Nguyên Phó chánh thanh tra giao thông khai dùng tiền mãi lộ để mua chức

22/06/2017 13:09 GMT+7

Bị cáo Dương Minh Tâm khai tại tòa mình dùng 370 triệu đồng tiền mãi lộ để 'mua ghế' Phó chánh thanh tra giao thông TP.Cần Thơ.

Sáng 22.6, ngày thứ hai trong phiên tòa sơ thẩm xét xử nhóm thanh tra giao thông (TTGT) Cần Thơ nhận tiền “bảo kê” các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để bỏ qua các lỗi vi phạm giao thông đường bộ, HĐXX tiếp tục cho công bố lời khai của nhiều bị hại liên quan đến hành vi nhận hối lộ của nhóm TTGT.
Nhận tiền “bảo kê” để chạy chức Phó chánh thanh tra
Đối với bị cáo Dương Minh Tâm (nguyên Phó Chánh TTGT TP.Cần Thơ) trong phần thẩm vấn trước đó cũng đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình từ lúc làm Đội trưởng TTGT Q.Ninh Kiều cho đến khi lên chức Phó Chánh TTGT được vài tháng thì bị bắt.
Tại phiên tòa, trước đó bị cáo Tâm cũng thừa nhận việc cáo trạng quy kết bị cáo đã nhận tiền của 13 doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền trên 413 triệu đồng là đúng.
Tuy nhiên khi trả lời tại phần thẩm vấn của luật sư vào sáng 22.6 về mục đích sử dụng số tiền nhận hối lộ, bị cáo Tâm khai nhận: “Sau khi nhận tiền từ các doanh nghiệp, ngoài việc tiêu xài, mua sắm… bị cáo đã dùng số tiền 370 triệu chi cho anh Trương Văn Phúc (nguyên Chánh TTGT Cần Thơ) để nhờ anh Phúc “chạy” lên chức Phó chánh thanh tra. Thời điểm này, anh Phúc đang là Phó Chánh TTGT chuẩn bị lên chức Chánh Thanh tra, còn bị cáo lúc đó là Đội trưởng TTGT Q.Ninh Kiều. Riêng việc anh Phúc có đưa tiền lại cho người khác hay không thì bị cáo không biết”.
Nguyên Đội trưởng Đội cơ động đường bộ chối tội
Bị cáo Đoàn Vũ Duy tại phiên tòa ngày 22.6 Ảnh: Mai Trâm
Cũng trong phần thẩm vấn sáng 22.6, trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Đoàn Vũ Duy (nguyên Đội trưởng Đội cơ động đường bộ TP.Cần Thơ) vẫn tiếp tục không thừa nhận hành vi phạm tội.
Để làm rõ hành vi phạm tội của Duy, HĐXX đã gọi 2 “cò” Nguyễn Văn Cần (30 tuổi, ngụ H.Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) và Trần Tường An (38 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) lên thẩm vấn.
Cần và An tiếp tục khai nhận trong thời gian công tác, Duy thường sử dụng Cần và An đi nhận tiền hàng tháng của các cá nhân, doanh nghiệp gởi cho Duy theo “thỏa thuận".
Ngoài ra Duy còn thường xuyên cho Cần và An đi tuần tra chung với Duy làm cho các tổ chức, cá nhân nhầm tưởng Cần và An cũng là TTGT. Do vậy khi kiểm tra xe lưu thông trên địa bàn, có lúc Duy trực tiếp thỏa thuận với chủ xe để chi tiền, có lúc cho số điện thoại của Cần và An hoặc chỉ đạo Cần và An liên hệ với chủ xe để nhận tiền sau khi bỏ qua các lỗi vi phạm.
Từ đó, Cần đã giúp Duy nhận tiền của 50 doanh nghiệp, cá nhân, với số tiền hơn 2,7 tỉ đồng, Cần được hưởng lợi 71 triệu đồng. Trần Tường An giúp Duy nhận tiền của 5 doanh nghiệp, cá nhân, với số tiền 53 triệu đồng, nhưng An không được hưởng lợi.
Sau khi Cần và An khai báo xong, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa yêu cầu bị cáo Duy phải thành khẩn nhận tội vì lời khai của những bị cáo khác và những người có liên quan đều chứng minh việc Duy đã nhận tiền “bảo kê” từ các nhà xe thì bị cáo Duy … im lặng.
Sau lời khai của bị cáo Tâm, HĐXX cho rằng, phạm vi vụ án này chỉ xét xử tội danh “nhận hối lội”, chưa xử đến tội “đưa hối lộ”. Việc đưa hối lộ không chỉ là những chủ xe, doanh nghiệp mà ngay chính các bị cáo tại phiên tòa...
Ngoài ra, HĐXX cũng nhận định các bị cáo khai rằng "nhận tiền chung chi để lo các bữa ăn cho anh em TTGT trong đơn vị" là bôi nhọ danh dự công chức Nhà nước. "Chẳng lẽ Nhà nước bỏ bị cáo đói để các bị cáo phải làm vậy", vị chủ tọa phiên tòa bức xúc nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.