Học Trường tư thục Bình Hòa (Giồng Trôm, Bến Tre) đến năm 18 tuổi, ông Hai Nghĩa hoạt động bí mật trong phong trào học sinh chống chế độ Ngô Đình Diệm. Năm 1962, tròn 20 tuổi, tham gia mặt trận dân tộc giải phóng, công tác ở Tiểu ban giáo dục tỉnh Bến Tre. Tháng 10.1964, ông Trọng được kết nạp vào Đảng nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam. Sau đó làm tỉnh ủy viên phụ trách khối tuyên huấn Bến Tre.
Kéo điện về Bến Tre
Năm 1978 tốt nghiệp Trường Tuyên huấn Trung ương, ông Trương Vĩnh Trọng được cử giữ chức Phó trưởng ban Tuyên huấn, Tỉnh ủy Bến Tre. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần III (nhiệm kỳ 1983 - 1985), ông Trương Vĩnh Trọng được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ, sau đó là Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phân công làm Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm.
Ông Võ Thành Hạo, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nhớ lại thời điểm đầu năm 1984 từ biên giới phía bắc chuyển ngành về làm cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Giồng Trôm: “Hồi ấy Giồng Trôm rất khó khăn. Đường sá không có. Từ thị trấn muốn về xã Phước Long chỉ cách 10 km đường chim bay, nhưng phải vòng lên thị xã Bến Tre, đi đò cả ngày mới tới. Muốn đi hết xã Lương Phú, phải bò qua gần 200 cây cầu khỉ lớn nhỏ... Khó khăn vất vả và xa xôi đến mức, lãnh đạo huyện Giồng Trôm phải chia thành 4 tiểu vùng cho dễ chỉ đạo”.
Nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm, việc đầu tiên ông Trương Vĩnh Trọng tập trung là làm đường giao thông nối trung tâm huyện với các xã. Cả tháng trời, ông đội nón lá, mặc áo bà ba đi khảo sát, vẽ bản đồ cùng ông Tám Dũng, Trưởng phòng giao thông của huyện. Từ dấu chân của ông, những con đường như 887, hương lộ 11, vành đai Thạnh Phú Đông - Phước Long - Mỹ Thạnh An đã hình thành và hoàn thiện như hôm nay.
Tháng 12.1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, ông Trương Vĩnh Trọng được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, và tháng 4.1987 được phân công giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre. Khi đó, ông mới hơn 44 tuổi.
Thời điểm này, Bến Tre được xếp hạng... chót trong các tỉnh ĐBSCL. Không cầu, không đường và điện thì chỉ phập phù từ Nhà máy phát điện Đồng Khởi, tốn kém mà hiệu quả thấp (chỉ 14% dân được dùng).
Quyết tâm kéo điện lưới quốc gia vượt sông Tiền về Bến Tre, ông Trương Vĩnh Trọng và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Kỷ ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) Trường Chinh xin ý kiến đồng thuận, xin hỗ trợ kinh phí thực hiện. Hành trình sau đó, ông Trương Vĩnh Trọng và ông Lê Chí Nhân (Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre) tìm đến Công ty điện lực II (nay là Tổng công ty điện lực miền Nam) và lên tận công trình thủy điện Trị An (Đồng Nai) tìm gặp các chuyên gia Liên Xô, trình bày phương án thi công.
Không lâu sau, 700 tấn vật liệu chuyên dụng đã được Phân viện Thiết kế lưới điện Leningrad cung cấp cho Bến Tre. Ngày 17.1.1987, tỉnh Bến Tre phát lệnh khởi công dự án điện vượt sông Tiền có chiều dài 16 km và Trạm biến áp 110 KV Mỹ Tho - Bến Tre. Công ty xây lắp đường dây và Trạm 2 (Bộ Điện lực) thi công dưới sự giám sát kỹ thuật của 2 chuyên gia Liên Xô. Ngày 19.5.1989, công trình lưới điện vượt sông Tiền hoàn thành và hòa vào lưới điện quốc gia.
Giai đoạn này, tỉnh Bến Tre không cho thanh niên để tóc dài. Nhiều đoàn nghệ thuật từ TP.HCM về đến phà, phải dừng lại để nghệ sĩ, diễn viên cắt ngắn tóc. Thấy nhiều công nhân, kỹ sư thi công đường điện có nguy cơ phải cắt tóc, ông Trọng quán triệt với lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin: “Anh em họ mang điện về cho tỉnh, tụi bay thông cảm. Tuy là quy định của tỉnh, nhưng du di đi. Cho đi hớt tóc lại mất nửa ngày thi công”...
Ít ai biết rằng, khi kéo dây điện, do không có thiết bị chuyên dùng, nên dây tuột xuống, rơi ngay cạnh ông Trương Vĩnh Trọng đang dẫn đoàn cán bộ của tỉnh và chuyên gia Liên Xô thăm công trình. Suýt chết, nhưng ông vẫn động viên công nhân khắc phục sự cố và khi đóng điện, ông đã hét to với mọi người: “Điện đã về Bến Tre rồi. Vui quá bà con ơi!”.
|
Dựng lại niềm tin Đồng Tháp
Đầu năm 2000, nội bộ tỉnh Đồng Tháp mất đoàn kết, Bộ Chính trị cử Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương Trương Vĩnh Trọng vào làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Khi ông Trọng mới về, nhiều người trong tỉnh không hợp tác do muốn đưa nhân sự tại chỗ lên và cũng sợ “tân quan tân chính sách”.
Ai cũng tưởng ông Trương Vĩnh Trọng sẽ dùng “bàn tay sắt” để... dẹp loạn. Không ngờ, trong buổi họp Đảng bộ tỉnh đầu tiên, ông Trọng tuyên bố giữ nguyên tổ chức bộ máy, chỉ thay đổi phong cách làm việc. Ngay như họp Thường vụ Tỉnh ủy cũng phải đúng giờ, đến muộn vài phút là nghỉ họp. Khi họp không được nghe điện thoại, không ra ngoài hút thuốc. Đặc biệt, ông Trọng yêu cầu các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy đều phải phát biểu rõ chính kiến, không được xì xào bàn tán ngoài cuộc họp...
Ông Huỳnh Minh Đoàn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp giai đoạn từ năm 2001 - 2010, khẳng định: “Việc họp hành nghiêm túc đã chuyển biến tích cực tới cách nghĩ, cách làm của từng đồng chí thường vụ và chất lượng công việc tốt lên rất nhiều” và kể: “Anh Trọng kiên quyết chỉ đạo vụ án Mai Văn Huy, xét xử công khai đúng người đúng tội, lấy lại lòng tin trong dân”.
Gần 1 năm làm nhiệm vụ ổn định tình hình Đồng Tháp, ông Trương Vĩnh Trọng đi thực tế khắp các xã trong tỉnh. Cuối năm 2000, lũ lụt gây thiệt hại lớn về người và của ở Đồng Tháp. Ông Trọng ngồi thuyền, ca nô chạy đến các khu vực trọng điểm, trực tiếp chỉ đạo việc cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Thấy một số cán bộ vẫn chơi tennis sau giờ làm việc, ông phê bình gay gắt và yêu cầu bỏ hết, về địa phương chống lũ.
Tháng 4.2001, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, ông Trương Vĩnh Trọng được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương. Biết tin ông ra Hà Nội, nhiều người dân Đồng Tháp đến trụ sở Tỉnh ủy - UBND tỉnh đề đạt: “Làm cách gì xin Trung ương giữ ông Hai Nghĩa ở lại tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy cho Đồng Tháp”…
(còn tiếp)
Bình luận (0)