước, đặc biệt là trong cuộc cách mạng 4.0 và trong bối cảnh VN ký kết rất nhiều hiệp định thương mại đa phương, song phương thời gian vừa qua. Lực lượng kiều bào chính là cánh tay nối dài để quảng bá, đưa hàng hóa, sản phẩm trong nước đi khắp thế giới.
Đó chính là lý do mà các chính sách cho kiều bào ngày càng được Đảng và Chính phủ quan tâm. Việc thu hút kiều bào về nước làm ăn ngày càng được chú trọng, đẩy mạnh. Bởi dù đi đâu, sống ở đâu, mỗi người Việt đều hướng về đất nước. Cái họ cần chính là một môi trường thông thoáng, cởi mở, minh bạch... Các chính sách tạo ra sự thuận tiện, công bằng, ổn định để họ có thể yên tâm đầu tư, yên tâm cống hiến. Được như vậy thì việc thu hút nguồn lực, trí lực từ kiều bào sẽ càng hiệu quả, càng góp phần phát triển kinh tế, xã hội...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.