Nhà đầu tư ngoại gom cổ phiếu dệt may để đón đầu CPTPP?

Mai Phương
Mai Phương
27/03/2018 18:16 GMT+7

Các nhà đầu tư ngoại đã bất ngờ chi ra 810 tỉ đồng để mua thỏa thuận 50 triệu cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Viện Nam (Vinatex-VGT).

Điều này khiến nhiều nhà đầu tư dấy lên suy nghĩ không biết có phải khối ngoại đang đón những lợi thế từ Hiệp định CPTPP đối với ngành dệt may Việt Nam?
Giao dịch mua vào hơn 50 triệu cổ phiếu VGT diễn ra trong phiên đầu tuần 26.3. Bên bán số cổ phiếu (CP) này đến từ các nhà đầu tư nội (khoảng 35 triệu CP) và nhà đầu tư nước ngoài (khoảng 15 triệu CP). Với giá trị chuyển nhượng 810 tỉ đồng, giá bình quân cổ phiếu là 16.200 đồng, cao hơn 12,5% giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tuần.
Hiệu ứng từ thỏa thuận khủng này cũng "lan sang" giao dịch khớp lệnh trên sàn. Cổ phiếu VGT cũng bật tăng từ đầu phiên chiều, đóng cửa tăng 7,6% lên 15.500 đồng/CP. Diễn biến này tiếp tục kéo dài sang phiên ngày 27.3 khiến VGT tăng lên giá cao nhất đạt 16.600 đồng/CP. Với 50 triệu cổ phiếu, (nhóm) nhà đầu tư mua cổ phiếu trong phiên hôm nay sở hữu tới 10% vốn điều lệ của Vinatex. Tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại Vinatex trước giao dịch là 9,84%. Nhờ khối ngoại mua khối lượng lớn phiên này nên tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng lên 16,81%. Hiện cơ cấu cổ đông của Vinatex ngoài Bộ Công thương sở hữu 53,49% còn có Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (V.I.D) sở hữu 14% vốn, Vingroup sở hữu 10%. Đây là hai nhà đầu tư chiến lược đã góp vốn vào Vinatex khi thực hiện cổ phần hóa.
Trước đó, trong tháng đầu năm nay, nhiều CP ngành dệt may như VGT, Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG), CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM)… đã có nhiều phiên tăng giá ấn tượng khi kỳ vọng Hiệp định CPTPP được ký kết.
Ví dụ VGT đã đạt đến giá gần 20.000 đồng/CP, VGG có giá gần 63.000 đồng/CP và TCM cũng tăng lên sát mức 29.000 đồng/CP… Tuy nhiên trong vòng hai tuần gần đây, nhóm CP này đã hạ nhiệt và quay đầu đi xuống như VGT chỉ còn giá xoay quanh 16.000 đồng/CP, VGG còn có giá 56.300 đồng/CP, TCM còn giá 24.900 đồng/CP.
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, ngành dệt may vẫn khá lạc quan với mục tiêu xuất khẩu 34 tỉ USD trong năm nay. Trong đó Hiệp định CPTPP đã được ký chính thức sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp có khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, do CPTPP chưa có sự tham gia của Mỹ và đây là thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất thế giới nên cơ hội gia tăng vẫn chưa quá nhiều như mong muốn.
Trong khi đó, để đáp ứng được điều kiện xuất xứ nguyên phụ liệu trong nội khối mới được hưởng thuế suất ưu đãi thì ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa đảm bảo được hoàn toàn. Vì vậy nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng cơ hội cũng sẽ chưa có ngay lập tức mà cần có thêm thời gian. Chính vì vậy mà nhiều nhà đầu tư trong nước vẫn còn dè dặt và muốn quan sát thêm diễn biến của nhóm CP ngành này, nhất là trong ngắn hạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.