Nhà mạng ở đâu khi tin nhắn lừa đảo hoành hành?

03/12/2021 05:33 GMT+7

Bên cạnh việc kêu gọi người dân hết sức cảnh giác trước tình trạng tin nhắn lừa đảo nở rộ thời gian qua, nhiều bạn đọc cũng đề cập đến trách nhiệm của nhà mạng trong vấn đề này.

Như Thanh Niên thông tin, gần đây, rất nhiều chủ thuê bao điện thoại di động sử dụng hệ điều hành iOS nhận được tin nhắn mời chào tuyển dụng với mức lương cao, dễ dàng, nhưng khi liên hệ thì lại gặp một ma trận... Ngoài những tin nhắn lôi kéo người dùng qua chiêu có thêm việc làm, tăng thu nhập thì những vụ lừa đảo mạo danh các dịch vụ điện nước, bảo hiểm xã hội, cho vay tiêu dùng… vẫn liên tục diễn ra.

Lừa đảo qua tin nhắn vẫn đang tấn công người dùng

M.P - T.X

Một chiêu lừa khác cũng xuất hiện và nhắm vào những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn sau dịch Covid-19 cần sự trợ giúp. Cụ thể, ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa ghi nhận một số trường hợp người dân vì cần gấp khoản tiền trang trải cuộc sống trong lúc dịch bệnh đã tin vào chiêu lừa “nhận tiền trợ cấp”, dẫn đến cung cấp toàn bộ giấy tờ tùy thân, thậm chí đi cùng đối tượng lừa đảo đến cửa hàng điện máy và trực tiếp ký vào các giấy tờ “nhận tiền trợ cấp” mà không biết thực chất đó chính là hồ sơ vay trả góp các thiết bị điện tử, di động... Đối tượng sau đó bán các tài sản mua được từ hồ sơ vay đứng tên nạn nhân và chiếm đoạt số tiền của công ty tài chính.

Cảnh giác trong mọi hoàn cảnh

Trước sự biến tướng của những trò lừa đảo tinh vi mà nếu không đủ tỉnh táo sẽ rất dễ sa vào bẫy, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên kêu gọi người dân hết sức cẩn trọng, cảnh giác cao độ để tự bảo vệ mình. “Bọn này đánh vào tâm lý của một bộ phận người dân đang lao đao vì mất việc sau giãn cách để trục lợi. Vì vậy, mọi người cần hết sức cảnh giác, đừng nhẹ dạ cả tin rồi rơi vào cảnh tiền mất tật mạng. Kẻ gian thì liên tục thay đổi hình thức lừa đảo nên chúng ta phải luôn cảnh giác trong mọi hoàn cảnh”, BĐ Đăng Định cảnh báo.

Tương tự, BĐ Nguyễn Chiến cho rằng sau giãn cách, nhiều người dân rơi vào tình trạng thất nghiệp, không có việc làm. Điều này lại trở thành miếng mồi ngon để bọn xấu lợi dụng lừa gạt. “Bọn lừa đảo ngày càng lộng hành, nghĩ ra đủ chiêu trò để lừa gạt người nhẹ dạ. Chỉ cần sơ sẩy chút là mất sạch tiền bạc. Vì vậy, cẩn thận là bài học cơ bản nhưng không bao giờ thừa”, BĐ này góp ý.

“Bọn tội phạm ngày càng tinh vi. Vì vậy, người dân phải tuyệt đối cảnh giác. Nên gọi lên nhà mạng hoặc các đơn vị xuất hiện trong tin nhắn để trực tiếp trao đổi chứ không làm theo tin nhắn”, BĐ Vĩnh Lộc lưu ý. Trong khi đó, BĐ Hung Nghiep viết: “Tôi đề nghị các cơ quan quản lý viễn thông, internet nên tăng cường giám sát và kiểm tra lại các hoạt động và tin nhắn lừa đảo kiểu này. Hiện nay các số điện thoại cũng như link liên kết giả danh các mạng viễn thông, các cơ quan nhà nước, ngân hàng... nhiều vô kể. Cứ gõ thử Google là thấy ngay, gọi vào các số đấy là trước mắt mất ngay 8 - 10 ngàn đồng... Giờ không hiểu nổi tại sao chúng lại rộ lên vậy”.

Xem lại việc quản lý sim của nhà mạng

Nhiều BĐ đặt câu hỏi nhà mạng đã ở đâu khi tình trạng tin nhắn lừa đảo nở rộ thời gian qua, trong khi quy định đăng ký “sim chính chủ” khá lâu rồi mà vẫn còn nhiều sim rác. “Các nhà mạng đều yêu cầu đăng ký sim chính chủ, vậy vẫn xuất hiện tình trạng sim rác thì lỗi do đâu? Tôi nghĩ đây là vấn đề nhà mạng phải khắc phục. Kẻ gian đang lợi dụng điều này để tiếp cận với người dân và lừa đảo. Nếu tình trạng còn kéo dài thì không chỉ lừa đảo việc làm mà còn những chiêu trò khác đe dọa an ninh trật tự cũng có thể xảy ra”, BĐ Mỹ Nhung cảnh báo. Cùng quan điểm, BĐ Tường Vy thẳng thắn: “Cho tôi hỏi nhà mạng đã ở đâu khi những tin nhắn lừa đảo này xuất hiện ngày càng nhiều và khiến người dân bị làm phiền, hoặc bị gạt tiền? Tôi nghĩ trách nhiệm của họ không nhỏ vì sự quản lý chưa chặt chẽ”.

Trong khi đó, BĐ Nguyễn Đạt cho rằng: “Vụ việc này là trách nhiệm của nhiều phía. Ngoài việc người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác thì nhà mạng cũng cần khắc phục những lỗ hổng trong vấn đề quản lý, đặc biệt là vụ sim rác để không biến nó trở thành công cụ trục lợi của kẻ xấu”. Còn BĐ Hà Bình ý kiến: “Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan công an thì những đơn vị bị giả mạo cũng phải có động thái quyết liệt, thường xuyên lên tiếng cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để bóc trần những hành vi vi phạm pháp luật của kẻ xấu, qua đó cảnh báo tới người dân, đồng thời bảo vệ danh tiếng thương hiệu của mình”.

* Đề nghị Bộ Công an vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này. Cần thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo của bọn xấu.

Độc Hành

* Thời buổi công nghệ càng hiện đại càng dễ bị lừa. Ngoài nâng cao cảnh giác, người dân nên tự trang bị cho mình chút kiến thức về internet, cách giao dịch trên mạng... để tránh tiền mất tật mạng.

Ha Long

* Lừa đảo nở rộ tất nhiên do bị hại nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết về pháp luật... Nhưng cũng không thể không nói đến yếu tố pháp luật bởi những tội danh lừa đảo này thường bị xử chưa đủ tính răn đe, chưa đủ để mạnh để những kẻ manh nha khác chùn tay.

Van Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.