Nguyên nhân không ngờ khiến đau mắt đỏ dễ lây lan khi 'yêu'

Liên Châu
Liên Châu
27/08/2023 16:16 GMT+7

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ gây dịch. Những khu vực có mật độ người đông, khoảng cách tiếp xúc gần là nguy cơ lây lan rất cao. Quan hệ tình dục cũng dễ dàng làm lây bệnh đau mắt đỏ.

Theo Bệnh viện Mắt T.Ư, đau mắt đỏ (viêm kết mạc mắt) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng điển hình là đỏ mắt.

Viêm kết mạc hai mắt là dạng phổ biến nhất của viêm kết mạc do adenovirus gây ra. Bệnh có biểu hiện đột ngột bằng đỏ mắt, ra gỉ mắt nhiều, thường kèm theo đau họng. "Nên chẩn đoán phân biệt với viêm kết mạc do vi khuẩn chlamydia, các chủng virus khác và cả các viêm kết mạc do dị ứng", TS - BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt T.Ư) lưu ý.

Nguyên nhân không ngờ khiến đau mắt đỏ dễ lây lan khi "yêu" - Ảnh 1.

Đau mắt đỏ do andenovirus rất dễ lây lan, đặc biệt khi tiếp xúc gần

TTYTQ6

Dạng viêm nhiễm nặng nhất do adenovirus. Bệnh luôn kèm theo đỏ mắt và có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác là hơi sợ sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Sau khi một mắt bị bệnh, mắt còn lại cũng bị bệnh, thường sẽ xảy ra sau 4 - 5 ngày kể từ ngày khởi phát, biểu hiện nhẹ nhàng hơn so với mắt thứ nhất do cơ thể đã bắt đầu có miễn dịch chống lại virus.

Virus rất dễ lây lan và không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Sự lây truyền thường xảy ra ở những quần thể nhỏ, có sự tiếp xúc gần giữa các cá nhân. 

"Sau thời gian ủ bệnh khoảng 8 ngày, mắt trở nên đỏ, gỉ mắt lẫn với nước kèm theo cảm giác có dị vật trong mắt. Các dấu hiệu khác có thể thấy như sưng đau hạch trước tai, kết mạc sụn mi có hột nổi lên. Hai biểu hiện này gợi ý cao độ bệnh nhân bị viêm kết mạc do adenovirus", bác sĩ Cương cho hay.

Nhiễm virus có thể tự kiềm chế nhưng cũng có khi lan tràn gây suy đa phủ tạng trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

"Yêu" cũng dễ dàng làm lây lan đau mắt đỏ

Theo bác sĩ Hoàng Cương, đau mắt đỏ là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử lý kịp thời khi mắc bệnh.

Virus lây lan qua tay nhiễm bệnh, giấy, khăn... và bất cứ vật dụng mà bệnh nhân chạm vào cũng có thể là nguồn lây tiềm tàng.

Đáng lưu ý, không phải là bệnh lây qua đường tình dục nhưng "yêu" cũng dễ dàng làm lây lan đau mắt đỏ. 

Về đường lây nhiễm đau mắt đỏ mà nhiều người không ngờ tới này, bác sĩ Hoàng Cương giải thích: "Các niêm mạc người mắc đau mắt đỏ (miệng họng, hô hấp, mắt, sinh dục, tiêu hóa) đều có virus gây bệnh. Khi "yêu" là tiếp xúc trực tiếp, trong đó có cả "trao nước bọt cho nhau" nữa, virus vì vậy dễ dàng lây lan".

Cách phòng bệnh đau mắt đỏ

Adenovirus từ lâu đã được biết đến là nguyên nhân gây đau mắt đỏ hàng đầu. Để phòng bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hướng dẫn: mỗi người nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang.

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.