Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trước các nhà đàm phán Nga và Ukraine trước cuộc hội đàm trực tiếp của họ tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29.3 |
reuters |
Theo Reuters, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Phát biểu trước các nhà báo Ba Lan vào ngày 29.4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ sự bi quan trước triển vọng tiếp tục đàm phán với Nga. Tổng thống Zelensky cũng nói người dân Ukraine đang tức giận vì các hành động của Nga.
"Rủi ro đàm phán sẽ phải đóng lại là rất cao vì người Nga đã để lại cho người dân Ukraine ấn tượng rằng Moscow có kế hoạch giết người", Interfax dẫn lời ông Zelenskiy nói với các nhà báo Ba Lan.
Nguy cơ hòa đàm Nga-Ukraine đổ vỡ |
Cùng ngày 29.4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đổ lỗi cho Ukraine về việc đàm phán bị đình trệ.
"Chúng tôi gặp khó khăn vì sự thiếu nhất quán của họ, vì họ lúc nào cũng muốn chiêu trò và theo như tôi đoán là vì Washington, London và phương Tây đưa ra chỉ thị yêu cầu họ không đẩy nhanh quá trình đàm phán”, ông Lavrov trả lời câu hỏi của Đài Al Arabiya.
Ngoại trưởng Nga cũng nói rằng Ukraine sẽ được các nước thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đảm bảo an ninh nếu nước này "trung thực" trong các cuộc đàm phán.
Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã đăng ngày 30.4, ông Lavrov tiếp tục cho biết Nga ủng hộ đàm phán sâu hơn với Ukraine. Tuy nhiên, nỗ lực này đang bị sự kích động của phương Tây cản trở.
Ngoại trưởng Nga cũng nói các quốc gia phương Tây xúi giục Kyiv "chiến đấu cho đến người Ukraine cuối cùng" bằng cách vận chuyển vũ khí và cản trở các cuộc đàm phán.
"Tôi tin rằng các thỏa thuận chỉ có thể đạt được khi Kyiv bắt đầu hành động vì lợi ích của người dân Ukraine, chứ không phải của các ‘cố vấn từ xa’", ông Lavrov nói thêm.
Xem nhanh: Ngày 65 chiến dịch của Nga, Mỹ đẩy mạnh hỗ trợ quân sự Ukraine |
Ngoại trưởng Lavrov cho biết các phái đoàn Nga và Ukraine đang tiếp tục đàm phán hàng ngày qua cuộc gọi video và việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận với Nga là một phần của quá trình này. Ông Lavrov tuyên bố rằng một thỏa thuận ở Ukraine sẽ góp phần to lớn vào việc giảm leo thang căng thẳng không chỉ ở châu Âu, mà trên toàn thế giới.
Lần gần nhất đoàn đàm phán của Nga và Ukraine đối thoại trực tiếp là vào ngày 29.3. Căng thẳng tăng cao sau khi Ukraine cáo buộc quân đội Nga đã giết hại dân thường lúc rút khỏi các khu vực xung quanh Kyiv. Moscow bác bỏ các cáo buộc này và tố Ukraine dàn dựng hiện trường để làm chệch hướng các cuộc đàm phán hòa bình và khiến phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Cả Mỹ và Anh đều lên tiếng ủng hộ Ukraine trong các cuộc đàm phán nhưng nói rằng điều quan trọng là phải tiếp tục trang bị vũ khí cho Kyiv.
Bình luận (0)