Theo Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm nay sẽ rớt mạnh từ mức 1,54 nghìn tỉ USD của năm 2019 xuống dưới 1 nghìn tỉ USD, mức thấp kỷ lục tính từ năm 2005. Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2020 của Liên hiệp quốc cũng dự báo FDI sẽ giảm thêm 5 - 10% trong năm 2021 và chỉ bắt đầu hồi phục năm 2022.
“Tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay thực sự nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đại dịch Covid-19 đã gây nên cú sốc lớn về cung, cầu và chính sách đối với FDI”, tổng thư ký UNCTAD - ông Mukhisa Kituyi nhấn mạnh.
Ông Kituyi cho rằng ảnh hưởng của đại dịch sẽ tác động mạnh đến các nước đang phát triển, làm gián đoạn những ngành nghề sản xuất chính, kiều hối cũng như doanh thu từ du lịch sụt giảm và hoạt động thương mại với thế giới bị thu hẹp.
“Cú sốc sẽ càng trầm trọng hơn bởi sự ảnh hưởng về an ninh lương thực do việc sản xuất những lương thực chính tập trung ở vài nước lớn đang khủng hoảng vì đại dịch lan rộng. Việc kiểm soát dịch bệnh chỉ là một phần trong những thử thách mà các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt”, ông Kituyi nhận định.
Tại châu Á, đại dịch dự kiến gây ra sự sụt giảm tái đầu tư của các công ty nước ngoài trong khi cơn khủng hoảng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác vốn được xem là trung tâm sản xuất toàn cầu.
Báo cáo của Liên hiệp quốc cũng cho thấy những dòng chảy FDI chỉ tăng nhẹ 3% năm 2019 sau khi sụt giảm mạnh năm 2017 và 2018.
Với Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần từ đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2020, tính đến ngày 20.4, đạt 12,33 tỉ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019.
“Như chúng ta đã thấy trong quá khứ, đầu tư quốc tế đóng vai trò dẫn dắt sự hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”, James Zhan - giám đốc về đầu tư và doanh nghiệp của UNCTAD khẳng định về tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bình luận (0)