Nhà giáo Đàm Lê Đức qua đời vào ngày 6.5 vừa qua, thọ 91 tuổi. Theo thông tin gia đình, cô Đàm Lê Đức sinh ngày 9.1.1932 tại huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Dù có thời gian dài phải gián đoạn học tập nhưng khao khát mãnh liệt được học nên ở tuổi 25, cô Đức trở thành sinh viên khoa toán đầu tiên của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
Nhà giáo Đàm Lê Đức nổi tiếng với nhiều bài giảng cho học sinh ở trung tâm văn hóa ngoài giờ về hiếu nghĩa đúc rút từ những điều giản dị, bình thường trong cuộc sống |
website Trung tâm 218 |
Năm 1985, cô cùng các anh, chị em, các nhà giáo về hưu thành lập lớp dạy kèm, sau này là cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng hiện nay. Đây là trung tâm dạy thêm ngoài giờ nổi tiếng của TP.HCM suốt 37 năm qua. Từ một cơ sở nhỏ ở đường Lý Tự Trọng, Q.1 (TP.HCM), giờ đây trung tâm mở rộng nhiều cơ sở hoạt động rộng khắp. Đây là nơi bao thế hệ phụ huynh mong muốn được gửi con vào học, nơi tiếp nối bao lứa học sinh thành đạt và là “cái nôi” để nhiều giáo viên trưởng thành.
"Cô đã trao truyền cho chúng con những bài học đạo đức quý báu"
Có lẽ không một trung tâm văn hóa ngoài giờ nào lại dạy cho học sinh những chuyên đề về đạo đức. Ở Trung tâm 218, cứ mỗi khóa là có một chuyên đề đạo đức cho học sinh về đức dục và trí dục. Nhà giáo Đàm Lê Đức nổi tiếng với những bài dạy đạo đức, hiếu nghĩa đúc rút từ những điều giản dị, bình thường trong cuộc sống đi vào lòng bao thế hệ học sinh và cả phụ huynh.
Khi còn là học sinh, tôi luyện thi đại học tại Trung tâm 218 nên được nghe cô giảng chuyên đề đạo đức và rất ấn tượng với những bài giảng của cô. Năm 2007, khi đi dạy, tôi học theo phương pháp, phong cách của cô và được học sinh đón nhận ngay từ khi mới ra trường. Biết ơn cha mẹ là những bài giảng nghe từ cô, khi giảng lại, tôi thêm hình ảnh và âm nhạc khiến học sinh cảm động. Từ đó tôi được nhiều nơi biết đến và lan tỏa những bài giảng về đạo đức.
Năm 2010 tôi xin cô vào dạy tại Trung tâm 218. Tôi hạnh phúc và ý thức được trách nhiệm của mình khi là giáo viên giáo dục công dân được dạy ngoài giờ tại một trung tâm lớn của TP.HCM. Từ một giáo viên đạp xe đi dạy cọc cạch, tôi đã có thêm thu nhập lo gia đình và yên tâm cống hiến cho ngành đến ngày hôm nay.
Tôi biết ơn cô đã trao truyền cho chúng tôi những bài học đạo đức quý báu.Tôi ảnh hưởng cách dạy từ cô rất nhiều, cách nhập tâm vào bài giảng, cách lay động cảm xúc học sinh một cách chân thật nhất, cách lồng ghép thơ, ca dao tục ngữ vào bài giảng… Phương pháp này, phong cách này đã thấm vào tôi từ ngày mới ra trường và mãi mãi về sau…
Cô truyền lửa yêu nghề cho tôi. Hình ảnh của cô, tấm lòng của cô là “thân giáo” để tôi noi theo về nhân cách của một người thầy.
Nhà giáo Đàm Lê Đức là người cả đời tận tâm với nghề dạy học |
website Trung tâm 218 |
"Nguyện đời ong nung nấu trăm hoa"
Có một câu chuyện về cô mà tôi luôn nhớ mãi. Lần đó, một em học sinh lớp 11 tại Trung tâm 218 sau buổi học chuyên đề đạo đức của tôi đã nhắn tin nhờ tôi xin cô cho được miễn học phí vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tôi đã trình bày và được cô đồng ý. Học sinh này được miễn học phí 1 khóa (3 tháng). Qua khóa sau, em ấy nhờ tôi xin tiếp nữa. Tôi ngại quá không dám xin cô. Tôi nói với học sinh: "Hay là em nói với ba mẹ ráng lo phân nửa đi còn phân nửa thầy cho, chứ xin cô Đức nữa, thầy hơi ngại". Và ba mẹ em ấy cố gắng lo được phân nửa khoản học phí. Hai thầy trò lên văn phòng đóng tiền học thì bác nhân viên cho biết trường hợp này đã được cô Đức miễn học phí cho nguyên 1 năm học là 3 khóa chứ không phải 1 khóa. Kết quả năm học lớp 12 em ấy đậu thủ khoa ngành của một trường ĐH, hiện giờ làm kế toán một công ty tại TP.HCM. Hằng năm dịp 20,11 và tết, em ấy đều nhắn tin cho tôi và kính lời hỏi thăm cô.
Câu thơ của cô, tôi nhớ mãi mỗi khi có dịp cô phát biểu trong những buổi họp: “Nguyện thân tằm dâu xanh nghiền ngấu/Nguyện đời ong nung nấu trăm hoa” và “Kiếp sau xin được làm người/Làm thầy cô giáo giữa trời Việt Nam”. Những câu thơ tâm huyết của nhà giáo Đàm Lê Đức cũng trở thành kim chỉ nam cho tôi và nhiều giáo viên khác trên hành trình sự nghiệp trồng người.
Bình luận (0)