Nguyên Trưởng phòng thanh tra thuế Cục Thuế Bình Định nhận hối lộ: Hủy án sơ thẩm

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
26/11/2019 20:04 GMT+7

HĐXX TAND cấp cao tại Đà Nẵng nhận định quá trình điều tra vụ án, nguyên Trưởng phòng Thanh tra thuế Cục Thuế Bình Định bị bắt quả tang nhận hối lộ có nhiều nội dung chưa làm rõ.

Chiều 26.11, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm vụ Hồ Minh Khiêm (nguyên Trưởng phòng Thanh tra thuế Cục Thuế Bình Định) nhận hối lộ, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Viện KSND tỉnh Bình Định để điều tra bổ sung.
Ngày 3.8.2018, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Định tuyên phạt Hồ Minh Khiêm mức án 8 năm tù giam về tội nhận hối lộ. Sau đó, ông Khiêm kháng cáo và kêu oan, vì cho rằng mình bị doanh nghiệp gài bẫy và các chứng cứ buộc tội tại các phiên tòa chưa thuyết phục.

'Sáng gọi chiều gặp'

Theo hồ sơ vụ án, ngày 1.9.2017, Cục Thuế Bình Định có quyết định về việc thanh tra thuế tại Công ty CP xây dựng An Nghĩa (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) trong thời gian 30 ngày, từ ngày 1 đến ngày 30.9.2017. Đoàn thanh tra gồm 4 người, trong đó ông Khiêm là trưởng đoàn, bà Trần Thị Thu Hà (chuyên viên phòng Thanh tra thuế Cục Thuế Bình Định) làm phó đoàn và các ông Phạm Trọng Ân, Nguyễn Hoàng Tú (thành viên phòng Thanh tra thuế Cục Thuế Bình Định).
Trong thời gian thanh tra tại Công ty An Nghĩa, ông Khiêm tham gia lớp bồi dưỡng tại Thừa Thiên - Huế, không thể tham gia với đoàn nên ủy quyền bằng miệng cho 3 người còn lại thanh tra thuế tại Công ty An Nghĩa.
Ngày 19.9.2017, bà Hà, ông Ân và ông Tú đến Công ty An Nghĩa để công bố quyết định thanh tra và tiến hành thanh tra thuế.
Sáng 24.9.2017 (dù là ngày Chủ nhật) nhưng ông Khiêm gọi điện cho ông Đỗ Nguyễn Duy Minh (đại diện Công ty CP xây dựng An Nghĩa) để làm việc, thì ông Minh hẹn vào buổi chiều cùng ngày. Sau đó, ông Khiêm gọi điện cho ông Phạm Trọng Ân, thành viên đoàn thanh tra, đi... uống cà phê để hỏi về việc thanh tra tại Công ty An Nghĩa.

Ông Khiêm và ông Minh tại tòa

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Chiều 24.9.2017, ông Khiêm và ông Nguyễn Hoàng Tú đến văn phòng Công ty An Nghĩa, tại đây ông Khiêm đưa ra bản danh sách liệt kê các lỗi sai phạm của công ty được phát hiện qua thanh tra.
Ông Khiêm nói với các lỗi được phát hiện, Công ty An Nghĩa sẽ bị phạt và truy thu thuế với số tiền hơn 1,38 tỉ đồng. Sau đó, ông Khiêm và đại diện công ty thống nhất sẽ đưa cho ông Khiêm số tiền 110 triệu đồng và cho một lãnh đạo Cục Thuế Bình Định 20 triệu đồng để bỏ qua các lỗi vi phạm, chỉ xử phạt 70 triệu đồng.
Tại tòa, trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, ông Khiêm cho rằng thời gian thanh tra tại Công ty An Nghĩa theo quyết định của Cục Thuế Bình Định là 30 ngày, nhưng chỉ tiến hành thanh tra 3 ngày là không vi phạm quy định. Vì theo quy định chỉ có thời gian tối đa để tiến hành thanh tra chứ không có quy định cụ thể về thời gian thanh tra tối thiểu.
Ông Khiêm cũng cho rằng việc hẹn gặp và làm việc với doanh nghiệp vào chiều Chủ nhật cũng không sai, vì doanh nghiệp đã đồng ý và do tính chất đặc thù của công việc. Buổi làm việc này nhằm đối chiếu, chốt lại các số liệu trong quá trình thanh tra thuế.

Công an bắt quả tang

Theo cáo trạng, chiều 1.10.2017, ông Minh gọi điện cho ông Khiêm đến quán cà phê Hội Quán trên đường Phan Đình Phùng (TP.Quy Nhơn) uống cà phê. Khi đi, ông Khiêm mang theo một túi xách để trên ghế sát chỗ mình ngồi. Trong lúc trò chuyện, ông Khiêm đưa túi xách cho ông Minh cầm, ông Minh lấy một bì màu đen bỏ vào đó.
Sau đó, ông Minh rút trong túi ra một bì nhựa màu nâu đưa cho ông Khiêm bỏ vào túi xách. Ngay lúc đó, tổ công tác Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Định ập vào bắt quả tang. Kết quả kiểm tra bên trong bì đen có 110 triệu đồng và bì màu nâu có 20 triệu đồng.
Tại phiên tòa sáng 26.11, ông Hồ Minh Khiêm cho rằng bản thân bị ông Minh cấu kết với người khác gài bẫy. Ông Khiêm khai không biết các bì màu nâu và màu đen do ông Minh đưa có tiền bên trong, lúc đưa các bì này ông Minh nói là bánh kẹo cho các cháu.
Ông Khiêm và ông Đỗ Nguyễn Duy Minh cũng khai là công an không kiểm đếm tiền, không lập biên bản ghi nhận sự việc đòi và nhận hối lộ, biên bản bắt người phạm tội quả tang ngay tại quán cà phê, mà khi về trụ sở công an mới tiến hành những công việc này. Cả 2 đều khai không biết túi xách của ông Khiêm ở đâu, do ai giám sát khi công an đưa ông Khiêm và ông Minh về trụ sở công an (bằng 2 xe khác nhau)…
Ông Minh khai rằng từ ngày 24 đến ngày 29.9.2017, ông Khiêm nhiều lần gọi điện hối thúc đưa tiền. Bức xúc, ông Minh đã làm đơn tố cáo hành vi của ông Khiêm với cơ quan công an. Trong lúc công an chưa xác minh vụ việc, vì sợ công ty bị phạt nên dù biết đưa hối lộ là vi phạm pháp luật, nhưng ông Minh vẫn chuẩn bị tiền để đưa cho ông Khiêm vào chiều 1.10.2017 để được bỏ qua các lỗi vi phạm của Công ty An Nghĩa.

Nhân chứng khai gì?

Nhân chứng trong hồ sơ điều tra là ông Bùi Đăng Khoa (ở TP.Quy Nhơn) khai trước tòa là không có mặt tại quán cà phê Hội Quán khi công an bắt quả tang ông Khiêm.
Chiều 1.10.2017, ông Khoa ở nhà thì được một cán bộ công an mời đến trụ sở, chứng kiến việc kiểm đếm tiền sau đó ký nhận vào biên bản. Tối cùng ngày, có cán bộ công an chạy đến nói ông Khoa ký lại biên bản cho rõ, vì biên bản trước đó chưa rõ… Ông Khoa khai chỉ được nghe công an đọc biên bản rồi ký chứ bản thân không đọc biên bản và không biết nội dung bên trong.

Vì sao hủy án sơ thẩm?

Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND cấp cao tại Đà Nẵng nhận định trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định chưa làm rõ một số nội dung như: ngoài nội dung thanh tra theo quyết định của Cục Thuế Bình Định thì đoàn thanh tra thuế tại Công ty An Nghĩa có thanh tra các nội dung khác hay không; chưa làm rõ được bản danh sách, số liệu thanh tra thuế tại Công ty An Nghĩa được in tại Công ty An Nghĩa vào chiều 29.9.2017 hay được in sẵn; chưa làm rõ được từ đâu mà Hồ Minh Khiêm biết được mức độ sai phạm của công ty này mà đưa ra số tiền phạt là hơn 1,3 tỉ đồng.
Khi bắt giữ Hồ Minh Khiêm về tội nhận hối lộ thì số tiền đưa và nhận hối lộ là bằng chứng rất quan trọng để buộc tội người có hành vi vi phạm, nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định chưa niêm phong bằng chứng theo đúng quy định của pháp luật.
Khi bắt giữ, cơ quan chức năng có chụp ảnh vật chứng là 2 bịch ni lông bên trong có tiền hay không; và nếu vật chứng là 2 bịch ni lông có tiền thì khi đưa ông Khiêm và những người có liên quan về trụ sở công an, ai là người đưa vật chứng này về trụ sở, ai là người giám sát vật chứng… Do đó, để có chứng cứ kết án Hồ Minh Khiêm cần hủy bản sơ thẩm để điều tra, làm rõ những nội dung nói trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.