Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu qua đời

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
20/09/2024 14:52 GMT+7

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu vừa qua đời trưa nay 20.9. Vậy là mảnh đất phương Nam mất đi một nhà văn hóa lớn, một người luôn đau đáu với sách và lịch sử dân tộc.

Cách đây khoảng 1 tháng, NXB Trẻ cho ra mắt cuốn sách biên khảo mới nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có tựa đề Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh. Đây là cuốn sách có nhiều tư liệu tổng hợp và đánh giá có giá trị đối với việc tìm hiểu lịch sử miền Nam, nhìn từ quá trình phát triển nông nghiệp và chế độ sở hữu đất đai.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu qua đời- Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu qua đời- Ảnh 2.

Những tác phẩm nổi tiếng của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Ảnh: NXB Trẻ cung cấp

Tác phẩm mới nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có lời giới thiệu chi tiết của GS Sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, với những nhận xét hết sức giá trị: "Tôi đã đọc một cách hứng thú và đọc kỹ cuốn sách Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu. Cái thu hút sự chú ý và hứng thú của tôi là tác giả, bằng những tư liệu cụ thể, đã dẫn dắt người đọc vào ba thế kỷ khẩn hoang lập ấp đầy gian truân và thành tựu của nhân dân Nam kỳ, nó luôn khêu gợi nhận thức của người đọc bằng những phát hiện và đề xuất mới mẻ".

Được biết, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh ngày 12.3.1920 (giấy khai sinh ghi năm 1923) tại Hà Nội.

Năm 1941, ông tốt nghiệp Trường Bách Nghệ (Hà Nội), sau đó làm trưởng một xưởng công nghệ. Sau Cách mạng tháng Tám, khi Chính phủ lâm thời thành lập, ông được chỉ định làm bí thư mảng kinh tế cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà. Năm 1951, ông sang Pháp học tại Đại học Công giáo Paris, tốt nghiệp cử nhân năm 1953.

Trong thời gian ở Pháp, ông cùng các nhà trí thức Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Ngọc Bích tham gia vận động phong trào kêu gọi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh; năm 1954, ông cùng các trí thức nói trên sang Thụy Sĩ ủng hộ phái đoàn do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu tham dự Hội nghị Genève 1954.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu qua đời- Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Ảnh: NXB Trẻ cung cấp

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu qua đời- Ảnh 4.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (phải) tại lễ ký hợp đồng tác quyền trọn đời các tác phẩm với NXB Trẻ

Ảnh: NXB Trẻ cung cấp

Đầu năm 1955 ông về nước làm giáo sư sử địa tại Trường trung học Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn (Trường Bùi Thị Xuân ngày nay). Những năm 1960, ông bắt đầu công bố các công trình nghiên cứu của mình trên báo chí miền Nam và được giới nghiên cứu công nhận là một học giả uy tín. Bên cạnh đó ông cũng là người tích cực đấu tranh cho hòa bình; ông được xem là "lực lượng thứ ba" (ôn hòa) trong chính trường miền Nam. Năm 1975, ông được phó tổng thống đặc trách hòa đàm Nguyễn Văn Huyền cử đến trại Davis để điều đình ngưng chiến.

Từ năm 1975 đến nay, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và công bố các công trình nghiên cứu về sử địa, đặc biệt trong đó có công trình nghiên cứu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu từng vinh dự 2 lần nhận Giải thưởng Trần Văn Giàu, mà lần 2 là cho cụm tác phẩm Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn thuộc Nam kỳ lục tỉnh (gồm 8 quyển).

Các tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trao quyền cho NXB Trẻ khai thác:

Địa bạ, gồm: Sơn Nam Thượng; Thanh Hóa; Nghệ An (cuốn 1); Nghệ An (cuốn 2); Hà Tĩnh; Quảng Bình; Quảng Trị; Thừa Thiên; Quảng Nam (cuốn 1); Quảng Nam (cuốn 2); Quảng Ngãi; Bình Định (cuốn 1); Bình Định (cuốn 2); Bình Định (cuốn 3); Phú Yên; Khánh Hòa; Bình Thuận; Biên Hòa; Gia Định; Định Tường; Vĩnh Long; An Giang; Hà Tiên.

Sách khác ngoài địa bạ:

Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh; Quân điền Bình Định; Tạp ghi Việt Sử Địa tập 1; Tạp ghi Việt Sử Địa tập 2 (Hành trình của một tri thức dấn thân); Tạp ghi Việt Sử Địa tập 3; Gia Định phong cảnh vịnh (Trương Vĩnh Ký chép nôm, Nguyễn Đình Đầu giới thiệu); Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức; Petrus Ký - Nỗi oan thế kỷ; Việt Nam quốc hiệu và cương vực, Hoàng Sa - Trường Sa; Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII cho đến khi Pháp xâm chiếm 1859; Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (dịch và chú thích); Tiểu giáo trình địa lý Nam kỳ (dịch); 100 câu hỏi đáp về Gia Định - Sài Gòn TP Hồ Chí Minh; Cố cả Léopold Cadière từ Việt Nam học đến Việt Nam hóa; From Saigon to Hochiminh City - 300 years history (tiếng Anh); De Saigon à Hochiminh Ville - 300 ans d’histoire (tiếng Pháp); Petrus J. B. Trương Vĩnh Ký một nhà bác học và người yêu nước của Nam kỳ (của Jean Bouchot. Nguyễn Đình Đầu chú thích, giới thiệu); Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông (đang viết).

Những sách của tác giả đã in tại NXB Trẻ (từ 2013 đến nay):

- Việt Nam quốc hiệu và cương vực - Hoàng Sa Trường Sa (in năm 2013)

- Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức (in năm 2013)

- Tạp ghi Việt Sử Địa tập 1 (in năm 2016)

- Tạp ghi Việt Sử Địa tập 2 (in năm 2017)

- Tạp ghi Việt Sử Địa tập 3 (in năm 2020)

- Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, bản dịch và chú giải (in năm 2022)

Sách in trong năm 2023

- Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII cho đến khi Pháp xâm chiếm 1859

- Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh

- 100 câu hỏi đáp về Gia Định - Sài Gòn TP Hồ Chí Minh

- Cổ Gia Định phong cảnh vịnh (Trương Vĩnh Ký chép Nôm, Nguyễn Đình Đầu giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.