Nguyên nhân thường gặp gây đột quỵ ở người trẻ

Liên Châu
Liên Châu
18/11/2024 09:10 GMT+7

Tại VN, mỗi năm có khoảng 200.000 ca đột quỵ và con số này đang gia tăng. 71% những người bệnh sau đột quỵ mất khả năng lao động. Tại các quốc gia, trong số ca tử vong do đột quỵ có 6% là người trẻ.

Đột quỵ nhầm tưởng là say rượu

Các bác sĩ (BS) khoa Cấp cứu - Bệnh viện E (Hà Nội) tiếp nhận nam bệnh nhân (BN) 48 tuổi (ở Hà Nội) nhập viện do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, qua khám lâm sàng, xét nghiệm, kết quả chụp sọ não, các BS xác định người bệnh bị đột quỵ nhồi máu não trái, nguyên nhân do tắc một nhánh động mạch mạch máu não trái.

BN có tiền sử mỡ máu cao, thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá. Một ngày trước khi bị đột quỵ, BN có cơn thiếu máu não thoáng qua với biểu hiện tê yếu một bên tay và chân, đau đầu dữ dội, chóng mặt, giảm thị lực, khó nói… Nghĩ mình bị say rượu, BN chỉ nghỉ ngơi tại nhà. Sau đó, trong lúc điều khiển ô tô trên đường, BN bị đột quỵ đột ngột, rơi vào trạng thái nguy hiểm, không kiểm soát được các phản xạ khi tham gia giao thông.

Nguyên nhân thường gặp gây đột quỵ ở người trẻ- Ảnh 1.

Khi có biểu hiện nghi đột quỵ, người bệnh cần đến cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất

ẢNH: THÚY ANH

"May mắn BN được đưa đến bệnh viện và can thiệp kịp "giờ vàng", giảm thấp nhất các biến chứng nguy hiểm do đột quỵ", Th.S-BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, khoa Cấp cứu - Bệnh viện E, thông tin.

Nguyên nhân

Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai có thời điểm liên tiếp nhận 6 ca đột quỵ là người trẻ (dưới 45 tuổi). Trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 50 ca đột quỵ. Trong số các BN đột quỵ trẻ, có BN nam 32 tuổi (ở Hà Nội) được gia đình chuyển đến trong tình trạng ý thức rối loạn, liệt nửa người bên trái.

"Đây là ca đột quỵ nặng, BN bị nhồi máu não do tắc mạch máu lớn, là mạch nuôi dưỡng 1/2 bán cầu não. Nếu không thông được mạch này, khả năng BN sẽ không qua khỏi", TS-BS Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá.

Theo Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ ở người trẻ thường có các bệnh lý kèm theo như tiền sử có bệnh tim mạch. Nam BN 32 tuổi nêu trên có bệnh tim mạch (bị rối loạn nhịp tim) đã được BS chuyên khoa chỉ định dùng thuốc điều trị, trong đó có thuốc chống đông máu, nhưng BN đã tự ý dừng thuốc khi thấy bệnh ổn định.

TS-BS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: "Về đột quỵ ở người trẻ, chúng tôi ghi nhận 2 nhóm bệnh là chảy máu não và thiếu máu não". Với BN trẻ bị đột quỵ do chảy máu não, có nguyên nhân do tăng huyết áp. Còn đột quỵ thiếu máu não ở BN trẻ hay gặp nguyên nhân do rung nhĩ tiềm ẩn, tiềm tàng từ trước mà không phát hiện ra. Hoặc đột quỵ ở người trẻ do dị dạng mạch máu lâu rồi nhưng chưa được chẩn đoán sớm.

Cũng theo TS Dũng, người trẻ thường chủ quan, ăn uống, sinh hoạt thiếu cân bằng, hút thuốc lá, rượu bia nhiều, hoặc stress là yếu tố liên quan làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Béo phì, ít vận động cũng góp phần làm tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày nay báo động hơn. Do đó, để ngừa đột quỵ, người trẻ cần duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân béo phì, duy trì vận động thể lực phù hợp.

Trường hợp BN nghi ngờ đột quỵ thì cần đến cơ sở y tế sớm nhất có thể, vì mỗi giây, mỗi phút trôi qua, hàng triệu nơ ron thần kinh mất đi không hồi phục. "Điều trị tái tưới máu càng sớm càng tốt. Càng để lâu thì tế bào não không hồi phục, mất đi, khiến BN tàn phế", TS Dũng lưu ý.

Nhận biết dấu hiệu đột quỵ

Rung nhĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý về mạch vành là các yếu tố chính làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, người có tiền sử bị đột quỵ hay cơn đột quỵ thoáng qua cũng có nguy cơ tái phát đột quỵ rất cao. Đột quỵ ở người trẻ có xu hướng gia tăng đáng báo động, chiếm khoảng 25% các ca đột quỵ.

Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là từ 4 - 6 tiếng, do đó việc nhận biết sớm các triệu chứng của đột quỵ là vô cùng quan trọng.

Người bị đột quỵ thường gặp phải các tình trạng như:

Cảm thấy mất thăng bằng, loạng choạng.

Mờ hoặc mất thị lực một phần hay hoàn toàn.

Khuôn mặt bị mất cân đối, chảy xệ một bên mặt, nhân trung bị lệch.

Cơ thể mệt mỏi, không sức lực, khó khăn trong vận động, bị liệt một bên.

Giọng nói bị thay đổi, khó khăn trong phát âm, nói ngọng bất thường.

Khi thấy một người có những triệu chứng trên, hãy gọi ngay cho số cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

(Nguồn: Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.