Nha Trang - nhớ Nhất Trí trong tâm tưởng

30/11/2020 10:00 GMT+7

Với những lần nghĩ, tôi hỏi lòng. Khi nào mới về được nơi này?

Gọi quê hương như tiếng mẹ đau thương. Nhìn xa thẳm, nhớ xa xăm một khung trời trắng xóa. Nơi chôn giấu bao ký ức và sự sống cả nhiều thế hệ. Nơi ngày ngày, bên dòng chài lưới, đầy ắp cá tôm, gợn gợn sóng, nô đùa trên thủy lưu của cửa mẹ bao thời gian trôi qua. Vết hằn, vết xước của sóng đều lành lặn, tưới tẩm hồn tôi và bao hồn chiến sĩ trên mặt trận biển cả.
Trong tối tăm của sự sống, của vầng trời đỏ rực, chỉ còn bao đau thương và tiếng kêu hốt hoảng. Thênh thang dạo bước sân quê, hôm nay không thấy sân quê ở đâu? Chắc hẳn, ai đã về nơi con sông Cái Nha Trang, đứng bên cầu Trần Phú ngó qua cồn Nhất Trí, chỉ còn thấy những trụ nhà sàn còn nguyên ở đó. Nhưng nó trong hình dạng đen lủi, đen thui. Tiều tụy, ghê gớm làm sao. Trong cơn mưa nhẹ bao đêm, chỉ ngày đó không có mưa. Ngày vận mệnh của các làng, thôn, xóm. Như cảnh tượng “Bến Nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”, chạy Tây khác đâu chạy lửa. Chạy trong cơn thì thào, khóc thầm của người lớn, khóc òa của những đứa trẻ sơ sinh, khóc lặng lẽ của người làm dâu mới về làng.
Những cây trụ cũng lạnh lẽo, cô đơn khác đâu con người. Có sàn nhà ở lại cùng nhau thì thầm, chống đỡ bão lũ những tháng đông. Người cha mà ở lại thì lũ trẻ và người mẹ không còn cảnh sợ hãi, chạy giặc lửa như thế này? Òa khóc lên, để đọc được câu thơ:
“Khuya mưa đêm chài lưới,
Mẹ ru tôi tháng ngày
Cha tôi còn đi mãi
Ở trong hồn của tôi”
Chắc cha đi mãi không về, nơi biển cả nghìn năm yêu dấu. Cha hóa thân nơi đâu? Hỡi cha!
Hình tượng nguyên sơ, ai đã dựng lên xóm cồn này? Ai đã đặt tên “Nhất Trí”? Phải chăng đó là sự đơn giản, mà ngày ngày tôi thấy những người trong làng nghe radio, để biết tin bão lũ. Nhất Trí còn ở trong tôi, nơi tụ tập buôn bán cá tôm, nơi đúng mười một giờ rưỡi các bà mẹ kêu con cái vào mâm ăn cơm. Mâm cơm của từng hộ gia đình thì đơn sơ, đạm bạc. Có ít rau luộc, các loại hải sản của vùng biển ban tặng, đặc biệt, nước mắm không thể thiếu. Vì nó là linh hồn, là tình yêu, gắn kết mọi cá nhân. Nhất Trí còn có cái ngã ba “sung sướng”, nơi tụ tập các bà “rẩu” kể chuyện buôn bán cá tôm, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Nó là cái nghề, “rẩu nước”, “rẩu bờ” và “rẩu con”. Bao hóa thân nhiệm màu, bao thời cuộc đổi thay, đã nuôi chúng tôi những người con của vùng cồn, trở thành những người tử tế, đắm say với sự cống hiến cho quê hương.
Khi tôi sinh ra, không biết làng có khi nào? Trưa hè mẹ tôi kể lại “nơi khai hoang lập địa đầu tiên, nên còn rất hoang sơ, chỉ vài căn nhà lợp mái tranh”. Tôi lớn lên theo tháng năm, theo dòng sữa mẹ ngọt ngào, và cả dòng nước mát cho tôi tắm hằng ngày. Nơi tôi giữ thăng bằng ở dưới nước cũng là đây, nơi tôi tắm sông, lượn sóng cũng ở đây. Vết máu linh hồn có bao giờ đổi thay, cảnh cũ người xưa về lại chốn này. Bao thăng trầm, chìm đắm dưới sóng, bão và lũ. Nhưng nét mặt của nước vẫn hiền hòa, như nét mặt của những con người nơi đây, khi đón chào khách xa tới hay khi chào đón người cùng xóm tới thăm.
Nhớ rằng nơi đất mẹ yêu dấu, khi vận mệnh đến thì tôi đi xa. Tờ mờ sáng, mẹ thức dậy sớm, quét nhà. Hôm đó, bao linh hồn của tôi cũng không ngủ được. Tôi thấy mẹ quét bụi, trầm lặng với nét mặt điềm lạ. Tôi hỏi “sao mẹ dậy sớm thế”, mẹ tôi bảo “Nơi tuổi thơ của con và mẹ đã tiêu tan trong ngọn lửa rồi”. Tôi chẳng biết làm gì? Ngoài cầu nguyện cho dân làng “Bình An”. Thương thay, ai cũng bình an, không ai bị thương, chỉ thiêu rụi vật chất.
Thương nhớ quê hương là cảm xúc khó tả nhất. Khi tôi nhớ về Nha Trang, không chỉ nhớ về nơi đô thị sầm uất, nơi đặc sản thượng hạng của tổ quốc (yến sào, tôm hùm, trầm hương). Mà nhớ về chuyến tàu hỏa, tiếng “xình xịch”, tiếng “rít hãm phanh”, tiếng “ghì chặt sân ga”. Hay tiếng tàu thủy “rào rào” trên sóng, tiếng “pạch pạch” khi khởi động. Làm cho hồn tuổi thơ, trở về với tháng ngày bình yên và thơ mộng. Và đặc biệt, tiếng ầm ĩ của “rẩu” đã đẩy nhiều thế hệ có nhịp sống tử tế, để cống hiến cho quê hương.
Tôi vẫn nhớ mãi “Khánh Hòa là xứ trầm hương/ Non cao biển rộng người thương đi về/ Yến sào thơm ngọt tình quê/ Sông sâu đá tạc lời thề nước non”, nơi mang nặng lòng với những tình cảm đơn sơ mà giản dị.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.