“Sau khi nghe tôi báo cáo việc chăm lo an sinh xã hội và xây cầu giao thông nông thôn, ông Phạm Thanh Phong - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An, hiện là Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Long An đã gọi tôi là “Ông Phật cầu”, Đại đức Thích Lệ Tấn (trụ trì chùa Giác Hoa ở xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, Long An) tâm sự.
Đại đức tích cực xây cầu nông thôn
Sau nhiều chuyến cứu trợ người dân vùng lũ, Đại đức Thích Lệ Tấn nhận thấy người nghèo ở vùng sâu, vùng xa không chỉ chưa xóa xong nghèo mà việc đi lại của họ nói riêng và người nông dân nói chung còn nhiều vất vả. Năm 2004, Đại đức được Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An giao quyền trụ trì chùa Giác Hoa tọa lạc bên bờ kinh Dương Văn Dương, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh. Kể từ đây, hình ảnh "nhà sư áo nâu" đi làm từ thiện với nhiều chương trình an sinh xã hội được nhiều người ngợi khen, như: tặng quà cho đồng bào nghèo; phối hợp với các bác sĩ đưa hàng ngàn bệnh nhân lên TP.HCM mổ mắt, khám bệnh miễn phí; phát xe lăn cho người khuyết tật; trao học bổng cho sinh viên - học sinh nghèo; trao nhà tình nghĩa - tình thương; tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, các vị lão thành cách mạng; ủng hộ áo quan cho người nghèo khi qua đời...
Tổng kết gần 10 năm (2010 - 2019), tổng số tiền Đại đức Thích Lệ Tấn vận động hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội và xây cầu, làm đường giao thông nông thôn xấp xỉ khoảng 56,5 tỉ đồng. Trong đó, xây cầu giao thông nông thôn cho vùng sâu, vùng xa ở vùng Đồng Tháp Mười và một số địa phương khác, góp phần cùng chính quyền và nhân dân xây dựng nông thôn mới. Để có tiền làm từ thiện, Đại đức Thích Lệ Tấn dấn thân tìm nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm trong nước và bà con Việt kiều ở nước ngoài. Khi có nguồn kinh phí, chùa Giác Hoa cùng tăng ni, phật tử phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các chương trình an sinh xã hội và xây cầu giao thông nông thôn.
Trong gần 10 năm (2010 - 2019), Đại đức Thích Lệ Tấn cùng chùa Giác Hoa đã xây được 174 cây cầu, trung bình kinh phí 120 - 300 triệu đồng/cây. Đó là những cây cầu ở tuyến kinh 79 xuyên Đồng Tháp Mười lên biên giới Campuchia; kinh Dương Văn Dương nối từ Đồng Tháp Mười thông sang Đồng Tháp; kinh Năm Ngàn trên địa bàn huyện Tân Thạnh... Đại đức Thích Lệ Tấn đã xây được 6 cây cầu dây văng (có nhiều cây kinh phí trên 2 tỉ đồng) đã tạo cho người dân và các phương tiện tham gia giao thông đi lại thuận tiện, rút ngắn quãng đường vận chuyển nông sản. Có dịp lên xã biên giới Hưng Điền B, huyện Tân Hưng ngắm cây cầu xinh đẹp bắc qua kinh 79, người viết nghe ông Tạ Văn Mệnh - Bí thư Đảng uỷ xã Hưng Điền B, kể: “Cây cầu do Đại đức Thích Lệ Tấn xây dựng, khánh thành đầu năm 2018 thay cây cầu ván tạm bợ. Cây cầu không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại mà còn góp phần làm đẹp nông thôn mới ở xã biên giới”.
Lan tỏa một tấm lòng
Đại đức Thích Lệ Tấn giải thích: “Từ việc nhỏ mình làm thành công thì đạo tràng làm theo, quần chúng nhân dân sẽ ủng hộ”. Chính cái tâm trong sáng ấy của Đại đức đã lan tỏa ra cộng đồng phật tử không chỉ ở chùa Giác Hoa mà cả những đạo tràng ở nhiều ngôi chùa khác trong cũng như ngoài tỉnh Long An noi theo việc làm tốt của thầy.
|
Cô Đỗ Thị Kiều Nương - tiểu thương xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, cho biết: “Từ nhỏ tôi đã theo các thầy đi làm thiện nguyện. Khi thầy Lệ Tấn về chùa, tôi tiếp tục theo thầy vận động các nhà hảo tâm trong xã và người nơi khác làm theo”. Cách đây 6 năm, cô Nương cùng với anh Trần Vinh Thắng ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) tham gia nhóm Làn gió ấm chuyên tìm đến những học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ. Hai anh em ruột Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Ngọc Tràng ở xã Hậu Thạnh Tây có cha bị ung thư qua đời, mẹ đi kiếm sống nơi khác đã được cô Nương tìm nhà hảo tâm là cô Thanh Hương ở quận 7 (TP.HCM) nhận cung cấp mỗi tháng 60 kg gạo và 1 triệu đồng tiền mặt tiếp sức cho hai em tiếp tục đến trường. Mùa lễ Vu lan trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cô Thanh Hương và một nhà hảo tâm khác cũng đã hỗ trợ 11 xe lăn để Đại đức Thích Lệ Tấn trao cho người khuyết tật.
Thấy hoàn cảnh ông Dương Văn Mạnh mưu sinh bán vé số dạo, có người vợ mù lòa và gia đình chị Võ Thị Thanh Hà không có đất sản xuất, phải làm mướn kiếm sống, cả hai hộ đều sống trong những căn nhà dột nát, cô Kiều Nương đã vận động Công ty Sam Son và một gia đình ở quận 1 (TP.HCM) tài trợ xây hai ngôi nhà tình thương trị giá 66 triệu đồng/căn trao tặng. Tiếng lành đồn xa, không chỉ cô Nương, cô Thanh Hương, anh Thắng, cụ bà Nguyễn Thị Chiêu (Diệu Đức), các phật tử Vũ Thị Huỳnh Thi, Diệu Chính, Chúc Hiếu, Võ Thị Lệ... ở TP. HCM và nhiều địa phương khác đã chung tay cùng Đại đức Thích Lệ Tấn thực hiện thành công các chương trình an sinh xã hội, làm đường, xây cầu giao thông nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới ở một vùng đất còn nhiều khó khăn như Đồng Tháp Mười.
Với sự dấn thân không mệt mỏi, Đại đức Thích Lệ Tấn (thế danh: Võ Văn Dực) đã được tặng thưởng nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Hội Khuyến học Việt Nam; của UBND, UBMTTQ và Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An; được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba (2016). Đặc biệt, Đại đức Thích Lệ Tấn còn được Trung tâm Xác lập kỷ lục Việt Nam tôn vinh “Nhà sư vận động xây cầu và các chương trình từ thiện nhiều nhất tỉnh Long An”.
|
Bình luận (0)