Trưa 20.4, sau phần thẩm vấn và tranh luận, TAND Q.5 (TP.HCM) quyết định tạm ngừng phiên xử sơ thẩm vụ án dân sự “tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phương Du (46 tuổi, trú Q.Gò Vấp, TP.HCM) và bị đơn là Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Lý do tạm ngừng phiên xử, HĐXX xét thấy tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ chưa đủ xác định chai bia dùng làm vật chứng có phải là sản phẩm của Sabeco hay không. Vì vậy cần thu thập thêm tài liệu về nguồn gốc của chai bia dùng làm vật chứng. Đồng thời, HĐXX yêu cầu lấy lời khai của bộ phận sản xuất Sabeco để làm rõ các ký hiệu chai bia.
Rút yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường 23 tỉ đồng
Trong đơn khởi kiện, ông Du trình bày tháng 9.2018, ông mua bia Sài Gòn đỏ về nhà uống thì phát hiện có chai bia còn nguyên nắp, nguyên tem nhưng bên trong chỉ có 1/3 chất lỏng. Ông Du giữ lại chai này làm vật chứng và phản ánh sự việc tới Sabeco. Tuy nhiên, do phía Sabeco hứa hẹn giải quyết nhưng không có câu trả lời thỏa đáng về sản phẩm không đảm bảo chất lượng này nên cuối năm 2018 ông Du khởi kiện ra tòa, yêu cầu tòa buộc Sabeco bồi thường trị giá chai bia nhãn hiệu Sài Gòn đỏ là 10.500 đồng; tổn thất tinh thần tương đương 10 tháng lương tối thiểu tại khu vực TP.HCM là 39,8 triệu đồng; buộc Sabeco đăng xin lỗi công khai ông Du với tư cách người tiêu dùng trên 3 số báo liên tục của 4 tờ báo.
Kết luận giám định nói gì về chai bia bị lỗi ?Về nội dung nắp chai bia Sài Gòn đỏ (mẫu vật giám định, chai bia do nguyên đơn nộp cho tòa) còn nguyên như sản phẩm mới hay không, tháng 6.2019, Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM giám định và kết luận không phát hiện thấy dấu vết thủng, trượt xước, biến dạng lạ trên nắp; nắp chai bia giám định có đặc điểm giống với nắp chai bia làm mẫu so sánh, do Sabeco nộp.
Về nhãn mác chai bia, tháng 7.2019, Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM đã tiến hành giám định và kết luận các lớp in trên nhãn mác của chai bia được đem đi giám định - vật chứng vụ án, so với các lớp in trên nhãn mác của 1 chai bia tương tự (do Sabeco nộp), không phải được in ra từ cùng một bản in.
Tại phiên tòa, do 2 kết luận giám định trên không khẳng định mẫu vật giám định là sản phẩm của Sabeco, nên đại diện Viện KSND Q.5 tham gia phiên tòa hỏi đại diện Sabeco rằng “kiểu dáng và nhãn mác chai bia được đăng ký sở hữu không?”, ông Dương Văn Minh trả lời: “Có”.
Trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND đề nghị tạm ngừng phiên tòa để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ chứng minh chai bia bị lỗi có phải là sản phẩm của Sabeco. HĐXX đồng ý và sẽ thông báo lịch xét xử sau.
|
Tại phiên tòa sáng qua, đại diện ủy quyền của nguyên đơn cho biết ông Du rút yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường 23 tỉ đồng, giữ nguyên các yêu cầu khởi kiện ban đầu, nhưng không nêu lý do rút yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường 23 tỉ đồng.
“Nguyên đơn tự biến mình thành nạn nhân”
Tại tòa, trong phần tranh luận, luật sư (LS) bảo vệ quyền lợi cho Sabeco cho rằng lời khai của ông Du bất nhất, chẳng hạn ban đầu ông Du khai mua chai bia về uống và phát hiện chai bia bị lỗi. Sau đó, trong các biên bản làm việc, trình bày, ông Du lại khai khi nhậu tại quán H.R thì thấy chai bị lỗi. Vì vậy, không thể sử dụng lời khai của ông Du để giải quyết vụ án.
Ngoài ra, LS của Sabeco cho rằng ông Du không phải người tiêu dùng. Bởi khi đang ngồi nhậu tại nhà hàng H.R, phát hiện chai bia bị lỗi, thay vì trả lại nhà hàng như phía nhà hàng đề nghị thì ông Du lại “năn nỉ” để được mua lại. Qua đó, LS của Sabeco đặt vấn đề động cơ, mục đích của ông Du trong việc mua lại chai bia và cho rằng không phải vì mục đích tiêu dùng. “Ông Du cố tình mua chai bia bị lỗi, lấy gì chứng minh ông Du bị đau khổ, bị tổn thất tinh thần vì chai bia này? Ông Du tự biến mình thành nạn nhân”, LS này nêu tại tòa.
Bên cạnh đó, LS của Sabeco đánh giá chai bia do ông Du nộp cho tòa không phải là vật chứng của vụ án, bởi chai bia mà nguyên đơn dùng làm vật chứng lại không hề có biên bản thu giữ vật chứng theo một trình tự hợp pháp tại thời điểm và nơi xảy ra sự việc. Vị LS này dẫn quy định tại điều 93 bộ luật Tố tụng dân sự, rằng “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do tòa thu thập theo trình tự thủ tục…” để nhận định chai bia bị lỗi không có giá trị là chứng cứ.
“Giả sử chai bia bị lỗi được xác định là vật chứng của vụ án, thì căn cứ các kết luận giám định vẫn chưa đủ cơ sở kết luận chai bia này là sản phẩm của Sabeco”, LS của Sabeco nhấn mạnh và đưa ra 2 phương án giải quyết vụ án: nếu tòa xác định ông Du không phải là người tiêu dùng thì đình chỉ vụ án; còn trường hợp tòa xác định ông Du là người tiêu dùng thì bác toàn bộ yêu cầu của ông Du.
Đại diện ủy quyền của Sabeco, ông Dương Văn Minh, tranh luận bổ sung, tiếp tục đề nghị TAND Q.5 chuyển hồ sơ vụ án qua cơ quan điều tra để làm rõ động cơ, mục đích của ông Du.
“Quy định nào bắt người tiêu dùng mua bia về là để uống ?”
Tranh luận lại, LS bảo vệ quyền lợi cho ông Du trình bày, lời khai ông Du có thay đổi nhưng trên tinh thần chung ông Du đã bỏ tiền mua chai bia bị “khuyết tật” và khi ông Du mua sản phẩm thì ông Du chính là người tiêu dùng. Còn mục đích tiêu dùng, mua chai bia để làm gì thì không có luật pháp nào đặt ra. “Làm sao bắt người tiêu dùng mua bia về là phải uống, phải thế này thế nọ mới có quan hệ với Sabeco”, LS bảo vệ cho ông Du nhấn mạnh.
Về việc đòi hỏi người tiêu dùng phải lập biên bản thu giữ chai bia, phía LS của ông Du trình bày: “Lập biên bản như thế nào, ở đâu, biên bản do ai ký, có quy định pháp luật nào bắt buộc, hướng dẫn người tiêu dùng thực hiện hay không? Hơn nữa, theo điều 42 luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại”. Vì vậy, pháp luật đã loại trừ người tiêu dùng phải có nghĩa vụ chứng minh chai bia bị khiếm khuyết kia có phải của Sabeco hay không”.
Bình luận (0)