Ngày 9.5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an kết thúc điều tra vụ án Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma), Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc) và 10 đồng phạm buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao truy tố 12 bị can về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Tại sao ban đầu xử tội buôn lậu?
Trước đó, tháng 7.2017, TAND TP.HCM tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng 12 năm tù về tội buôn lậu. 7 bị cáo khác bị kết án về tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Sau khi xét xử về 2 tội danh này trong vụ án xảy ra tại VN Pharma đã gây ra nhiều tranh cãi. Dư luận có nhiều ý kiến phản đối, vì cho rằng hành vi của các bị cáo là buôn bán thuốc chữa bệnh giả chứ không phải tội buôn lậu.
tin liên quan
Nguyên Tổng giám đốc VN Pharma bị đề nghị truy tố tội buôn bán thuốc giảSau khi tòa sơ thẩm diễn ra, Viện KSND có kháng nghị và đề nghị tòa hủy án để điều tra lại vụ VN Pharma theo hướng chuyển tội danh đối với các bị cáo từ buôn lậu sang tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Theo kháng nghị này, việc xét xử các bị cáo về hành vi buôn lậu là chưa phản ánh đúng bản chất vụ án, hành vi.
Quá trình điều tra lại, CQĐT đã khởi tố thêm 3 bị can khác, nâng tổng số bị can trong vụ án từ 9 lên 12 bị can.
Đến tháng 10.2017, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm vụ án này, quyết định tiếp tục bắt tạm giam Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường để phục vụ điều tra. HĐXX nhận định, tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức là chưa đầy đủ, toàn diện và chưa phản ánh hết nội dung vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
"Không cần gây hậu quả mà chỉ cần xác định đó là thuốc giả"
Luật sư (LS) Nguyễn Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) đánh giá việc đề nghị truy tố các bị can nói trên về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh theo điều 157 Bộ luật Hình sự là hợp lý, đúng tội, đồng thuận dư luận.
tin liên quan
Bộ Công an khám xét chuỗi cửa hàng điện thoại Nhật Cường"Trước đây, xử Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm về tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức chưa phản ánh hết nội dung vụ án, bởi thuốc bị thay đổi mẫu mã, thay đổi chất lượng, thì phải xử lý tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh chứ không phải tội buôn lậu" LS Trang nói và nhấn mạnh: "Theo đó, khung hình phạt của tội danh buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Đối với tội danh này, không cần gây hậu quả mà chỉ cần xác định đó là thuốc giả".
Cũng theo LS Trang, nếu truy tố và xét xử các bị can nói trên trong vụ VN Pharma ở tội danh buôn lậu theo điều 153 Bộ luật Hình sự như trước đây, thì khung hình cao nhất chỉ từ 10 - 12 năm tù.
LS Trang phân tích thêm, theo điều 157 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Tuy nhiên, sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; gây hậu quả nghiêm trọng.
tin liên quan
Truy tố thủ kho Cục Thi hành án dân sự Hà Nội rút ruột kho vật chứngĐặc biệt, trong trường hợp người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Sau đó, Bộ luật Hình sự 2015 ra đời (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bổ sung mới nhiều tội danh và điều 157 Bộ luật Hình sự 1999 nói trên được quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015.
LS Trang nói, theo quy định điều 194, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Phạm tội có tổ chức; chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan tổ chức; phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại; hàng giả trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; thu lợi bất chính từ 100 đến dưới 500 triệu đồng; gây tổn hại sức khỏe từ 1 đến 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này đến 60%; gây thiệt hại tài sản đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
"Ngoài ra, nếu hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200 triệu đồng trở lên; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500 triệu đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; thu lợi dưới 2 tỉ đồng; làm chết người; gây tổn hại sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng thương tích đến 121%; gây thiệt hại tài sản 1,5 tỉ đồng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm", LS Trang cho biết.
Đặc biệt, điều 194 quy định rõ, nếu phạm tội thu lợi bất chính 2 tỉ đồng trở lên; làm chết từ 2 người trở lên, gây tỷ lệ thương tích 122%, gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo kết luận điều tra, VN Pharma được thành lập từ tháng 10.2011, địa chỉ tại Q.10 (TP.HCM), do Nguyễn Minh Hùng làm chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Từ năm 2012, thông qua môi giới của Võ Mạnh Cường, là đại lý tàu biển và giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, Hùng đã đặt mua một số tân dược về tiêu thụ trong nước.
Năm 2013, Hùng và Cường bàn, thỏa thuận nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg, trị giá khoảng 5,3 tỉ đồng từ nước ngoài vào Việt Nam để tiêu thụ.
Do thiếu một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc để nhập khẩu, tiêu thụ trong nước nên Hùng đã chỉ đạo cấp dưới thuê người viết hồ sơ thể hiện lô thuốc H-Capita 500 mg được sản xuất tại Canada sử dụng để điều trị ung thư.
Tuy nhiên, kết quả xác minh của cơ quan chức năng xác định lô thuốc nêu trên có xuất xứ từ Ấn Độ, còn doanh nghiệp Canada như kê khai trong hồ sơ là giả mạo.
Ngoài ra, các bị can còn cấu kết nâng khống giá trị nhập khẩu thuốc, từ 25 USD/hộp lên 75 USD/hộp. Giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc trên chứa 97% hoạt chất capecitabine, là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
|
Bình luận