Nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Người cán bộ rất tử tế, lương thiện, trung kiên

Lê Hiệp
Lê Hiệp
21/02/2021 14:48 GMT+7

“Ông Hai Trọng có thể không phải là người khai phá, đổi mới như chú Võ Văn Kiệt, song với tư cách là con người trung kiên, trong sạch, hết lòng vì dân, vì nước thì đó là một trong những người đáng kính, hiếm có”, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chia sẻ về nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Minh oan cho nhiều người

Rất đông đoàn khách đăng ký viếng nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng

Ông Thuận kể, ông biết tới nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từ khoảng đầu những năm 1990, khi được điều ra công tác tại Văn phòng Quốc hội. Khi đó, vợ ông - bà Võ Thị Thắng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhiều lần kể với ông về "anh Hai Trọng", Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ của T.Ư Đảng, trước là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, vừa ra Hà Nội, là người “rất tử tế, lương thiện, trung kiên”.
“Mối quen biết ban đầu giữa hai anh em là thế”, ông Thuận nhớ lại. Sau này, ông Thuận có cơ hội làm việc nhiều hơn với ông Hai Trọng khi ông Trọng làm Trưởng ban Nội chính T.Ư, còn ông Thuận là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội theo dõi công tác xây dựng pháp luật và nội chính, tư pháp.
“Trong thời kỳ anh Trương Vĩnh Trọng làm Trưởng ban Nội chính T.Ư, có những cuộc giao ban hàng tháng, hàng quý với sự tham gia 4 văn phòng T.Ư (Văn phòng T.Ư Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội - PV), TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Tư pháp... Thường anh Trương Vĩnh Trọng là người chủ trì”, ông Thuận nhớ lại, và cho biết qua những cuộc làm việc như vậy, ông bắt đầu cảm mến và gần gũi nhiều hơn với ông Trương Vĩnh Trọng, một người anh tình cảm và một người lãnh đạo quyết liệt.

Anh Hai Trọng có thể không phải là người khai phá, đổi mới như chú Võ Văn Kiệt, song với tư cách là con người trung kiên, trong sạch, hết lòng vì dân, vì nước, thì đó là một trong những người đáng kính, hiếm có

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Điều khiến ông Thuận nhớ nhất chính là sự quyết liệt, tin tưởng vào những người đồng chí của ông Hai Trọng trong việc xử lý vụ chính trị liên quan tới nhiều cán bộ cấp cao của Đảng lúc bấy giờ, trong đó có cả vợ ông - bà Võ Thị Thắng. Ông Thuận kể, khi đó, có người đã bịa đặt ra một danh sách những người được cho là đã tiếp xúc, cộng tác và làm tay sai cho Cơ quan Tình báo T.Ư Mỹ (CIA). “Danh sách có tên nhiều cán bộ cao cấp, chủ yếu là những người hoạt động ở phía Nam, đặc biệt là Sài Gòn”, ông Thuận nói và cho biết, thời điểm đó có nhiều người đã bị xử lý vì có tên trong danh sách này.

Sau khi rời các cương vị công tác, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trở về quê nhà Bến Tre làm nông. Trong thời gian này, ông dành thời gian hướng dẫn người dân tham quan vườn cây ăn trái do ông tự tay trồng và chăm sóc, với mong muốn nhân rộng mô hình trồng cây ăn trái không sử dụng hóa chất 

BẮC BÌNH

Ông Hai Trọng là một trong những người rất tích cực đôn đốc phải làm cho ra chuyện này. Vì anh có nói: "Làm sao mà có thể tin được, mấy người này toàn là những người cách mạng trung kiên, không bao giờ có thể đầu hàng, làm tay sai cho địch được". Niềm tin đó đã thúc đẩy ông quyết liệt làm sáng tỏ vụ việc, minh oan cho nhiều người”, ông Thuận nói. Theo nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cách đây hơn 1 năm, vào dịp sinh nhật lần thứ 80 của nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phạm Chánh Trực, ông Hai Trọng có tới dự, vẫn xúc động khi nhắc lại câu chuyện này. “Anh ôm tôi nói: Tao không làm quyết liệt thì tụi bây đâu có tồn tại được”, ông Thuận xúc động nhớ lại.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng từ trần

Trong sạch, hết lòng vì dân, vì nước

Trong thời gian giữ chức Trưởng ban Nội chính T.Ư, ông Trương Vĩnh Trọng là người chỉ đạo, xử lý nhiều vụ việc được liệt vào hàng “đại án”: từ vụ Năm Cam, vụ Minh Phụng - EPCO, vụ Tân Trường Sanh, vụ Vũ Xuân Trường, cho tới vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ PMU18...
Ông Thuận kể, gặp ông Hai Trọng mới thấy con người ông thông minh, khảng khái, quyết liệt và đặc biệt là ông luôn giữ mình trong sạch. “Anh thực sự là người lãnh đạo trong sạch, luôn sống khiêm tốn, là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, từ máu lửa, từ nhân dân. Ở vị trí của anh mà không trong sạch thì không thể làm được”, ông Thuận nói.
Theo ông Thuận, ngoài quan hệ công việc, thời gian còn công tác tại Hà Nội, ông vẫn thường đi bộ sang nhà ông Hai Trọng ở khu tập thể ở phố Vạn Bảo và có nhiều dịp trò chuyện cùng ông. “Có lần tôi sang nhà anh thì cảnh vệ không cho vào nhà. Anh Trọng phải ra tận nơi nhìn mặt thì bảo vệ mới cho vô. Sau tôi mới biết là người dân có việc khiếu nại, kêu oan cũng thường tới đây. Anh Hai Trọng phải đứng từ xa quan sát rồi nói cảnh vệ kêu người ta lấy tài liệu vô coi, nếu đúng là oan thì giải quyết cho họ”, ông Thuận kể và cho biết, qua những lần nói chuyện, ông Trọng nói cũng “gỡ được một số việc” nhưng thường kêu “tình hình khó lắm mày ơi”.

Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm hỏi, động viên 1 gia đình đồng bào dân tộc Mông ở xã Nậm Kè, H.Mường Nhé, Điện Biên; tháng 5.2011

TƯ LIỆU

Ông Thuận kể thêm, mỗi lần tới thăm ông Hai Trọng ở quê nhà, lại được ông đãi món bánh xèo đã thành thương hiệu của gia đình ông. “Mày ở đó tao làm bánh xèo ăn. Ông nói vậy rồi xuống bếp làm bánh xèo đãi khách”, ông Thuận nói và cho biết, cuộc sống suốt những năm cuối đời của ông Trọng rất giản dị, đơn sơ, không có gì thay đổi.
Lần cuối ông Thuận gặp ông Hai Trọng là dịp trước tết Nguyên đán 2021 ở nhà con gái ông Trọng, khi ông lên TP.HCM khám bệnh. “Lúc đó, ảnh còn tỉnh táo lắm nhưng bệnh thì đã nặng rồi. Ngồi nói chuyện một hồi, ảnh kêu chụp hình. Rồi ảnh nói, mày sao ngồi ra xa, lại ngồi gần với tao chụp cái hình. Tới những giây phút cuối, anh vẫn nói với tôi chân tình như là anh em”, ông Thuận nhớ lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.