Nhà mạng 'ăn gian' tiền 3G: Không thể chấp nhận việc 'ăn gian' triền miên

10/10/2015 05:02 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Nhà mạng “ăn gian” tiền 3G đăng trên Thanh Niên ngày 9.10.

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Nhà mạng “ăn gian” tiền 3G đăng trên Thanh Niên ngày 9.10.

Không công bằng
Triền miên nhiều năm qua, biết lợi thế “nắm đằng chuôi” của mình, các nhà mạng đã thể hiện thái độ không công bằng với khách hàng chút nào. Trường hợp ông N.V.L được nêu trong bài viết chỉ là một trong số rất nhiều thuê bao của Viettel bị đối xử như thế. Chỉ khác là, nhiều thuê bao không muốn dây dưa kiện cáo, hoặc không có thời gian kiên trì lui tới, nên nhà mạng được nước lấn tới. Đây là thủ thuật chẳng “fair play” trong hoạt động cung cấp dịch vụ, vẫn tồn tại bất chấp sự ta thán của nhiều khách hàng.
Văn Dũng
(ng_vdung1965@yahoo.com)
Chất lượng kém, lợi nhuận lớn !
Theo bài báo, khảo sát của Ericssion cho thấy dịch vụ 3G của VN vẫn đang rất kém, trong khi lợi nhuận mỗi năm lên đến hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng là một minh chứng cho sự coi thường khách hàng của các nhà mạng. Tiết giảm chi phí đầu tư, “thu hoạch” ngày càng lớn do nhu cầu sử dụng càng nhiều, bắt tay chiếm lĩnh thị trường, ép khách hàng để tăng giá cước… là những biểu hiện rất kém trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ đến khách hàng.
Lê Hoài Niệm
(hoainiem46@gmail.com)
Kinh khủng !
Mỗi thuê bao bị “ăn gian” vài trăm ngàn, nhưng hàng triệu thuê bao thì nhà mạng đã ăn gian hàng trăm tỉ đồng chỉ trong tích tắc khi điều chỉnh hệ thống. Đây là “mánh” để ăn gian với mức độ kinh khủng khó chấp nhận được. Theo tôi, các thuê bao bị tính gian cước, nếu có bằng chứng nên kiện ra tòa. Việc làm này không chỉ để lấy lại vài trăm ngàn, mà sẽ chứng tỏ với nhà mạng rằng không dễ gì cứ lặp đi lặp lại hành vi kinh doanh gian dối, thiếu minh bạch như vậy.
Hoàng Linh
(linhhoang58@yahoo.com)
Kiểu kinh doanh vẫn mang tính bao cấp
Tôi đồng ý với luật sư Trương Thanh Đức, 3 nhà mạng lớn ngoài mặt thì nói là cạnh tranh, nhưng khi họ cùng bắt tay chiếm lĩnh thị trường thì chẳng khác gì kiểu độc quyền, kinh doanh mang tính bao cấp. Dù gì thì thiệt thòi vẫn thuộc về khách hàng. Nhiều khi rất ấm ức nhưng chả lẽ không sử dụng dịch vụ. Đó là tâm trạng chung của rất nhiều người sử dụng dịch vụ 3G hiện nay.
Ngô Văn Lâm
(vanlam90@yahoo.com)
Không thể chấp nhận được !
Các nhà mạng tại sao lại liên tục khuyến mãi lưu lượng cước, khuyến mãi tiền. Trước kia họ tặng 100%, sau khi bị Bộ Công thương “tuýt còi” thì giảm xuống 50%. Bởi vị họ lãi rất lớn, lợi nhuận khủng khiếp nhưng không ai biết được rằng các chương trình khuyến mãi đó lưu lượng cước được tính, được trừ như thế nào.
Bản thân nhà mạng “ăn gian” là điều không thể chấp nhận được, nhưng cái đáng lo là thị trường vẫn còn đang tồn tại những liên kết ngầm tạo lên sự lũng đoạn. Ba nhà mạng lớn gồm Vinaphone, Viettel, MobiFone chiếm tới hơn 90% thị phần nên dễ hiểu cứ dịch vụ nào tăng giá là họ tăng cùng một mức, cùng thời điểm.
Trong đó, tiếng là cổ phần hóa nhưng các nhà mạng vẫn do nhà nước kiểm soát dẫn tới tình trạng “chung một nhà” nên bộ chuyên ngành không kiểm soát chặt chẽ.
Cơ quan nhà nước không thể làm ngơ trước tình trạng tù mù giá cước 3G vốn nói rất nhiều, lần này phải có một cuộc đại phẫu. Phải làm rõ xem giá cước VN so với thế giới đã phù hợp chưa, chất lượng và tốc độ thấp kém như thế có được áp giá cao hay không. Đặc biệt, phải ban hành tiêu chuẩn tính lưu lượng cước, không để nhà mạng tính bừa móc túi khách hàng được.
Bản thân tôi cũng rất khó chịu với dịch vụ 3G, tốc độ mạng thì quá chậm, cước phí cao lại không công khai, minh bạch. Nhưng đáng buồn là không thể tẩy chay được họ, vì nếu có tẩy chay thì phải tẩy chay tất cả, nếu như vậy thì sẽ sử dụng cái gì.
Vấn đề ở đây, khi còn độc quyền, còn liên kết lũng đoạn thì nhà nước phải bảo vệ người tiêu dùng bằng các chính sách kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, chế tài thật nghiêm khắc khi phát hiện họ vi phạm.
TS Ngô Trí Long
nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả - Bộ Tài chính
 Anh Vũ
 (ghi)
       
Điều 389 bộ luật Dân sự quy định: “Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo nguyên tắc: Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng”. Điều 8 luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu: “Quyền của người tiêu dùng: Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ...”. Căn cứ các quy định trên, việc nhà mạng cung cấp dịch vụ 3G “mập mờ” trong cách tính dung lượng 3G là không bảo đảm tính công khai, bình đẳng trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng người tiêu dùng.
Luật sư Ngô Thái Tùng Thư
(Giám đốc Công ty luật Đà Giang, TP.HCM)
       
Do quyền lợi của người sử dụng dịch vụ 3G chưa được đảm bảo, vì vậy, pháp luật cần có những quy định rõ về tiêu chuẩn cũng như có cơ chế giám sát chặt chẽ việc cung cấp dịch vụ 3G của các nhà mạng. Buộc nhà mạng phải tự công khai, minh bạch về các dịch vụ 3G để người sử dụng biết thông số đo lường chất lượng và tốc độ sử dụng của mình. Cần có cơ chế xử lý vi phạm nếu các nhà mạng “ăn gian” cước 3G của khách hàng.
Luật sư Lê Văn Hiệp
(Công ty luật Hồng Long, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang
(thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.