Nguy cơ cho vay P2P của Trung Quốc tràn sang Việt Nam

Thanh Xuân
Thanh Xuân
04/11/2019 06:42 GMT+7

Các sàn cho vay ngang hàng (P2P) Trung Quốc đã tràn sang Việt Nam sau khi sụp đổ tại nước này.

Lãi suất 1.600%/năm

Cục Cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an hiện đang phối hợp với Công an TP.HCM điều tra vụ án “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại địa bàn TP.HCM và nhiều địa phương khác trong cả nước. Cụ thể, đầu tháng 4, Jiang Miao và Niu Li Li (đều quốc tịch Trung Quốc), chủ Công ty Vinfin tạo ra các ứng dụng (app) trên điện thoại di động hệ điều hành Android, để cho khách vay tiền mang tên “Vayt.ocdo”, “Moreloan”, “VD Online”. Khi khách có nhu cầu vay tiền, phải tải 1 trong 3 ứng dụng trên về máy điện thoại di động và hoàn tất đăng ký, hồ sơ vay tiền sẽ do nhân viên Công ty Vinfin thẩm định.
Nếu người vay thỏa mãn đầy đủ điều kiện vay tiền thì hệ thống tài khoản của Công ty Vinfin sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Tùy hình thức cho vay, khách hàng có thể được vay từ 1,7 - 2,75 triệu đồng, với mức lãi suất lên đến 1.600%/năm. Khi người vay không trả được nợ, nhân viên sẽ liên tục điện thoại đến cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay để chửi bới, đe dọa với mục đích để những người này nói với người vay trả tiền.
Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, tính từ khi hoạt động đến lúc bị phát hiện các đối tượng đã thực hiện 60.000 giao dịch cho vay tiền trên cả nước với số tiền khoảng 100 tỉ đồng.
Trung Quốc là nước dẫn đầu thị trường cho vay P2P trên toàn cầu với doanh số có thời điểm lên 192 tỉ USD, kế đến là Mỹ, Anh, Thụy Sĩ, Ý. Đến năm 2017, cho vay P2P phát triển khá mạnh tại Trung Quốc khi người dân xem đây là kênh đầu tư. Theo Hiệp hội Tài chính internet quốc gia Trung Quốc, đến tháng 6.2018 có khoảng 50 triệu người tham gia vào nền tảng cho vay P2P, với tổng dư nợ lên đến 1.300 tỉ nhân dân tệ (tương đương 192 tỉ USD).
Khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp quản lý thị trường, hàng loạt các sàn sụp đổ, số nợ không trả qua các hình thức cho vay ngang hàng ở nước này được xác định lên tới hơn 177 tỉ USD. Mới đây, cơ quan điều hành tại trung tâm tài chính Trung Quốc tiếp tục ra lệnh cho hơn 40 tổ chức cho vay P2P tại Thượng Hải phải đóng cửa hoạt động. Đây được xem là cú đánh mới nhất vào một ngành kinh doanh trực tuyến đã bị thu hẹp một nửa trong năm nay.
Từ tháng 1 - 9, theo thông tin từ Ủy ban Điều tiết ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc, có khoảng 1.200 sàn cho vay ngang hàng đã đóng cửa, dư nợ cho vay giảm đến 48%. Tính đến tháng 9, tại Trung Quốc có khoảng 600 tổ chức P2P (thời điểm cao nhất lên đến 6.600 sàn) nhưng theo phân tích của Citigroup, ước tính đến tháng 11 năm nay, Trung Quốc còn khoảng 50 sàn có thể sống sót - con số này được xem là khá lạc quan khi một số chính quyền địa phương chỉ thị chấm dứt hoàn toàn hoạt động cho vay ngang hàng trong những tháng tới.

Tạo app cho vay ở nhiều nước

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Công ty NextTech, cho hay đây là lần sập thứ hai của hệ thống cho vay P2P tại Trung Quốc. Sau lần sập thứ nhất vào năm ngoái, các công ty Trung Quốc đã tràn sang các thị trường Đông Nam Á, trong đó có VN. Những người Trung Quốc thuê người Việt đứng tên thành lập các công ty để tạo các app cho vay. Trước tình hình này, một số nước như Indonesia đã có cảnh báo người dân không tải app cho vay và đi vay, đồng thời cấp phép cho các công ty hoạt động chính thức trong lĩnh vực này để quản lý.
VN hiện rất dễ rơi vào tình trạng như Trung Quốc, kể cả các hệ lụy nếu không hành động ngay. Ông Nguyễn Hòa Bình đề xuất cơ quan chức năng, ban ngành cần sớm cấp phép các doanh nghiệp thực hiện thí điểm, để từ đó làm cơ sở xử lý những công ty không có giấy phép, núp bóng hoạt động cho vay P2P.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), cho rằng rất có khả năng những sàn cho vay P2P sẽ tràn sang VN. Thị trường VN có khoảng 40 công ty P2P, trong số này có một số đến từ Trung Quốc, Malaysia... VN chưa có con số giá trị giao dịch chính thức, nhưng ước tính khoảng hơn 1 tỉ USD với khoảng 3.000 - 3.500 giao dịch mỗi ngày.
“Khó có thể ngăn chặn người nước ngoài thuê người Việt đứng tên công ty thực hiện mở các sàn cho vay P2P. Để tránh trở thành nạn nhân, người dân không nên tham gia vào hình thức này dưới góc độ là người đi vay hay cho vay”, ông Hiếu cảnh báo.
Đừng thấy mô hình cho vay P2P phát triển tại Mỹ, Anh... mà có thể triển khai tại các nước châu Á. Những nước phát triển có dữ liệu thông tin cá nhân khá tốt nên mô hình này không nhiều rủi ro cho người tham gia.
Còn hệ thống dữ liệu thông tin của các nước Châu Á quá nhiều vấn đề. Người cho vay nếu tham gia vào trúng đường dây lừa đảo là các công ty tạo ra sàn cho vay thì khi số tiền trên hệ thống lớn, những người tạo lập sàn sẽ ôm bỏ trốn. Còn những người đi vay thì phải trả nợ ở lãi suất rất cao, đó là chưa kể bị “xã hội đen” tìm đến đòi nợ.
TS Đinh Thế Hiển (Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học & kinh tế ứng dụng)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.