Tôi chơi thân với nhà văn Đoàn Tuấn cũng đã lâu, và gặp anh ở Moscow còn sớm hơn nữa, từ năm 1988.
Ngày ấy, Đoàn Tuấn đang học ở Học viện Sân khấu và điện ảnh của Liên Xô (VGIK), sau những tháng năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Rất thông thạo tiếng Nga, khi về nước, Đoàn Tuấn đã dịch nhiều tác phẩm văn học Nga, trong khi viết kịch bản điện ảnh cho hãng phim truyện Việt Nam. Rồi anh cho xuất bản tập thơ đầu tay của mình Đất bên ngoài Tổ quốc, in chung với nhà thơ Lê Minh Quốc, cũng một chiến sĩ tình nguyện ở chiến trường Campuchia với Đoàn Tuấn.
Sau tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc, nhà văn Đoàn Tuấn đã có thêm các tập bút ký như Mùa chinh chiến ấy, Một trăm ngày trước tuổi hai mươi, Mùa linh cảm; và tiếp tục với Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt. Tất cả những tác phẩm ấy đều viết về những người lính tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên chiến trường Campuchia.
Phải nói, nhà văn Đoàn Tuấn là người đi trước trong số những nhà văn - lính viết về cuộc chiến anh hùng của quân tình nguyện Việt Nam, một cuộc chiến mà nếu không được văn học thể hiện, thì rất dễ bị lãng quên. Đoàn Tuấn không chỉ viết trước, mà còn viết nhiều, vẫn đang viết nữa, về đề tài này.
Bởi anh là một người lính bẩm sinh.
Tôi đọc Đoàn Tuấn, thấy hiện lên qua từng trang viết hình ảnh một người lính với tất cả những gì mà anh ta có, từ những trận đánh, những hy sinh của đồng đội, những nỗi khốn khổ ngoài mặt trận, tới những diễn biến không đơn giản của tâm hồn. Văn học không từ chối bất cứ cái gì thuộc về số phận con người, và tác phẩm của Đoàn Tuấn đã nói lên rất rõ điều đó.
Nhất là khi đọc Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt, khi nhân vật Ánh, một đồng đội của Đoàn Tuấn, sau khi giải ngũ trở về Việt Nam, lập gia đình, có con, có cuộc sống đủ đầy, tự nhiên Ánh lại nhớ nghĩ về những đồng đội của mình còn nằm lại "đất bên ngoài Tổ quốc".
Ánh quyết định trở lại Campuchia, rành rẽ tiếng Khmer, trở thành một nhà sư với pháp hiệu lấy tên theo tiếng Khmer là Phteah Saniphap, nghĩa tiếng Việt là "ngôi nhà hòa bình", đi cùng những nhà sư của đất nước Chùa Tháp cất lên tiếng kinh, nguyện cầu cho linh hồn những người lính, những người dân Campuchia, xác thân đã nằm lại lòng đất trong cuộc chiến.
Đặc biệt, trong những buổi tụng kinh ấy, không chỉ tụng kinh cầu siêu cho những người lính Việt, Ánh còn cầu siêu cho những người lính từng là kẻ địch của mình. Lòng nhân ái ở đây đã mở rộng tới tột cùng, không phân biệt.
Tâm sự với bạn đọc trong buổi ra mắt sách tại Đường sách TP HCM, nhà văn Đoàn Tuấn đã nói: "Tôi có thể khẳng định với bạn, dù bạn biết nhiều danh lam thắng cảnh, dù bạn thưởng thức nhiều món ăn hảo hạng, nhưng sẽ rất tuyệt vời nếu bạn kết hợp điều đó với nhu cầu, khát vọng được khám phá những điều kỳ lạ về cuộc đời và số phận của con người, nhất là những người từ chiến trận trở về".
Tác phẩm của Đoàn Tuấn đã tôn vinh lòng nhân ái Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến tại Campuchia, với một nhân vật cực kỳ độc đáo là người lính - nhà sư Ánh. Chỉ một nhà văn - người lính bẩm sinh như Đoàn Tuấn mới xây dựng được một nhân vật như thế, và viết được một cuốn sách thuyết phục người đọc như thế.
Độc giả Phương Hoa (26 tuổi, ở quận 10, TP.HCM), chia sẻ: "Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt đã cho mình cái nhìn chi tiết, rõ ràng, chân thực về cuộc chiến tranh mang ý nghĩa "giúp bạn là tự giúp mình". Tác giả hóa thân vào nhân vật để viết về đồng đội mình, tri ân đồng đội, gia đình và những người dân Campuchia đã ngã xuống. Những câu chuyện trong cuốn sách mang thông điệp nhân văn rất sâu sắc". Những độc giả trẻ khi đọc cuốn sách này đã nhận thức được như thế, thì coi như nhà văn Đoàn Tuấn đã rất thành công khi viết sách.
Trong cuộc sống thường nhật bây giờ, tôi biết Đoàn Tuấn vẫn là một người lính, khi anh luôn kết nối với các cựu chiến binh là đồng đội của mình năm xưa, anh tổ chức những cuộc gặp gỡ, viếng thăm những đồng đội đang có cuộc sống khó khăn, cùng đồng đội mình giúp đỡ họ, để "không ai bị bỏ lại phía sau", không ai phải tủi thân trách phận. Những cuộc thăm hỏi, gặp gỡ đồng đội cũ liên tục hằng năm như thế là những động lực giúp Đoàn Tuấn tiếp tục sáng tác về số phận những người lính đã qua chiến trường Campuchia.
Tôi nghĩ, Hội Nhà văn Việt Nam và cấp có thẩm quyền rất nên khen thưởng nhà văn Đoàn Tuấn không chỉ những tác phẩm của anh, mà còn những hoạt động vì đồng đội của anh. Điều ấy thật đáng quý trong xã hội kinh tế thị trường của Việt Nam bây giờ.
Đẹp biết bao là hình ảnh người lính Việt Nam trong các tác phẩm nhà văn Đoàn Tuấn, một nhà văn của người lính, và một nhà văn là người lính bẩm sinh.
Bình luận (0)